Về xứ Tuyên 'mục sở thị' lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt

Trong chu trình đời người, lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt là một trong những nghi lễ quan trọng đối với mỗi người đàn ông, nó xác định sự trưởng thành của họ trước cộng đồng và tổ tiên.

Tổ chức lễ cấp sắc vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận cũng chính là niềm vinh dự của mỗi người đàn ông dân tộc Dao, cũng như của gia đình, dòng tộc và cộng đồng. Theo quan niệm của người Dao, người con trai không được cấp sắc thì dù chết già cũng không được về với tổ tiên; khi còn sống không được cúng bái cha mẹ, không được công nhận là con cháu Bàn Vương.

Xứ Tuyên - nơi có gần 100.000 người Dao sinh sống, nằm trong nhóm ngôn ngữ Mông - Dao; hiện là dân tộc đông thứ 3 của tỉnh Tuyên Quang sau dân tộc Kinh và Tày; đây cũng vùng đất duy nhất của cả nước quy tụ đủ 9 ngành Dao (Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài).

Là xã miền núi của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đời sống vật chất của người dân xã Hợp Hòa còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, đời sống tinh thần của họ rất phong phú, đặc biệt là người Dao Quần Chẹt. Trong chuyến công tác về Tuyên Quang lần này, chúng tôi may mắn được tìm hiểu về đời sống văn hóa tinh thần của người Dao Quần Chẹt qua nghi Lễ cấp sắc.

Sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật

Trong lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt bao gồm các loại hình nghệ thuật như: Diễn xướng dân gian như nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nghệ thuật trình diễn qua các bài múa nghi lễ, bài hát trang trí bàn thờ, trang trí trên trang phục của các thầy cúng, âm nhạc dân gian. Đây được coi là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc và mang đậm nét văn hóa của người Dao Quần Chẹt.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt diễn ra theo từng dòng họ, lần lượt theo từng thế hệ, theo thứ bậc của gia đình. Với sự mong mỏi từ lâu, hôm nay anh Dương Duy Linh (sinh năm 1989, thôn Đồng Phai) của dòng họ Dương - đã được làm chủ nhân của Lễ cấp sắc 7 đèn.

 Đệ tử Duy Linh được các thầy mặc cho trang phục đại lễ với ý nghĩa cho các thần linh ngự vào thân xác để che chở.

Đệ tử Duy Linh được các thầy mặc cho trang phục đại lễ với ý nghĩa cho các thần linh ngự vào thân xác để che chở.

Anh Linh bày tỏ: “Tôi rất vui vì được các thầy giúp làm Lễ cấp sắc. Tôi rất cảm ơn các thầy và hứa sẽ trở thành người có đức, chịu khó học tập theo những gì các thầy chỉ dạy và truyền lại”.

Ông Dương Thế Khanh (bố của Dương Duy Linh) cho hay: “Muốn thực hiện nghi lễ cấp sắc, tôi phải mời 7 ông thầy (3 thầy cúng chính và 4 thầy giúp việc). Thời gian của lễ cấp sắc được kéo dài trong 3 ngày 2 đêm cùng nhiều lễ cúng khác nhau. Các công việc này đều được thầy cúng đảm nhiệm và chuẩn bị”.

“Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt có những quy định rất rõ ràng, lễ cúng nào được thực hiện ban ngày, lễ cúng nào thực hiện ban đêm. Ý nghĩa của từng lễ cúng là khác nhau nhưng về nội dung và hình thức thực hiện nghi lễ đều giống nhau”, ông Khanh cho biết thêm.

