Về với vùng quê 'càng nắng to càng thích'

Xã An Hòa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) được xem như vựa muối của tỉnh Nghệ An, nơi đây có những làng nghề làm muối lịch sử trên cả 400 năm. Với diêm dân, họ thích nhất là trời nắng và sợ những trận mưa bất chợt...

 Nghề làm muối ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu đã có lịch sử hàng trăm năm. Dẫu trong vô vàn khó khăn, cái nghề "mặn mòi", gian truân này vẫn cứ trường tồn với nhiều gia đình diêm dân từ đời này sang đời khác theo kiểu "cha truyền con nối". Cuộc sống diêm dân qua nhiều thế hệ dần có những khởi sắc, thế nhưng để tạo ra được những hạt muối tinh khiết, chất lượng như ở An Hòa thì cách làm muối truyền thống vẫn không thay đổi.

Nghề làm muối ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu đã có lịch sử hàng trăm năm. Dẫu trong vô vàn khó khăn, cái nghề "mặn mòi", gian truân này vẫn cứ trường tồn với nhiều gia đình diêm dân từ đời này sang đời khác theo kiểu "cha truyền con nối". Cuộc sống diêm dân qua nhiều thế hệ dần có những khởi sắc, thế nhưng để tạo ra được những hạt muối tinh khiết, chất lượng như ở An Hòa thì cách làm muối truyền thống vẫn không thay đổi.

"Càng nắng to càng thích, sợ những trận mưa bất chợt..." - Nghề làm muối cũng vì thế mà không thể làm quanh năm mà chỉ làm theo mùa vụ, chủ yếu những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài. Theo thống kê từ UBND xã An Hòa, hiện có khoảng 50% số dân trên địa bàn làm nghề muối, với diện tích khoảng trên 100 héc-ta. Tại xã An Hòa có 2 làng nghề làm muối truyền thống và 3 hợp tác xã chuyên làm muối. Mỗi năm vựa muối An Hòa cho ra thị trường khoảng 15 đến 17 nghìn tấn muối thô.

Để có được những hạt muối thô tinh khiết, chất lượng cao, diêm dân phải cật lực, nhọc nhằn với nhiều công đoạn giữa thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt. Quy trình làm ra hạt muối ở An Hòa sơ bộ gồm: Xáo đất, phơi đất, đưa đất vào chạt, lọc nước, phơi nước, thu muối. Muối ở địa phương được đánh giá có chất lượng cao, vượt trội.

Dẫu lao động cực nhọc, nhưng lại phụ thuộc vào những ngày nắng nóng và đặc biệt là giá thành nên cuộc sống của người dân nơi đây vẫn hết sức nhọc nhằn, trăn trở. Vào những dịp giá muối thấp thì thu nhập của một diêm dân trong 1 ngày lao động cật lực cũng chỉ được khoảng 200 nghìn đồng.

"Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nói chung, xã An Hòa nói riêng, diêm dân vẫn luôn bám trụ, phát huy, nâng cao sản lượng, chất lượng từng vụ muối. Về định hướng lâu dài, địa phương đang xây dựng sản phẩm OCOP cho muối An Hòa. Hơn nữa xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nghề làm muối để phục vụ du lịch, du khách, tăng thêm thu nhập cho diêm dân..." - ông Hồ Anh Dũng - Chủ tịch UBND xã An Hòa tâm sự.

Với mong mỏi phát huy và xây dựng sự thịnh vượng cho nghề làm muối, cho diêm dân, xã An Hòa đã luôn sát cánh, tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ để các hợp tác xã thuê đất, mở rộng sản xuất, kho chứa...

Muối làm ra mỗi vụ tại An Hòa số lượng lớn, nhưng đầu ra chưa ổn định, giá muối bấp bênh...

Sau những công đoạn lao động cật lực, thành quả dần hiện hữu...

Dẫu trong điều kiện nghề muối bấp bênh nhưng những diêm dân làng nghề truyền thống ở An Hòa vẫn miệt mài, hăng say chạy đua với nắng để làm ra những hạt muối đạt chất lượng.

Mong người dân nghề muối An Hòa nói riêng, những diêm dân nói chung sẽ luôn có những vụ mùa thuận lợi...

Hoàng Phạm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ve-voi-vung-que-cang-nang-to-cang-thich-335186.html