Về 'vụ án ma túy kinh điển' Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường (Kỳ 7)

Có một điều mà anh em CSĐT ngạc nhiên là sau ngày Hiển, Ngấn, Xe, Trường bị bắt, có rất nhiều người đến năn nỉ xin xỏ hay thanh minh cho bọn chúng, trong đó có cả một số quan chức.

MẺ LƯỚI ĐẦU TIÊN

Có thể nói rằng trong những ngày cuối tháng 6, Ban Chuyên án đã làm việc cật lực. Thời gian lúc này là vàng, là cơ hội không thể lặp lại, bởi lẽ đã có tin cho hay một số đối tượng chính đang tìm cách “tăm” xem Công an Hoàn Kiếm đã có được những tin tức gì về hoạt động của bọn chúng. Các trinh sát vừa phải xác minh những điều Xiêng Phêng khai rồi tổ chức cho Xiêng Phêng nhận mặt Trường “hói”, nhận mặt Ngấn, Hiển, Vui thậm chí xác minh những đồ vật trong nhà…

Chiều ngày 3-7-1996, 48 chiến sĩ cảnh sát gồm các lực lượng Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Điều tra, Cảnh sát Hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ khác có mặt tại hội trường Công an quận Hoàn Kiếm. Nhưng tất cả họ đều không biết là sẽ đi làm nhiệm vụ gì. Máy nhắn tin, điện thoại di động của mọi người đều được giữ lại. Trong lúc các vị “tham mưu” đang đoán già đoán non thì tại phòng làm việc của Trưởng Công an quận đang có cuộc họp mang tính chất quyết định tới sự thành, bại của chuyên án. Tham dự cuộc họp có đồng chí Phó giám đốc Công an thành phố, Ban Chỉ huy Công an quận, Chỉ huy đội CSĐT, lãnh đạo phòng CSĐT, Viện Kiểm sát nhân dân quận… và đại diện của một số cục nghiệp vụ. Cuộc họp đã nhất trí với đề xuất của Ban Chuyên án là bắt khám xét khẩn cấp nhà Tạ Thị Hiển, Đỗ Thị Vui và phong tỏa toàn bộ nhà của các đối tượng Vũ Xuân Trường, Đào Xuân Xe, Lại Thị Ngấn… Bắt khám xét Hiển, Vui xong tập trung hỏi cung khai thác ngay và nếu thấy có thêm chứng cứ thì bắt Trường.

Thiếu tá Đinh Văn Toản, Phó chỉ huy Công an quận được giao nhiệm vụ chỉ huy cánh quân đi bắt Vui, Hiển.

Trước đó, từ buổi trưa, một nhóm trinh sát đã không rời mắt khỏi hai ngôi nhà của Hiển, Vui. Hiển có mặt ở nhà, nhưng Vui thì không thấy. Theo phán đoán của anh em thì có lẽ thị bị ốm, không ra khỏi nhà. Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ, chiều hôm trước thị đã cãi nhau với chồng một trận kịch liệt. Sau đó thị bỏ nhà đi luôn, và sự vô tình này đã giúp thị chưa phải ra trước vành móng ngựa hôm nay để nhận một bản án nghiêm khắc như đồng bọn. Vì để tránh mọi sự ồn ào và đánh động cho kẻ khác nên Ban Chhuyên án quyết định bắt Hiển vào lúc khuya. Nhưng đến hơn 8 giờ tối, bỗng nhiên thấy Vũ Xuân Trường tất tả đến và ở lỳ trong nhà Hiển. Một tình huống xảy ra ngoài dự kiến. Và lúc này, một dấu hỏi lớn đặt ra cho các đồng chí trong Ban Chuyên án - Trường đến làm gì và sao lại ngồi dai như vậy? Chỉ có hai khả năng xảy ra: hoặc là Trường đến với Hiển như bình thường, hoặc là y đến thông báo cho Hiển về tình hình “bất an” và tìm cách đối phó. Theo các trinh sát được biết, sau khi Xiêng Phêng được hoãn án tử hình, Trường có vẻ lo lắng thực sự. Y gặp gỡ nhiều cán bộ điều tra để dò hỏi xem Xiêng Phêng khai gì, và thậm chí còn tỏ ý “sẵn sàng hợp tác để tiếp tục đấu tranh”. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và xin ý kiến lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Chuyên án quyết định bắt Hiển, đồng thời giữ Trường lại để khai thác.

