Về vụ gỗ lậu ở Krông Na

Ngày 27-4, lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an bắt quả tang 2 xe tải đang chở gần 40m3 gỗ tại khu vực thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng liên quan: 'Số gỗ trên do ông Phan Hữu Phượng, có biệt danh là Phượng 'râu' thuê chở và được vận chuyển từ khu vực Tiểu khu 464, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk thuộc địa bàn Đồn Biên phòng (BP) Bo Heng quản lý'. Ngay sau khi sự việc xảy ra, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao điểm tập kết gỗ ngay sát cạnh Đồn BP Bo Heng, mà đơn vị không biết đây là điểm tập kết gỗ lậu? Để trả lời câu hỏi này, nhóm phóng viên Báo Biên phòng đã đi sâu tìm hiểu về vụ việc.

Đối tượng Phan Hữu Phượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: TPO

Ngay sau khi nắm được thông tin trên một trang báo mạng với tựa đề “Bộ Công an đang vây bắt vụ phá rừng lớn tại Vườn quốc gia Yok Đôn”, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk và Đoàn Đặc nhiệm 2, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP vào cuộc để xác minh vụ việc.

Liền sau đó, lực lượng công an đã phối hợp với Đồn BP Bo Heng kiểm tra hiện trường khu vực bãi gỗ (mà một số báo đã đưa tin). Tại khu vực bãi gỗ, lực lượng chức năng phát hiện 3 xe máy cày (đã hỏng), 4 xe “Reo” độ chế (1 đã hỏng), 4 cưa máy; số gỗ còn tại bãi là 223 lóng, tương đương 213m3 thuộc chủng loại gỗ dầu, cà chít, căm xe có hồ sơ và đã được đóng dấu búa kiểm lâm.

Tại sao số gỗ và lán trại được một số báo phản ánh như bãi gỗ lậu này lại được các cơ quan chức năng xác nhận là hợp pháp? Ngược dòng thời gian, thời điểm năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý cho Công ty TNHH Thảo Trúc của ông Phan Hữu Phượng trục vớt gỗ dưới lòng suối Đắk Đam. Do vậy, lán trại công ty của ông Phượng dựng gần khu vực suối và đã được cơ quan chức năng đồng ý, cho phép.

Tuy nhiên, đến năm 2015, Vườn quốc gia Yok Đôn không cho Công ty TNHH Thảo Trúc trục vớt gỗ nữa và đã có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đề nghị đôn đốc Công ty TNHH Thảo Trúc và ông Phan Hữu Phượng phải vận chuyển gỗ ra khỏi khu vực vườn. Tuy nhiên, mãi đến năm 2017, Sở Tài chính Đắk Lắk mới làm xong thủ tục đấu giá gỗ, bán phát mại thanh lý cho ông Phan Hữu Phượng và Công ty TNHH Thảo Trúc. Vì vậy, công ty chưa thể vận chuyển hết gỗ hợp pháp nói trên nên vẫn duy trì lán trại để trông coi.

Ngày 26-3-2018, Công ty TNHH Thảo Trúc có tờ trình gửi Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đề nghị chấp thuận cho kéo dài thời gian vận chuyển gỗ và ngày 27-3-2018, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk có công văn số 722/BCH-TM do Đại tá Trần Ích Thà, Phó Chỉ huy trưởng ký về việc trả lời đề nghị kéo dài thời gian vận chuyển gỗ của Công ty TNHH Thảo Trúc. Công văn nêu rõ: “Đồng ý cho Công ty TNHH Thảo Trúc và ông Phạm Hữu Phượng được tiếp tục vận chuyển gỗ trong danh mục đã mua đấu giá trong thời gian từ ngày 27-3-2018 đến hết ngày 30-4-2018...”. Như vậy, việc lán trại gần khu vực suối hoạt động là vẫn còn trong thời gian cho phép của cơ quan chức năng và việc đấu nối điện của đồn BP thực chất chỉ là sự tạo điều kiện giúp đỡ cho các tổ chức, cá nhân làm việc hợp pháp trên biên giới.

Đồng thời, ngay khi vụ vận chuyển gỗ của ông Phan Hữu Phượng bị lực lượng Công an bắt giữ, lực lượng Kiểm lâm và Ban quản lý rừng quốc gia Yok Đôn phối hợp với Đồn BP Bo Heng kiểm tra khu vực rừng thuộc địa bàn đơn vị quản lý nhưng không phát hiện có dấu vết cây rừng bị chặt hạ; quá trình rà soát, kiểm tra địa bàn không phát hiện gỗ mới không nguồn gốc, không phát hiện có gỗ tập kết trên đường biên giới.

Về phía các cơ quan chức năng của BĐBP, theo báo cáo của Đoàn Đặc nhiệm 2, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, để vụ việc xảy ra là do Ban chỉ huy Đồn BP Bo Heng thiếu trách nhiệm, không chỉ đạo việc theo dõi, ghi nhật ký phương tiện, số lóng gỗ và khối lượng vận chuyển từng chuyến, đã tạo sơ hở cho doanh nghiệp lợi dụng trà trộn gỗ không hợp pháp với gỗ hợp pháp để vận chuyển ra khỏi địa bàn.

Hiện tại, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 đồng chí gồm: Thượng tá Cao Hữu Tùng, Đồn trưởng và Trung tá Bùi Khắc Hiệp, Chính trị viên Đồn BP Bo Heng; Đại úy Trần Tiến Vinh, Phó Đồn trưởng và Trung tá Phạm Công Khanh, Chính trị viên Đồn BP Yok Đôn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tiến hành làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan, nếu phát hiện có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho các sai phạm của ông Phan Hữu Phượng và Công ty TNHH Thảo Trúc sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che.

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; thường xuyên duy trì các tổ, đội kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào biên giới; làm tốt công tác phối hợp với lực lượng chức năng trong tuần tra kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng chủ động nắm tình hình từ xa kết hợp tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới quốc gia cũng như bảo vệ tài nguyên rừng.

Nhóm PV

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ve-vu-go-lau-o-krong-na/