Về vùng nông thôn người nông dân rất thiết tha ở lại với đồng đất

Đổi mới nông lâm trường quốc doanh từng là vấn đề đau đầu dai dẳng. Song ở Nông trường Đồng Giao (nay là Cty Cổ phần Thực phẩm XK Đồng Giao - DOVECO), bước chuyển giao này lại diễn ra một cách rất êm ả.

Diện mạo mới, “chiếc áo” mới ở những vùng nông thôn vốn là Nông trường Đồng Giao trước đây cho thấy, khi quyền lợi của người lao động được giải quyết hòa, đời sống sung túc, nông dân không có gì lại không thiết tha ở lại với đồng ruộng.

Để nông dân bám đất, bám quê

Thế hệ của những công nhân ở Nông trường Đồng Giao như ông Trịnh Khắc Kiệm, nguyên Phó Giám đốc DOVECO năm nay đã ở tuổi 70 thì đã có quãng đời hơn 40 năm gắn bó với mảnh đất Đồng Giao – Tam Điệp. Ông bảo có lẽ tới lúc còn nắm xương tàn, ông cũng chỉ có ước nguyện được ở lại với mảnh đất ấy.

Ông Kiệm đúc rút rằng: Trong khi nhiều nông trường ở miền Bắc lao đao khi bước vào cơ chế thị trường, tự chủ trong kinh doanh, thậm chí “tan đàn xẻ nghé” thì ở DOVECO ngày nay, có một đặc thù đó là yếu tố truyền thống đoàn kết, thế hệ đi trước luôn cố gắng để lại cho thế hệ đi sau những gì tốt nhất.

Dứa mang lại đời sống cho nông dân và là sản phẩm chủ lực của DOVECO qua nhiều thế hệ

Năm 2006, khi DOVECO cổ phần hóa, chuyển đổi từ Cty quốc doanh sang Cty cổ phần thì một trong những vấn đề căn cốt nhất được đặt ra, đó là làm sao ổn định được đời sống cho hơn 1.500 công nhân nông nghiệp, với hàng nghìn hộ thuộc nhiều thế hệ của Nông trường Đồng Giao trước đây để lại. Theo đó, bên cạnh việc giải quyết nghiêm túc chế độ chính sách, bảo hiểm cho công nhân nông nghiệp, một trong những tiêu chí hàng đầu để các hộ công nhân nông nghiệp được nhận đất SX, đó là phải có cổ phần trong Cty để vừa đảm bảo quyền lợi bền vững lâu dài cho công nhân, vừa đảm bảo để Cty có vùng nguyên liệu ổn định. Vì vậy đến nay, nông dân là công nhân của DOVECO gần như không ai lăn tăn về cơ chế và đời sống, bởi họ vừa có chế độ bảo hiểm, đảm bảo có lương hưu về già, vừa có lợi tích cổ phần trong Cty, lại vừa có đất SX đem lại thu nhập thường xuyên.

Ông Phạm Ngọc Thành, Phó giám đốc DOVECO cho biết: Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến cho Cty, hiện hơn 3.500ha dứa nguyên liệu tại Ninh Bình đã được Cty thực hiện cơ chế giao khoán. Cty đầu tư ban đầu đối với toàn bộ giống, phân bón, thuốc BVTV; hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi giám sát quá trình phát triển của cây dứa và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn.

Anh Lê Đình Hà (đội Sòng Vặn, xã Quang Sơn, TP Tam Điệp) là một trong số hàng nghìn hộ công nhân bám ở vùng đất Đồng Giao, đang nhận khoán và hợp tác trồng dứa nguyên liệu cho DOVECO. Anh bảo rằng mấy năm nay, nhất là vụ dứa 2018, giá dứa nguyên liệu xuống quá thấp, nhiều nơi nông dân trồng dứa tự phát, không có liên kết tiêu thụ (điển hình tại Thanh Hóa) phải bán đổ bán tháo, kêu gọi “giải cứu” thì người trồng dứa tại Đồng Giao vẫn bình chân như vại bởi đã có DOVECO bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá giúp nông dân có lãi cao.

Hộ anh Hà nhận khoán 4ha dứa. Anh cho biết hàng năm, mỗi nhóm hộ trồng dứa sẽ họp bàn với DOVECO theo nhiều đợt khác nhau để ký thỏa ước về mức giá thu mua. Hiện nay, DOVECO vẫn đảm bảo thu mua dứa cho nông dân với giá 4.300 đến 5.000 đ/kg, đảm bảo cho người trồng dứa có lãi từ 200-250 triệu đồng/ha/vụ.

Hiện nay, DOVECO vẫn đảm bảo thu mua dứa cho nông dân với giá 4.300 đến 5.000 đ/kg

Theo anh Hà, năm nào cũng thế, đầu và cuối năm giá dứa ngoài thị trường tự do rất cao, có khi tới 8-10 nghìn đồng/kg, nhưng vào tháng 7-8 hàng năm là mùa của nhiều loại hoa quả thì dứa đổ đi không hết, năm nay chỉ 1-2 nghìn đồng/kg cũng không bán được. Trong khi đó, phía Cty DOVECO vẫn mua theo giá cam kết trung bình 5.000 đ/kg. “Năng suất dứa lên tới 50-60 tấn/ha, trong khi định mức Cty đặt ra chỉ từ 20-30 tấn/ha nên lúc giá cao, nông dân hoàn toàn có thể bán trộm ra ngoài. Tuy nhiên, không ai bẻ kèo như vậy, bởi ai cũng ý thức được nếu không có nhà máy thì người trồng dứa khó mà yên tâm SX được” – anh Hà phấn khởi.

