Về với cội nguồn Pác Bó

Nhắc đến Pác Bó (Cao Bằng), trong tâm trí mỗi người dân đất Việt đều luôn hiển hiện trong lòng hình ảnh ông Ké (Bác Hồ) trong bộ quần áo chàm của dân tộc Nùng đêm ngày 'dịch sử Đảng', vạch ra đường lối, sách lược để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Pác Bó trở thành nơi cội nguồn cách mạng, 'địa chỉ đỏ' thiêng liêng gắn liền với giai đoạn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cách mạng Việt Nam những năm 1941 - 1945.

Chiếc bàn đá Bác thường ngồi làm việc được rào chắn bảo vệ tại Khu di tích đặc biệt Pác Bó. Ảnh: Thanh Thuận

Chiếc bàn đá Bác thường ngồi làm việc được rào chắn bảo vệ tại Khu di tích đặc biệt Pác Bó. Ảnh: Thanh Thuận

Vẫn vẹn nguyên như “thuở ban đầu”

Chúng tôi đến Pác Bó vào một ngày mùa Thu tháng Tám. Dọc hai bên con đường thấp thoáng những ngôi nhà sàn, ruộng bậc thang, những dòng suối trong mát... đã tô đẹp thêm bức tranh cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc này. Vẫn còn đây con suối Lê Nin trong mát hiền hòa trôi, ngọn núi Các Mác sừng sững, hang Cốc Bó còn nguyên bút tích của Người khắc trên vách đá; Khuổi Nậm rì rào vẫn nép mình bên núi Các Mác sừng sững; cột mốc 108 - nơi đầu tiên Bác đặt chân trở về Tổ quốc, trở về đất mẹ trong một ngày đầu Xuân năm 1941... 77 năm đã trôi qua, với bao nhiêu biến cố của lịch sử, nhưng cảnh sắc của khu di tích vẫn còn được lưu giữ một cách trọn vẹn như ngày nào Bác Hồ đặt chân về nước sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Bác đã chọn Cao Bằng là nơi đầu tiên trở về đất mẹ thân thương. Từ đây, Pác Bó trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam. Pác Bó là căn cứ địa cách mạng vững chắc, nơi ghi lại những dấu ấn sâu sắc để viết nên những bản anh hùng ca oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Theo tiếng địa phương, Pác Bó có nghĩa là đầu nguồn. Khu Di tích lịch sử Pác Bó rộng trên 295ha, với trên 46 điểm di tích, trở thành một trong những khu di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống các di tích về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945. Tháng 5-2012, Pác Bó trở thành Khu Di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 6-2014, xã Trường Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu của Trung ương.

Thăm hang Cốc Bó, nơi Bác ở (từ ngày 8-2 đến cuối tháng 3-1941), tôi càng thấy trân trọng, cảm phục nhân cách lớn của Người. Hang Cốc Bó nhỏ bé, ẩm thấp và lạnh lẽo, nằm sâu trong khe núi, có chiều cao trên 7m. Trong hang, tấm ván Người nằm nghỉ vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Hòn đá Người kê làm bếp nấu cơm, cây ổi Người hái lá đun nước uống thay chè vẫn còn đó, chỗ Người thường ngồi câu cá sau mỗi giờ làm việc mệt nhọc, chiếc bàn đá “chông chênh” nhỏ bé chỉ đủ kê một chiếc máy chữ Người ngồi “dịch sử Đảng” Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng... vẫn luôn gây xúc động với mỗi ai đến thăm nơi này. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, Người vẫn luôn lạc quan tinh thần cách mạng: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang” (Tức cảnh Pác Bó).

Cách hang Cốc Bó khoảng 1.000m, có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nậm... Nơi đây Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng... Tất cả gắn kết hài hòa giữa cảnh quan non nước hữu tình, đẹp như tranh vẽ.

Cột mốc 108 – nơi in dấu chân Bác Hồ trở về sau 30 năm xa Tổ quốc tìm đường cứu nước, nằm trên biên giới Việt - Trung, được làm bằng đá nguyên khối, hình bầu dục, cao khoảng 70cm. Muốn lên cột mốc 108, phải đi men theo suối Lê Nin, ngang qua hang Cốc Pó. Hiện nay, đi vào mốc không vất vả như xưa nữa mà có đường tiện cho khách du lịch lên thăm.

