Về Túy Loan vui hội, thưởng thức bánh tráng dịp tết

Từ Đà Nẵng, đi theo quốc lộ 14B khoảng 15 km về hướng Tây Nam, qua cầu Giăng, du khách sẽ đến địa phận một ngôi làng cổ có cùng tên với dòng sông đi qua làng, đó là làng Túy Loan.

Từ Đà Nẵng, đi theo quốc lộ 14B khoảng 15 km về hướng Tây Nam, qua cầu Giăng, du khách sẽ đến địa phận một ngôi làng cổ có cùng tên với dòng sông đi qua làng, đó là làng Túy Loan.

Cảnh rước sắc phong về đình.

Văn bia ở nhà thờ Ngũ tộc trong làng ghi: năm vị Tiền hiền của năm tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được chiếu vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm, mở mang bờ cõi. Năm vị dừng chân chọn nơi đây để lập ấp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Túy Loan.

Nhờ có vị trí thuận lợi, giao điểm giữa đường thủy và đường bộ, Túy Loan dần dần phát triển sầm uất, trù phú. Chợ Túy Loan quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng, lâm sản từ miền núi Hòa Phú, Đông Giang xuống như măng, trái cây, mít non, chuối…; cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng đưa lên rồi cả chiếu, nong rổ Cẩm Nê, Yến Nê đưa qua… Vì thế dân gian có câu ca tự hào: “Túy Loan trăm thứ, trăm ngon/ Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ”!

Túy Loan còn nổi tiếng với nghề làm bánh tráng và mì Quảng. Hiện nay còn nhiều lò bánh, nhưng ngon nhất là lò bà Tỉnh với nghề gia truyền hơn 40 năm. Để có “con” mì ngon dẻo, phải chọn cho được gạo ngon, sản xuất từ vùng đất cát không phèn của xã Đại Hiệp (Đại Lộc – Quảng Nam). Còn bánh tráng thì cũng có đủ năm thứ gia vị: mắm, gừng, đường, tỏi, mè, vấn đề là phải biết pha chế theo một tỉ lệ nào đó để bánh có hương vị độc đáo mà chẳng nơi nào có được. Lò bánh tráng của cô Túy Phong nổi tiếng hơn hai mươi năm qua, hằng năm có hàng trăm ngàn chiếc bánh tráng do chính tay cô “đúc” đã được phân phối khắp đất nước, sang cả trời Tây.

Một làng cổ có niên đại trên 500 năm, nằm trên trục giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông chắc hẳn sẽ là điểm dừng chân thú vị cho khách vãng lai. Khách lên Suối Hoa, Đông Giang, Bà Nà hay đi Ái Nghĩa có dịp nên ghé lại Túy Loan tham quan ngôi Đình cổ, dạo một vòng quanh chợ họp bên bến sông, thưởng thức mì Quảng và mua món bánh tráng truyền thống trứ danh về làm quà, để cuộc lữ hành thêm phần sinh động.

Hát bài chòi tại đình làng.

Đua ghe trên sông Túy Loan (trước đình làng).

Đặc biệt, vào dịp lễ hội này, mọi khách vãng lai đều được dân làng mời dự tiệc đầu xuân, ở ngay trước đình làng, khách và chủ tay bắt mặt mừng, chúc nhau nhiều niềm vui, may mắn, mọi việc đều hanh thông trong năm mới

Ngôi đình làng Túy Loan được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889). Ở văn bia đặt trong Đình còn có bài ký của Tam giáp Tiến sĩ Nguyễn Khuê, người Thanh Trì (Hà Nội) ghi lại sự việc lập Đình. Hơn một thế kỷ trôi qua, tất cả vẫn còn gần như nguyên trạng, trầm mặc uy nghiêm dưới bóng cây đa cổ thụ và bến nước trước sân đình. Hằng năm cứ đến xuân kỳ, thu tế, vào hai ngày 11-12 tháng 8 (âm lịch) và các ngày đầu năm mới (mùng 9-10) là dân làng lại long trọng thiết lễ tế đình, rước sắc phong, tổ chức các trò chơi dân gian như hát bài chòi, hát bội, thi đua ghe, thi trâu cày, thi chế biến các món ăn truyền thống quê hương, bắt lươn, trèo chuối…

Kỳ Văn

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ve-tuy-loan-vui-hoi-thuong-thuc-banh-trang-dip-tet/