16 nghi lễ trong lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt

Là một hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và những giá trị văn hóa dân gian lâu đời của cộng đồng người Dao. Do đó, trong lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt có tất cả 16 lễ: Lễ mời tổ tiên “Tổng thần hương hỏa”; lễ đón thầy vào nhà thực hiện các nghi lễ chính; lễ khai đàn “treo tranh”; lễ nhập đồng; lễ đặt tên; lễ dâng đèn “quá tăng”; lễ giao quân; lễ cấp quân lương; lễ nhập cung tử vi; lễ trình; lễ lên đồng hương hỏa; lễ thượng quang; lễ gọi hồn lúa; lễ đánh đồng thiếp; lễ trả ơn thần thánh; lễ khao quân.

Bắt đầu lễ cấp sắc, thầy cả Bùi Quốc Tuấn thực hiện lễ mời tổ tiên “Tổng thần hương hỏa” tại ban thờ chính của gia đình anh Linh. Thay mặt cho toàn bộ gia chủ và chủ nhân của lễ cấp sắc trịnh trọng khấn mời thần linh, tổ tiên, gửi tiền để các vị sử dụng trên đường về dự lễ. Trước khi làm lễ, các thầy sẽ tiến hành thủ tục yểm bùa, tẩy uế để lễ cấp sắc được diễn ra như ý.

Sau đó, thầy cúng sẽ làmlễ đón thầy vào nhà thực hiện các nghi lễ chính. Họ Dương ở thôn Đồng Phai hôm nay còn mới đến các dòng họ khác để chung vui, chứng kiến cho gia đình tổ chức lễ cấp sắc.

Lễ khai đàn “treo tranh” dưới sự hướng dẫn của thầy cả Tuấn, lần lượt các bộ tranh thờ được treo lên theo đúng trình tự. Chỉ tay vào từng bức tranh, thầy cả Tuấn cho hay: “3 bức tranh Tam Thanh sẽ treo ở vị trí trung tâm, hai bên tả - hữu đàn cấp sắc là các vị Lý Nguyên soái, Đặng Nguyên soái, Triệu Nguyên soái, Thiên binh, Địa binh, Công Tào”.

3 bức tranh Tam Thanh sẽ treo ở vị trí trung tâm, hai bên tả - hữu đàn cấp sắc là các vị Lý Nguyên soái, Đặng Nguyên soái, Triệu Nguyên soái, Thiên binh, Địa binh, Công Tào.

Các bức tranh được treo trang nghiêm, các thầy sẽ làm lễ nhập đồng, báo cáo thần linh công việc hoàn tất, thỉnh mời tổ tiên gia chủ. “Hai mảnh gỗ âm - dương đều ngửa, tức tổ tiên đã chứng giám và về dự lễ đông đủ; một mảnh úp xuống cho thấy gia chủ còn điều thiếu sót, nhờ thầy nhắc nhở lại con cháu”, thầy Tuấn nói.

Trải qua nhiều nghi lễ, đệ tử Duy Linh được các thầy mặc cho trang phục đại lễ với ý nghĩa cho các thần linh ngự vào thân xác để che chở, phần giúp cho đệ tử được thông linh với các thần. Khi đã được mặc trên mình lễ phục, đệ tử thực hiện lễ đặt tên âmvà theo chỉ dẫn của thầy nhảy múa, rung chuông trong tiếng hòa tấu của kèn, trống.

Trước khi bước vào nghi lễ dâng đèn “quá tăng” - nghi lễ quan trọng nhất của lễ cấp sắc. Các thầy làm lễ khai đàn mời đủ 4 giáp ma trong - 4 giáp ma ngoài thông qua bài cúng “dẫn quang trọng tử”. Thầy Triệu Văn Hạnh chia sẻ: “Ma trong có ông bà, tổ tiên, Bàn Vương, các nguyên soái của người Dao và Tam Thanh. Thổ công - Thổ địa - Thần suối - Thần long mạch là 4 giáp ma ngoài”.

Lễ “quá tăng” được bắt đầu khi các thầy thắp những ngọn nến, đặt vào cây đèn của đệ tử.