Khi khám người Vũ Xuân Trường, anh em thu được mấy bản báo cáo giả. Ngay lập tức, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT ký lệnh bắt khám xét khẩn cấp nhà Vũ Xuân Trường. Anh em áp giải Trường về nhà và yêu cầu Trường gọi cửa. Trường cất giọng run run: “Lụa ơi, mở cửa cho anh!”. Trường gọi xong, anh em đẩy Trường lên ôtô, và khi Lụa vừa mở cửa, Trường nói to: “Công an khám nhà đấy”. Nhưng tất cả đều đã muộn, 5,1kg hêrôin, 85.000USD là những vật chứng quan trọng nhất mà anh em thu được đã nói về tội lỗi của Trường. Nguyễn Trọng Thắng, Phạm Văn Tài, Dương Ngọc Thắng… đang ngồi sát phạt trên chiếu bạc. Chúng cũng bị đưa về Cơ quan Cảnh sát Điều tra với tội danh cờ bạc. Nhưng lúc đầu, Trường kiên quyết không nhận số hêrôin đó là của mình, mà một mực cho là “có nhóm mafia bỏ hêrôin vào nhà để vu vạ”. Thế chưa phải là hết, Trường còn chỉ tay vào điều tra viên mà nói rằng: “Sẽ cho chúng bay về hưu non”. Nhưng đến mờ sáng ngày 4-7, Vũ Xuân Trường đã viết bản khai đầu tiên. Và dòng đầu là: “Tôi, Vũ Xuân Trường, thừa nhận là có tham gia buôn bán hêrôin từ 1994…”.

Thấy tình hình thay đổi quá nhanh và nếu không tấn công tiếp, e rằng hôm sau “cá” sẽ “nhảy”, Ban Chuyên án ra lệnh bắt Lại Thị Ngấn và yêu cầu anh em khẩn trương xác minh, nếu có Đào Xuân Xe thì bắt ngay.

Cảnh sát Điều tra đến Công an phường Thổ Quan. Nhưng đồng chí Cảnh sát khu vực nhà ở tận Gia Lâm, không thể gọi đến để xác minh được. Một đồng chí nghĩ ra kế gọi điện hỏi 108 về số điện thoại nhà 184 Khâm Thiên, chủ hộ là Đào Xuân Xe. Khi có sô điện thoại của Xe, anh nhấc máy gọi. Phải mất một lúc lâu, đầu dây đằng kia mới có tiếng trả lời:

- Alô, tôi Xe đây!

- Anh Xe đấy à, tôi trên Lai Châu mới về đây. Bây giờ gặp anh tí có được không, hay để sáng mai?

- Để mai đi, mà này, ông tên là gì đấy?

Trinh sát bật cười và cúp máy, 5 phút sau, CSĐT ập vào nhà Xe. Và thật, trời không dung bọn gây tội ác! - Xiêng Khăm Chăn, kẻ mà anh em rất lo là không có kế gì tóm được hắn thì đang trốn trong toa lét.

Hai tiếng đồng hồ sau, lúc 5 giờ sáng ngày 4-7, lệnh bắt khám xét khẩn cấp Lại Thị Ngấn đã được thực hiện trọn vẹn.

6 giờ sáng ngày 4-7-1996, bản báo cáo khẩn cấp của Công an thành phố Hà Nội về việc bắt các đối tượng, kèm theo bản thú nhận đầu tiên của Vũ Xuân Trường thừa nhận việc y có tham gia buôn bán hêrôin được gửi lên các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ. 7 giờ sáng Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Nội vụ họp nghe Công an Hà Nội báo cáo tình hình.

Cho đến nay, nhiều đồng chí trong Ban Chuyên án còn nhớ như in nét mặt buồn bã nặng nề của các đồng chí lãnh đạo. Thật oan nghiệt làm sao, thường khi phá án thành công, mọi người phải vui, đằng này, mọi sự đều ngược lại. Vẫn biết rằng “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cái sự việc một sĩ quan cảnh sát đặc nhiệm đi buôn bán ma túy - điều mà lâu nay chỉ có thấy ở cảnh sát các nước phương Tây, còn ở cảnh sát Việt Nam thì quả là mới có lần đầu tiên. Điều ấy khiến các đồng chí lãnh đạo choáng váng.

Ngay trong phiên họp này, Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Nội vụ biểu dương Công an thành phố Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm và xác định rõ ràng: Kiên quyết đấu tranh bóc gỡ toàn bộ đường dây. Nghiêm khắc xử lý tất cả những ai có liên quan, dù người đó là cấp nào, giữ cương vị gì. Công an thành phố Hà Nội phải tập trung mở rộng vụ án, tấn công liên tục và khồn để cho những tên còn lại có thời gian hoàn hôn.

Kể từ sáng ngày hôm đó, toàn bộ gánh nặng của vụ án đè nặng lên vai cán bộ, chiến sĩ Đội Điều tra trọng án. Hồ sơ vụ án đã được Công an Hoàn Kiếm giao lại cho phòng CSĐT. Lúc bàn giao, nhiều “cầu thủ” đang “say” trận đấu này có vẻ tiếc. Nhưng anh em cũng biết hơn ai hết về sự phức tạp của vụ án này và thấy rõ cần phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị nghiệp vụ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ Nội vụ giao cho.