Thượng tá Nông Văn Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sóc Giang, BĐBP Cao Bằng chia sẻ: “Mốc 108 là mốc cũ, quá trình phân giới cắm mốc đã được hai bên Việt Nam và Trung Quốc thống nhất giữ lại làm di tích lịch sử. Bởi đây là một trong những điểm lịch sử không những có giá trị với Việt Nam mà với cả Trung Quốc. Hiện, mốc 108 vẫn ở vị trí cũ, nhưng hơi nghiêng sang một bên. Xung quanh mốc 108 đã được tôn tạo để các đoàn khách du lịch lên tham quan. Cán bộ, chiến sĩ của đồn vẫn đi tuần tra cột mốc thường xuyên”.

Khởi sắc trên quê hương cách mạng

Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Bác, năm 2010, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành xây dựng Đền thờ Người tại Khu di tích đặc biệt Pác Bó. Đền thờ tọa lạc trên ngọn núi Tếnh Chấy linh thiêng, thuộc khu vực trung tâm của Khu Di tích đặc biệt Pác Bó. Dưới chân núi là dòng suối Lê Nin trong xanh bắt nguồn từ đầu nguồn Cốc Bó ôm lấy núi Tếnh Chấy. Đền thờ là một ngôi nhà sàn được thiết kế cách điệu, tạo cho du khách một cảm giác bình dị như chính cuộc sống của Người. Công trình mang tầm vóc thế kỷ, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của người dân đất Việt nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng hướng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Nhà thờ Bác Hồ và nhà trưng bày khu di tích được đặt ngay tại điểm đầu đường vào Pác Bó. Tại vị trí trang trọng nổi bật là bức hoành phi nạm vàng với câu "Hồng nhật cao minh", nói lên công lao to lớn của vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta. Bác được ví như mặt trời đỏ soi rọi ánh sáng cách mạng, chỉ đường cho nhân dân ta đứng lên giải phóng đất nước. Tượng Bác được đúc bằng hợp kim đồng cao 1,8m, nặng 1,26 tấn, an tọa tại linh thờ trung tâm của đền. Tượng Bác như tựa lưng vào núi rừng Pác Bó.

Điều thú vị là, Khu Di tích đặc biệt Pác Bó cũng là điểm đầu, nơi đặt “Km 0” của con đường huyết mạch và lịch sử - Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam, đi qua 30 tỉnh, thành phố, nối thông đến Đất Mũi (Cà Mau). Con đường Hồ Chí Minh uốn lượn quanh sườn núi, qua những cánh đồng lúa, ngô xanh mướt của bà con dân tộc Tày, Nùng, mang đến nhịp sống tươi vui, sôi động cho những bản làng nơi đây. Con đường lịch sử đã phần nào làm nên bộ mặt mới cho xã Trường Hà.

Xóm Pác Bó - “điểm nhấn” quan trọng của huyện Hà Quảng có 91 hộ dân, 394 nhân khẩu, đa số là người dân tộc Tày, Nùng, hiện chỉ còn khoảng 17% hộ khó khăn... Thượng tá Nông Văn Hà phấn khởi cho biết thêm: “Năm 2008 chỉ có vài hộ làm dịch vụ, nay đã lên gần 80% số hộ trong xóm làm dịch vụ du lịch. Đời sống bà con khấm khá hơn so với thời chỉ trồng ngô, cấy lúa. Theo gương Bác, con em trong các thôn bản đang ra sức phấn đấu học tập, góp sức xây dựng quê hương”.

Về Pác Bó hôm nay, du khách cảm nhận được một làng quê đang từng bước phát triển với nhiều ngôi nhà mái ngói sạch đẹp, đường ô tô đến tất cả các xóm, trên 95% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Hòa cùng dòng người dâng hương, chúng tôi bồi hồi xúc động với một tình cảm biết ơn vô hạn với công lao của Bác đối với non sông, đất nước.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ve-voi-coi-nguon-pac-bo/