Dâng đèn “quá tăng” chính là nghi lễ đặt tên chính thức cho người được cấp sắc. Các thầy làm lễ tẩy uế, giải hạn trước khi cấp đèn bằng cách rung chuông, đi vòng quanh đệ tử; miệng đọc lời cúng theo nhịp nhảy múa, làm sạch thân thể khai quang đầu óc, giúp đệ tử phân biệt điều hay, lẽ phải.

Lễ “quá tăng” được bắt đầu khi các thầy thắp những ngọn nến, đặt vào cây đèn của đệ tử. Đối với người cấp sắc 7 đèn sẽ đặt tương ứng 7 ngọn nến, tượng trưng cho Thái Dương Tinh, Thái Âm Tinh và Ngũ Hành. Tiếng chiêng, tiếng trống được tấu vang cũng là lúc các thầy rung chuông nhảy múa quanh người thụ lễ; miệng đọc kinh độ sư giúp đệ tử dẫn độ gia nhập sư môn đạo giáo.

Đối với người cấp sắc 7 đèn sẽ đặt tương ứng 7 ngọn nến, tượng trưng cho Thái Dương Tinh, Thái Tinh và Ngũ Hành.

Khi đã răn dạy và làm lễ cấp đèn, thề nguyện cho đệ tử, các thầy làmlễ giao quân. Người được cấp sắc 3 đèn thì được cấp sắc 36 âm binh - thần tướng, còn người được cấp 7 đèn tương ứng với 72 âm binh - thần tướng. Thầy cả sẽ cấp cho đệ tử gạo, tiền để nuôi quân; người thụ lễ gói số lương thực đó cẩn thận, cất lên bàn thờ cúng của gia đình - đây được gọi là lễ cấp quân lương. Đệ tử Duy Linh hôm nay được đặt pháp danh, ghi tên vào bàn sắc, lúc nhắm mắt pháp danh ấy sẽ được ghi trong danh sách pháp danh của tổ tiên cho con cháu thờ cúng.

4 thầy phụ nhanh nhẹn trải mảnh vải trắng ra nền nhà, đặt 7 đồng tiền lên tượng trưng cho Thất tinh để thực hiện lễ nhập cung tử vi. Đôi chân của Duy Linh đặt chân vào nơi đặt 7 đồng tiền theo bộ pháp 4 tiến - 3 lùi. Đồng bào người Dao quan niệm, khi đệ tử đặt chân lên 7 đồng tiền cũng là lúc đệ tử đã đến tử vi cung.

4 thầy phụ nhanh nhẹn trải mảnh vải trắng ra nền nhà, đặt 7 đồng tiền lên tượng trưng cho Thất tinh để thực hiện lễ nhập cung tử vi.

Trước tranh thờ Tam Thanh, các thầy đeo mặt nạ Tam Thanh nhảy múa để tiến hành lễ trình với ý nghĩa mong đệ tử thông linh với thần trong khi thực hiện các nghi thức cúng tế.

Ngoài ra còn có các nghi lễ lên đồng hương hỏa gồm nhiều nghi thức, chủ yếu là các bài múa, hát. Trong quá trình hành lễ, bức tranh giấy lớn nhỏ được sử dụng theo từng nội dung của lễ cúng. Cùng với các nghi lễ trên còn có điệu múa Rùa, đây là điệu múa đặc trưng vui nhộn nhất. Điệu múa diễn tả quá trình săn bắt rùa của người Dao. Thông qua điệu múa, người Dao cầu mong Bàn Vương phù hộ cho gia đình, bản làng được sống yên vui, nhà nhà khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, bội thu, lợn gà đầy chuồng.

Lễ thượng quanglà nghi lễ đón Ngọc Hoàng xuống trần gian chứng kiến buổi lễ, phù hộ cho gia chủ mọi điều tốt lành. Thầy cúng tấu trình sắc phong của Duy Linh lên Ngọc Hoàng, kết thúc lễ thượng quang những lá sớ được đốt với niềm tin những lời thỉnh cầu đã được Ngọc Hoàng và thiên đình chấp thuận.