Khi quả dứa không còn vị đắng

Ông Vũ Đắc Khang, nguyên Phó GĐ DOVECO nhớ lại: Trước năm 1991, cây dứa ở Đồng Giao một thời chủ yếu phục vụ chế biến sản phẩm đông lạnh XK theo các hợp đồng cho Nhà nước sang các nước Đông Âu. Sau khi Đông Âu tan rã, các hiệp định kinh tế hết hiệu lực, NM chế biến dứa của Đồng Giao cũng lâm vào khốn đốn. Có thời kỳ, cả ban giám đốc cũng như văn phòng phải thồ dứa đi bán dạo khắp miền Bắc. Nông trường Đồng Giao buộc phải chuyển một phần sang trồng mía, bán mía nguyên liệu cho NM đường Vạn Điểm (Hà Nội), rồi có giai đoạn lại bán mía cho NM đường Việt – Đài (Thanh Hóa)... Chỉ tới năm 2002 trở lại đây, khi DOVECO liên tiếp đầu tư các dây chuyền chế biến cho sản phẩm dứa ngày càng đa dạng như tổ hợp chế biến rau quả hiện đại (năm 2002); xây dựng NM lạnh IQF số 1, IQF số 2..., số phận cây dứa dần đổi đời và bám rễ trở lại một cách bền vững ở vùng đất Tam Điệp.

Xét về giá trị kinh tế, cây dứa nhiều nơi hiện nay chưa thể là “số 1, số 2” về giá trị và lợi nhuận, song ở DOVECO, nó vẫn đang cho thấy là cây trồng khó thay thế. Giải bài toán cho cây dứa, nói như ông Vũ Đắc Khang, nguyên Phó GĐ DOVECO thì đây là cả truyền thống và văn hóa tương hỗ, lấy “công nhân công nghiệp hỗ trợ cho công nhân SX nông nghiệp”. Chẳng nói đâu xa, ngay như vụ dứa năm 2018, giá dứa nguyên liệu xuống quá thấp, nhưng Cty không bỏ rơi người trồng dứa mà vẫn phải lấy lợi nhuận từ mảng sản phẩm khác để bù cho cây dứa, mua với giá đảm bảo nông dân có lãi tốt.

Tại Tp. Tam Điệp, DOVECO đang dần đa dạng hóa sản phẩm có giá trị cao cho nông dân (trong ảnh: Trồng hẹ thí điểm chế biến rau gia vị XK)

Trong khi ngành chế biến sâu đối với sản phẩm rau quả chỉ mới sôi động tại Việt Nam trong vòng 5-7 năm trở lại đây, thì công bằng mà nói, cái may mắn của DOVECO ngày nay là có sự kế thừa những thành quả mà lịch sử để lại, nhất là đã sớm được đầu tư về chế biến sâu, tạo ra một chuỗi giá trị SX mang lại tối đa lợi nhuận từ SX nguyên liệu, chế biến tới tiêu thụ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực để vượt qua khó khăn, đặc biệt là từ sau khi cổ phần hóa năm 2006 đến nay. Hàng loạt các NM chế biến mới đã được đầu tư, mà gần đây nhất là tổ hợp chế biến rau quả, tổng mức đầu tư 273 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế 50.000 tấn sản phẩm/năm tại Gia Lai năm 2017. Chanh leo, một cây trồng mới do DOVECO đầu tư đang được liên kết với nông dân tại Gia Lai, cho doanh thu hàng tỉ đồng/năm. Tại vùng nguyên liệu truyền thống ở Tam Điệp, một số đối tượng mới như rau gia vị, chuối... cũng đang bước đầu được DOVECO triển khai nhằm đa dạng hóa sản phẩm có giá trị cao hơn...

Theo DOVECO, năm 2017, bình quân thu nhập của hộ công nhân nông nghiệp của Cty là 250 triệu đồng/hộ/năm, năm 2018 ước khoảng 280 triệu đồng/hộ (so với công nhân nông nghiệp là 8,5 triệu đồng/tháng), lợi nhuận cổ tức 19%. Đây chưa phải là mức thu nhập quá cao so với nhiều nơi trên cả nước, nhưng ít nhất cũng là mức thu nhập mà không nhiều nơi nông dân ở nhiều nơi ở miền Bắc có được.

Đối với cây dứa, bên cạnh đầu tư hạ tầng, giao thông, tiêu thoát nước bài bản, hàng loạt các giải pháp kỹ thuật mới cho canh tác dứa đã được đưa vào SX như: Bó ngọn để điều chỉnh ra hoa, rải vụ và giúp quả to đều hơn; kỹ thuật trồng dứa lên luống 4 hàng, kết hợp phủ ni-lon và bón phân 1 lần cho cả vụ nên nông dân gần như không phải mất công làm cỏ, bón phân quanh năm như trước đây... Một số bệnh như thối nõn nay đã được kiểm soát hoàn toàn. Nếu như trước đây, năng suất dứa chỉ bình quân từ 30-40 tấn/ha/vụ thì nay đã lên mức từ 50-60 tấn/ha/vụ, có vụ 70 tấn/ha.

DOVECO cũng đã và đang có kế hoạch nâng diện tích giống dứa MD2 lên 1.000ha vào năm 2018. Đây là giống dứa lai có chọn lọc giữa dứa Queen và dứa Cayenne, mang hầu hết các ưu điểm nổi trội của cả hai giống bố mẹ đó là ngọt, giòn và thơm, trái to và hốc mắt cạn, hàm lượng bromeline thấp (như dứa Cayenne) nên là một trong những giống ăn tươi được ưa chuộng nhất trên thế giới hiện nay.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ve-vung-nong-thon-nguoi-nong-dan-rat-thiet-tha-o-lai-voi-dong-dat-post231371.html