Về vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi trở lại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, thăm Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây 70 năm về trước, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định để làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Du khách tham quan lán làm việc của Ban thông tin chiến dịch.

Sở Chỉ huy chiến dịch

Theo những đoàn khách, được nghe thuyết minh và chứng kiến những hầm hào, lán trại liên hoàn làm bằng những vật liệu đơn sơ như cây tre, luồng, lá móc, lá gồi... có sẵn tại khu rừng Mường Phăng, chúng tôi càng cảm phục sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân đội ta, từ việc chọn vị trí đặt Sở Chỉ huy đến bài trí các cơ quan phù hợp điều kiện tác chiến và bảo đảm bí mật, an toàn.

Thuyết minh viên Cà Thị Minh giới thiệu: Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30km, bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên diện tích rừng tự nhiên khoảng 90km². Đây là địa điểm thứ 3 và là cuối cùng đặt Sở Chỉ huy, cơ quan đầu não của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1 - 15/5/1954). Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo trong 32 ngày; địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, thời gian 13 ngày.

Ngay lối vào khu rừng, là Trạm gác Sở Chỉ huy (bảo vệ Sở Chỉ huy chiến dịch vòng ngoài). Đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, đến lán và hầm làm việc của Ban thông tin đảm bảo liên lạc, truyền đạt mệnh lệnh nhanh chóng, chính xác và bảo mật.

Đi sâu vào trong, gặp đường hầm xuyên núi, chiều dài 69m, nối lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lán của đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Lán tác chiến nơi theo dõi diễn biến chiến sự trên chiến trường của Ban tác chiến và Ban quân báo. Tại đây, vào 15 giờ chiều 7/5/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận tiến công vào Sở Chỉ huy quân Pháp, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu.

Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, lên đỉnh Pú Huốt, cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng là đài quan sát. Từ đây, có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh với các cứ điểm đồi Him Lam, Độc Lập, D1, C1, A1, cầu Mường Thanh và hầm Đờ-cát. Mọi động tĩnh của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều bị quân ta theo dõi.

Học sinh Trường tiểu học, THCS và THPT quốc tế Bình Minh, thành phố Sơn La thăm Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngôi lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khu rừng luôn được nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng gìn giữ, bảo vệ. Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được Đảng và Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.

Ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý Khu di tích lịch sử Mường Phăng, cho biết: Bà con nhân dân nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phối hợp với Tổ quản lý khu di tích duy trì cảnh quan môi trường khu di tích xanh, sạch, đẹp. Bà con luôn nhiệt tình, hiếu khách, sẵn sàng hỗ trợ tổ quản lý khu di tích trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục khi đến thăm khu di tích.

Trong chuyến thăm khu di tích, gặp đoàn học sinh Trường tiểu học, THCS và THPT quốc tế Bình Minh, thành phố Sơn La, đến tham quan, tìm hiểu tại Khu di tích. Cô giáo Đoàn Kiều Anh cho biết: Với mục đích giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc cho học sinh, nhà trường tổ chức đưa hơn 100 học sinh đến với địa chỉ đỏ Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, để tri ân các thế hệ cha ông đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nói: Lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cảm thấy bồi hồi xúc động và ấn tượng về lán ở, lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân. Tuy thiếu thốn, vật chất đơn sơ nhưng đã làm nên một chiến thắng vĩ đại. Mong muốn thế hệ trẻ cố gắng học tập, góp sức xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của ông cha giành lại độc lập, tự do cho ngày hôm nay.

Nhân dân xã Mường Phăng phát triển du lịch cộng đồng.

Mường Phăng hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa 70 năm, vùng đất căn cứ địa cách mạng Mường Phăng đang vươn mình, thay da, đổi thịt từng ngày. Xã có 20 bản, với 2 dân tộc Thái, Mông cùng sinh sống.

Cùng đi thăm các mô hình kinh tế của địa phương, ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, giới thiệu: Sự đổi thay của Mường Phăng bắt đầu từ hồ thủy lợi Loọng Luông. Hồ được xây dựng theo đề xuất Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, sau chuyến thăm Mường Phăng năm 2004, khi thấy người dân nơi đây phải sống trong cảnh khan hiếm nước sản xuất. Sau hơn 2 năm thi công, đến năm 2013, hồ Loọng Luông có tổng diện tích lưu vực 1,9 km2, dung tích hơn 1 triệu m3 đã hoàn thành và đưa vào khai thác, cấp nước tưới cho 150 ha đất trồng lúa trên địa bàn, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng. Có nguồn nước đảm bảo sản xuất, đến nay, nông dân trong xã đã thâm canh 225 ha lúa 2 vụ, 87 ha lúa 1 vụ; bình quân lương thực đầu người đạt 534 kg/năm. Tri ân tình cảm, sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồ Loọng Luông trên đỉnh Pú Huốt được người dân Mường Phăng trìu mến gọi là “hồ bác Giáp”, “hồ Đại tướng”.

Hiện nay, đồng bào dân tộc Mông các bản: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Co Mận, Loọng Háy, Loọng Nghịu đã biết trồng lúa 2 vụ. Ông Vàng A Chỉa, Trưởng bản Loọng Nghịu, phấn khởi: Bản có 100 hộ, gần 300 nhân khẩu, từ khi có hồ thủy lợi, gần 10 ha lúa của bản gieo cấy được 2 vụ, thóc sản xuất ra không những đủ ăn, còn được mang bán lấy tiền nuôi con ăn học, vui nhất cả bản không còn hộ nghèo.

Nhân dân xã Mường Phăng nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy lợi Loọng Luông.

Ngoài lúa, rau màu, trên đồng đất Mường Phăng đang đưa vào trồng những giống cây mới, chất lượng cao, như: Dâu tây, nho hạ đen. Anh Hoàng Văn Dán, HTX dâu tây Mường Phăng, chia sẻ: Tôi là người con của Sơn La, lên lập nghiệp tại xã Mường Phăng đã gần 10 năm nay, ban đầu tôi trồng cà chua, rau màu. Song, nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Mường Phăng tương đồng với Mộc Châu, năm 2021, tôi mạnh dạn đưa dâu tây về trồng và đã thành công. Hiện nay, gia đình còn liên kết với 8 hộ dân trong xã thành lập HTX dâu tây Mường Phăng và mở rộng diện tích lên 2 ha, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, sản lượng từ 7-8 tấn quả/vụ, bán với giá trung bình từ 80-160.000 đồng/kg. Mỗi mùa dâu cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Mường Phăng hôm nay còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, gắn với tham quan Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. UBND xã đã rà soát, lựa chọn, xây dựng 3 bản văn hóa, du lịch cộng đồng, gồm: Bản Che Căn; bản Khá (dân tộc Thái) và Loọng Luông 2 (dân tộc Mông). Toàn xã có 2 homestay; 10 nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống và trên 30 hộ dân cung cấp dịch vụ lưu trú. Chú trọng xây dựng nông thôn mới, các trục đường liên xã được mở rộng, trải nhựa; 100% tuyến đường nội bản, liên bản bê tông hóa; hệ thống trường học 3 cấp đầu tư khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học; 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia…

Phát huy truyền thống lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, phấn đấu hết năm 2024, xã không còn hộ nghèo; xây dựng Mường Phăng ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2024-/ve-vung-can-cu-cach-mang-muong-phang-mLILQRYSg.html