Khác với các ngành Dao khác, Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt chỉ làm Lễ cấp sắc cho một người và được tổ chức ở phạm vi gia đình nhưng có sự lan tỏa trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng.

Thầy cả làm lễ giao ấn và sắc cho đệ tử, người cấp sắc có thể làm thầy nhưng vẫn phải học để hiểu biết nhiều hơn và trở thành thầy cúng giỏi. Cùng với lễ thượng quang, các thầy tiến hànhlễ gọi hồn lúa, cầu cho cây lúa đơm bông chắc hạt, mùa màng bội thu. Những hồn lúa bơ vơ được làm phép nhập về hồn lúa mẹ, sau đó được thầy trao hạt giống cho chủ nhà coi như hồn lúa đã về với gia chủ.

Lễ đánh đồng thiếpđược các thầy trợ giúp cho đệ tử giải thoát khỏi thi thể để linh hồn đi lên thiên đường, gặp Ngọc Hoàng và trở thành con người bất tử. Người cấp sắc được đặt nằm trên chiếu trước đàn cúng, mặt phủ kim loan sớ ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ, tiểu sử để trình tấu lên Ngọc Hoàng. Điều này mang ý nghĩa giữ lại hơi thở cho đệ tử rồi sẽ lại tái sinh.

Các thầy đứng bên đệ tử, truyền phép lực và những phép biến hóa cho đệ tử. Sau khi đã truyền phép biến hóa, các thầy giải đồng khai quan mở huyệt đạo. Từ nay trở về sau, người cấp sắc được thánh thần công nhận, được cấp âm binh - thiên tướng. Lúc sống làm ăn gặp may mắn, khi chết được về với tổ tiên, được lên gặp Ngọc Hoàng.

Thầy cúng sẽ làm lễ trả ơn thần thánh, mời các vị thần linh uống rượu tiễn đưa về trời rồi hóa tiền vàng, phù hộ cho gia chủ cùng những thành viên thực hiện lễ cấp sắc gặp điều may mắn.

Tiếng chiêng, tiếng trống được tấu vang cũng là lúc các thầy rung chuông nhảy múa quanh người thụ lễ; miệng đọc kinh độ sư giúp đệ tử dẫn độ gia nhập sư môn đạo giáo.

Các nghi lễ được hoàn thành cũng là lúc đệ tử làm lễ khao quân,đệ tử mở tiệc khao quân để cho âm binh được ăn uống no đủ và phục vụ trung thành. Với các nghi thức mời các vị thần linh ở ba miếu, mời Tam Thanh uống rượu, sau đó biểu diễn các bài múa vui nhộn cho các vị thần linh, cầu các vị thần linh ủng hộ.

Ông Triệu Văn Chung, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hợp Hòa cho biết: “Hợp Hòa là xã miền núi nằm ở phía nam của huyện Sơn Dương cách trung tâm huyện 13km. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 3.868,27 ha, toàn xã có 11 thôn có 1.956 hộ với 8.320 khẩu; gồm 7 dân tộc cùng chung sống (Kinh, Tày, Dao, Nùng, Hoa, Sán Dìu, Sán chay). Lễ cấp sắc có ý nghĩa rất lớn trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Dao Quần Chẹt. Qua nghi lễ cấp sắc đã giúp cho mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, hướng con người đến những điều chân - thiện - mỹ. Đây cũng chính là mạch nguồn trao truyền những giá trị văn hóa của dân tộc Dao Quần Chẹt cho lớp trẻ hôm nay”.

Với giá trị tiêu biểu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ Cấp sắc của người Dao Quần Chẹt vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 255/QĐ-BVHTTDL ngày 22-1-2020.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ve-xu-tuyen-muc-so-thi-le-cap-sac-cua-nguoi-dao-quan-chet-721263