VEAM cắp theo 'gà đẻ trứng vàng' lên sàn

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM vào ngày 2/7 với mã chứng khoán là VEA. Giá tham chiếu phiên chào sàn là 27.600 đồng.

Lợi nhuận công ty mẹ âm

VEAM là công ty đứng đầu về sản xuất động cơ, máy nông nghiệp và xe tải nhỏ với thị phần khoảng 15%-25%. Sản phẩm chính là động cơ chạy xăng, động cơ diesel, máy gặt và máy kéo.

Trong năm 2017, công ty đã tiêu thụ được 3.621 xe tải thương hiệu VEAM với thị phần 1,4%. Tuy nhiên, doanh thu chính của VEAM đến từ 3 công ty liên doanh/liên kết chuyên về sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy là: Toyota Vietnam (VEAM nắm 20% cổ phần) và Honda Vietnam (VEAM nắm 30% cổ phần). Công ty còn gián tiếp nắm 25% cổ phần tại Ford Viet Nam thông qua công ty con là Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (Disoco).

Theo VAMA, trong năm 2017, ba công ty trên nắm 40% thị phần ô tô và trên 70% thị phần xe máy tại Việt Nam.

VEAM có 10 công ty liên doanh và công ty con chuyên về phụ tùng, trong đó có 4 công ty chuyên về sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio.

Hệ sinh thái các công ty con, công ty liên kết của VEAM

Tháng 8/2016, VEAM huy động tổng cộng 2.137 tỷ đồng sau khi IPO 149,5 triệu cổ phiếu, tương đương 11,25% cổ phần với giá đấu thành công bình quân là 14.291 đồng/cp. Sau khi IPO, vốn điều lệ của công ty là 13.288 tỷ đồng.

Hiện nhà nước (Bộ Công thương) vẫn nắm 88,47% cổ phần tại VEAM. Cổ đông nhà nước dự kiến bán 52,75% cổ phần, tương đương 700,9 triệu cổ phiếu, để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36% trong năm 2018.

VEAM gần đây đã công bố KQKD kiểm toán năm 2017 cho giai đoạn từ 24/1 đến 31/12/2017. Theo đó, doanh thu thuần đạt 6.563 tỷ đồng, tăng trưởng 4,1%. Trong khi LNST đạt 5.046 tỷ đồng , tăng trưởng 12%.

Lợi nhuận sau thuế của hoạt động sản xuất chính từ công ty mẹ là âm 123,8 tỷ đồng, trong khi năm 2016 là âm 71,4 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, lợi nhuận chính đóng góp vào báo cáo hợp nhất là từ các liên doanh gồm Honda, Toyota và Ford. Trong năm 2017, lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết là 5.170 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 12%.

Những con gà đẻ trứng vàng cho VEAM

Honda Vietnam (HVN) hiện tại đóng góp chính vào lợi nhuận của VEAM. Với 30% cổ phần tại Honda Vietnam (HVN), doanh nghiệp đầu ngành sản xuất xe máy với thị phần trên 71,5% trong năm 2017. Thị phần ô tô của HVN vẫn khá nhỏ, trong năm 2017 chỉ đạt 4,8% (năm 2016 là 4,2%). Lợi nhuận từ sản xuất xe máy chiếm khoảng hơn 90% lợi nhuận, còn lại từ sản xuất ô tô.

Trong năm 2017, HVN cũng bán được 12.134 chiếc ô tô (tăng 5,5%), trong đó xe lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu (CKD) là 10.463 chiếc, tăng 5,4%; và 1.698 xe là xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), tăng 262%. Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng xe ô tô là khoảng 10%-20% phụ thuộc vào xe CKD hay CBU.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán HSC, năm 2018 HVN sẽ đạt doanh thu thuần 93,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%, và LNST đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,8%. Theo đó, lợi nhuận thuộc về VEAM là 4.656 tỷ đồng, tăng trưởng 10,8%.

Thị phần của các công ty liên doanh do VEAM góp vốn.

Nguồn doanh thu lớn thứ hai của VEAM đến từ liên doanh Toyota Việt Nam (TMV), doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn thứ hai ở Việt Nam với 24,1% thị phần, chỉ sau THACO với 35,8% thị phần.

Trong năm 2017, TMV đã bán được 60.303 xe, tăng 2,7% so với năm 2016. Trong đó, số lượng xe CKD giảm mạnh 16,7% xuống 41.960 chiếc, trong khi xe CBU tăng mạnh 120,4% lên 18.343 chiếc. Những thay đổi này là do theo quy định thuế nhập khẩu xe CBU giảm về 0% và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Năm 2017, ước tính TMV đạt doanh thu thuần 29,3 nghìn tỷ đồng, giảm 17,8% so với năm 2016, do giá bán bình quân xe khách giảm mạnh. Trong khi đó LNST là 3.120 tỷ đồng, giảm 44,8%.

Năm 2018, HSC dự báo TMV đạt doanh thu thuần 31,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8%, và LNST tăng 12% đạt 3.794 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuộc về VEAM là 759 tỷ đồng, tăng trưởng 19,7%.

Ngoài 2 liên doanh sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy nói trên, VEAM đang gián tiếp sở hữu cổ phần tại Ford Việt Nam, nhưng liên doanh này chỉ đóng góp một phần nhỏ cho lợi nhuận của VEAM.

Trong năm 2017, Ford Việt Nam (FVL) bán được 28.588 xe, giảm 1,5% so với năm 2016. Trong đó xe CKD và CBU lần lượt đạt 11.457 chiếc, giảm 19,7% và 17.131 chiếc, tăng trưởng 16,2%.

Năm 2018, HSC ước tính LNST của FVL sẽ đạt 650 tỷ đồng, tăng trưởng 30%. Theo đó, lợi nhuận thuộc về VEAM sẽ đạt khoảng 163 tỷ đồng, tăng trưởng 38,7%.

Theo kế hoạch, VEAM sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 29/6. Công ty công bố tài liệu cho đại hội với một số thông tin nổi bật như sau: Kế hoạch doanh thu thuần công ty mẹ năm 2018 là 3.539 tỷ đồng (tăng trưởng 39,2%) và LNST đạt 4.908 tỷ đồng (tăng 9,4 lần so với năm 2017 là 522 tỷ đồng); Cổ tức tiền mặt cho năm 2017 là 3,7% mệnh giá, tương đương 370 đồng/cp. Công ty đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt cho năm 2018 là 28%. Tương đương tỷ lệ cổ tức/giá là 10,1%.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/veam-cap-theo-ga-de-trung-vang-len-san-post266648.info