Về xóm Cây Gõ

Trí nhớ của Dương cứ đọng lại mãi hoài trong những chuyện vụn vặt hồi nhỏ, chuyện bầy ong vò vẽ, chuyện ăn bánh canh nóng chan nước tương hay chuyện tung tăng bắt chuồn chuồn trong rẫy cải ở khu Cây Gõ, còn rõ nét hơn bao chuyện dâu bể đời người cả nửa thế kỷ…

Vòng xoay Cây Gõ, Sài Gòn 1968. Ảnh: Laurie John Bowser

Quá trưa một chút, người dân khu Cây Gõ lại nghe tiếng anh ta rao ngân dài, giọng buồn buồn. Lắng tai nghe thì đó là một tiếng rao không giống ai: “Ai ăn chè đậu đen nước dừa bột khoai bún tàu... bước qua hàng rào kẽm gai cào rách quần... đêêê!”.

Đó là tiếng rao đáng nhớ ở nửa thế kỷ trước, trải dài trên bến Trương Tấn Bửu và trong các con hẻm gần đó. Dân ở đây không lạ gì anh chàng thường say xỉn thích chọc phá bằng tiếng rao này nên không để ý đến nữa nhưng những người mới đến, lúc đầu nghe tiếng anh ta văng vẳng từ xa đã dáo dác nhìn quanh, định gọi con cháu đi mua ăn lỡ bữa chiều. Để rồi phải cười xòa khi được nghe giải thích.

Những buổi tối lái xe chở ông chủ người Đài Loan đi giao dịch làm ăn trong Chợ Lớn, Dương cho xe đậu sát lề đường và nhìn vào con hẻm nhỏ dẫn vào xóm cũ của mình. Trong đầu anh như văng vẳng có tiếng rao tức cười đó, rồi con hẻm tối trước mặt sáng bừng lên như trong một đoạn phim, có hình ảnh thằng bé Dương gầy còm bận áo sơ mi tay cụt bỏ vào quần soọc xanh, đi như nhảy, tay ôm cái cặp táp xệ quá lưng quần.

Quái lạ, đó lại là quãng đời anh nhớ nhiều nhất, trong khi những năm sau đó, nhất là đoạn đời sau năm 1975 cực khổ lại như bóng câu vèo qua cửa sổ không đọng lại nhiều. Phải chăng trí nhớ thích ghi nhận những khoảnh khắc hạnh phúc dù nhỏ nhoi nên nhờ vậy, người ta có niềm an ủi để sống những lúc khó khăn sau đó?

Hạnh phúc thời tuổi nhỏ có gì lớn lao đâu. Đó là những buổi chiều tan học, Dương cùng mấy đứa bạn trong xóm không về nhà ngay mà chui vào lò làm bánh canh gần nhà. Ở đó, chủ lò để sẵn thùng thính gạo rang mà họ lấy từ lò, mang về chia nhỏ để bỏ mối cho các tiệm, chợ khu Cây Gõ. Dương cùng mấy đứa bạn ngồi xuống ghế đẩu, lấy muỗng múc thính vào từng bao ny lông cho đủ trăm gram rồi lấy dây buộc lại. Mất cả giờ mới xong việc. Vừa buông cái muỗng, chị chủ nhà đã chuẩn bị sẵn mấy cái tô đựng bánh canh vừa ra lò còn nóng thơm mùi bột gạo chín để thưởng công. Chị xịt vào tô mỗi đứa một ít nước tương. Chỉ vậy thôi mà Dương cùng đám bạn hít hà ăn tô bánh canh đơn sơ đó, hít hà vì quá ngon.

Ăn xong, còn nán lại xem mấy ông thợ làm bánh canh. Người thợ xúc bột nấu chín đang còn nóng, lỏng cho vào một cái ống kim loại. Bột chảy xuống đáy ống có đục nhiều lỗ để từ đó chảy ra nhiều sợi bánh. Sợi bánh dài ngoằng rớt vào một cái vịm nước lạnh rất to phía dưới, se mình lại và sau đó được vớt ra khi còn ấm.

Ảnh: Jack Garofalo

Ảnh: Jack Garofalo

Dương nhớ sau khi làm xong phần bánh canh ngày đó, nó và đám bạn thế nào cũng được chủ nhà cho chui vô cái vịm để… tắm. Nước trong vịm lúc đó còn ấm, thơm mùi cơm sôi. Chủ nhà bảo: “Vô đây tắm là đẹp da lắm đó!”. Còn mấy ông thợ làm bánh thì hỉ hả vì có lũ nhỏ tắm trong vịm, mấy ông đỡ mất công chà thành vịm bị bột bám. Sau khi chúng quậy xong là bột bánh long ra hết, chỉ việc đổ nước ra là sạch, mai làm tiếp mẻ bánh canh mới (!).

Đó là những ngày hè đi nhặt dây thun và xác bong bóng ở chợ Cây Gõ mang về để ngâm dầu hôi. Qua một đêm, dây thun và bong bóng ngâm dầu biến thành một chất keo sền sệt. Đám con nít trong xóm mang một que tre và hộp keo tự chế đó ra khu rẫy cải, nay là đường Nguyễn Đình Chi. Ở đó có nhiều chuồn chuồn. Khi sắp mưa, chúng bay thấp và hễ thấy cọng que là đậu vào và bị dính cứng. Đám con nít gỡ ra, cho vào túi ny lông cột sẵn vào cái nút áo trước ngực. Đến khi mang về xóm chơi, mười con chết bớt năm vì ngộp hơi. Có khi cả đám xuống chỗ mấy anh trong xóm tắm trong cái vũng đào lấy nước tưới cải.