Được tăng cường thêm một số cán bộ có kinh nghiệm hỏi cung của Cơ quan Điều tra an ninh, Ban Chuyên án lao vào khai thác các đối tượng. Để tránh thông cung, các bị can được ở nhiều trại giam khác nhau. Có trại cách Hà Nội gần trăm cây số, vậy mà anh em cứ phải sáng đi, tối về. Rồi phải đấu tranh khai thác, đối chiếu lời khai với tài liệu, vạch kế hoạch đấu tranh cho ngày tới… Họ làm việc hầu như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Tiền đi công tác, đơn vị chưa có thì lấy của vợ, xin của bố mẹ. Chỉ riêng tiền photocopy tài liệu cũng mất hàng chục triệu đồng. Lại có nhóm đi Lai Châu, Sơn La; có tổ làm việc với cảnh sát Lào; có tổ đi miền Nam, đi Thái Bình, Nghệ An…

Quá trình đấu tranh với các đối tượng chính trong vụ án là cả một nghệ thuật. Các đối tượng như Chỉnh, Trường, Xe, Ca, Trọng Thắng… đều biết ngay mức án mà chúng phải chịu khi ra tòa xét xử. Chính vì thế, không dễ gì chúng khai nhận. Vừa thu thập chứng cứ đấu tranh, vừa giáo dục, thuyết phục, vừa theo dõi chặt chẽ diến biến tư tưởng của chúng để có đối sách kịp thời, và một yếu tố quan trọng là trong quá trình đấu tranh, anh em đã tránh được những lời nói, những thái độ có thể đẩy chúng đến bước đường cùng. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc chúng khai báo, có tên khai rất thành khẩn như Trọng Thắng, Bùi Danh Ca, Vũ Hữu Chỉnh.

Lại Thị Ngấn, ngay sau khi bị bắt đã có kế hoạch đối phó với CSĐT. Đầu tiên là phải dùng tiền “mua” bằng được CSĐT, nếu không thì tìm kẻ nào nghi là người do công an cài vào đường dây và đổ riệt cho nó để gây rối, và cuối cùng là vu vạ cho công an. Hai kế trước mụ không thực hiện được, chỉ có kế cuối cùng mụ thực hiện tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Tạ Thị Hiển thì từ lúc bị bắt, mọi lời nói đều toát ra cái vẻ ta đây giàu có và là “cơ sở của công an”. Vào trại giam, thị đòi thuê “buồng giam dịch vụ” với giá nào cũng được. Dĩ nhiên là phải có điều hòa nhiệt độ, có tivi và không thể thiếu tủ lạnh. Thị tỏ ra bực bội khi bị giam chung với Phúc Bồ. Đêm đầu tiên, thị ngủ mê, gác chân lên cổ Phúc Bồ và cái giá phải trả là ăn trận đòn nhừ tử mà không dám kêu. Thấy Hiển chưa có tiền án tiền sự, có anh em cho rằng “dễ ăn” khi hỏi cung. Nhưng chỉ qua vài câu thì họ đành để cho mụ “nghỉ ngơi”, còn mình về nghĩ kế khác, bởi lẽ thị ta “rắn” quá.

Có một điều mà anh em CSĐT ngạc nhiên là sau ngày Hiển, Ngấn, Xe, Trường bị bắt, có rất nhiều người đến năn nỉ xin xỏ hay thanh minh cho bọn chúng, trong đó có cả một số quan chức. Nhưng đáng nói hơn là không ít người cứ một mực cãi rằng “có lẽ bắt nhầm, vì có thấy chúng buôn ma túy bao giờ đâu?”(!). Riêng Vũ Xuân Trường thì không có ai xin cho cả.

Việc đầu tranh làm rõ hành vi phạm tội và mối quan hệ của chúng giống như gỡ cuộn chỉ rối. Không cẩn thận, đứt một nút là hỏng hết. Chính vì vậy, công tác phòng chống nhưng đối tượng chính tự sát được quan tâm hàng đầu. Nhiều cán bộ có kinh nghiệm về tâm lý tội phạm cũng được lãnh đạo Bộ Nội vụ giao cho nhiệm vụ phối hợp với Ban Chuyên án để cùng anh em tìm cách đấu tranh với những đối tượng ngoan cố.

Cuối tháng 10, trinh sát từ Lai Châu báo cáo về một tin quan trọng. Sau khi Xiêng Phêng bị bắt, Nang Súc, vợ Xiêng Phêng thuê xe chạy suốt ngày đêm về Điện Biên và gặp Đào Xuân Xe. Ả khóc lóc và hỏi Đào Xuân Xe về cách cứu chồng và Xiêng Nhông, đồng thời nói cho Xe biết trong xe ô tô 0054 còn 23 cặp hê-rô-in. Xe đã về Hà Nội gặp Trường trao đổi với Trường về chuyện đó.

Từ nguồn tin này, Ban Chuyên án lần giở lai toàn bộ hồ sơ vụ bắt Xiêng Phêng và các thủ tục tố tụng. Qua nghiên cứu mới thấy có những chuyện mờ ám trong việc chính Trường lập kế hoạch trinh sát để đưa chiếc xe 0054 ra khỏi kho tang vật. Và thế là một chuyên án mới bắt đầu.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ve-vu-an-ma-tuy-kinh-dien-xieng-phenh-vu-xuan-truong-ky-7-254926.html