Có lần Dương định xuống tắm thì ông Tư Lượm trong xóm không cho, sợ nước sâu nguy hiểm. Thấy chú ruột của Dương lúc đó mới mười bảy tuổi đang lội dưới đó, ông Tư bảo: “Chú mày biểu mày mang giùm bộ quần áo của nó về trước kìa!”. Dương nhanh nhảu ôm về nhà và một lát sau, cả xóm rộ lên cười vì thấy chú đi về, tay ôm lá chuối che người vì chú tắm không bận quần, vừa đi vừa chửi thằng cháu nhanh nhẩu bị xí gạt. Cho đến nhiều năm sau này, trong đám giỗ quảy thế nào cũng nghe ông chú kể lại chuyện cũ và mắng thằng cháu thiệt thà.

Đó là lần phá tổ ong ở trên mái nhà ông Tư, phía sau nhà ông nội của Dương. Lúc đó, chú Ba Thạnh của Dương đang ăn bưởi, mắt nhìn lên tổ ong vò vẽ mà cả xóm đều sợ, trên mái nhà ông Tư. Chú bảo: “Mày thấy cái tổ ong trên kia không? Mày nghĩ tao chọi lên đó có trúng không?”. Dương vừa lắc đầu, chú chọi cả mớ vỏ bưởi lên. Bầy ong bay tán loạn trong tiếng kêu của chú Ba: “Chạy!”. Vào tới nhà ông nội, Dương la lên có ong vỡ tổ là ông nội lùa ngay mấy đứa cháu chui vào cái mùng đang giăng sẵn trong buồng. Cả xóm nháo nhác, mấy ông bà già cầm bùi nhùi ra đốt đuổi lũ ong bay đầy xóm. Ba của Dương lúc đó đi lính vừa từ trại về, vội vàng hạ ba lô xuống, đội vội cái nón có lưới thả xuống, quơ bùi nhùi mang đến tổ hun khói cho đám ong còn sót lại bay đi. Từ đó, tổ ong vò vẽ này bị triệt luôn. Sau này người già còn lại trong xóm vẫn còn thắc mắc đứa bạo phổi dám phá tổ ong dữ. Chú Ba Thạnh, nay còn ở trong xóm chỉ tủm tỉm cười.

Một lần gần đây, Dương gặp lại thằng Bảy, bạn cũ trong xóm và học cùng lớp. Sau khi thăm hỏi mấy câu, Bảy đột ngột hỏi: “Mày còn nhớ cái lò làm phấn viết bảng đối diện cửa sổ lớp ba tụi mình ở trường tiểu học Minh Phụng không?”. Dương nhớ cửa số lớp nhìn ra con hẻm nhỏ xíu có cái lò làm phấn cũng nhỏ xíu. Thỉnh thoảng trong giờ ra chơi, Dương và hai ba đứa đứng cạnh bệ cửa gọi với ra mấy chú thợ: “Chú, hôm nay có phấn cho con hôn!”. Thế nào cũng có một chú mang mấy viên phấn bể màu trắng, màu xanh ra cho lũ học trò.

Có mấy lần, một chú đến gần cửa sổ hỏi nhỏ: “Có lấy phấn không, cho tụi bây mấy viên còn nguyên!”. Cả đám sướng mê. Có lần khi tan học, chú thợ ấy kể là chú có đứa con dưới quê bằng tuổi đám học trò này, cũng học lớp ba trường làng nhưng tướng đẹt ngắt. Bảy kể Dương là chú thợ đó bị bắt đi lính dưới quê nên đành bỏ vợ con trốn lên đây làm công trong lò bánh canh. Sau trận Mậu Thân 1968, chú ấy cũng phải vô lính và chết ngoài chiến trường. Lúc đó Dương đã theo ba má về Gia Định sống. Bảy rít một hơi thuốc, nói qua làn khói che khuôn mặt khắc khổ đen xạm: “Thằng con của chú đó nghe nói cũng bằng tuổi tụi mình. Không biết giờ nó sống hay chết hả mậy!”.

Dương nhìn thằng bạn nối khố thuở xưa. Gặp nhau sau bao năm, hình như câu hỏi về một thằng bé không hề biết mặt là điều ám ảnh nó nhất bao năm nay, hơn là hỏi nhau chuyện làm ăn, chuyện gia đình thằng bạn cũ. Điều đó lạ, nhưng cũng không lạ. Nó có khác gì trí nhớ của Dương cứ đọng lại mãi hoài trong những chuyện vụn vặt hồi nhỏ, chuyện bầy ong vò vẽ, chuyện ăn bánh canh nóng chan nước tương hay chuyện tung tăng bắt chuồn chuồn trong rẫy cải ở khu Cây Gõ, còn rõ nét hơn bao chuyện dâu bể đời người cả nửa thế kỷ từ khi rời vùng cái xóm nhỏ và ngôi trường tiểu học Minh Phụng, để rồi có lúc “bàn chân đi lòng vẫn mong về” như lời một bài hát Dương thường nghe trong dĩa CD lúc lái xe cho ông chủ.

Phạm Công Luận

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ve-xom-cay-go-30554.html