VEAM lãi ròng hơn 3.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng của Công ty Cổ phần Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA), lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm của VEAM đạt 3.308,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các công ty liên doanh liên kết và doanh thu tài chính.

Lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm của VEAM đạt 3.308,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các công ty liên doanh liên kết và doanh thu tài chính

Theo đó, doanh thu thuần nửa đầu năm 2018 của VEAM đạt 3.363 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 22%. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng đã tăng 27% từ mức 2.441 tỷ đồng lên 3.108 tỷ đồng nên lãi gộp chỉ đạt 255 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ 2017.

Doanh thu tài chính của VEAM đóng góp 404 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh. Nguyên nhân là khoản cổ tức lợi nhuận được chia tăng đột biến từ 27 tỷ đồng lên 297 tỷ đồng; lãi tiền gửi, lãi hỗ trợ vốn tăng từ 44 tỷ đồng lên 106 tỷ đồng. Ngoài ra, VEAM đã cắt giảm chi phí lãi vay từ 35 tỷ đồng xuống 9,5 tỷ đồng dẫn tới chi phí tài chính chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, giảm 51%.

Các công ty liên doanh liên kết đóng góp 2.964 tỷ đồng vào lợi nhuận 6 tháng đầu năm của VEAM, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ 2017. Hoạt động khác ghi nhận gần 4 tỷ đồng tiền lãi.

Như vậy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của VEAM đạt 3.308,6 tỷ đồng. Tính riêng cổ đông công ty mẹ nhận được 3.286 tỷ, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ. EPS đạt trên 2.473 đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng tài sản công ty đạt 25.249 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư nắm giữ ngắn hạn là 7.396 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản. Đầu tư vào các liên doanh, liên kết là 9.961 tỷ đồng, chủ yếu trong Honda (4.121 tỷ đồng), Toyota (819 tỷ đồng), Ford (375 tỷ đồng).

Nợ phải trả của VEAM là 3.709 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hơn 21.540 tỷ đồng, phần lớn là vốn góp là 13.288 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 7.979 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang nắm giữ gần 88,5% vốn tại VEAM. Đây cũng là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương có lợi nhuận lớn thứ 3, chỉ sau hai doanh nghiệp ngành bia là Sabeco và Habeco.

Hôm 10/8 vừa qua, HĐQT VEAM đã ban hành nghị quyết về việc tạm dừng nhiệm vụ điều hành với chức danh Tổng giám đốc Tổng công ty VEAM của ông Trần Ngọc Hà – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc.

HĐQT giao ông Trần Ngọc Hà phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của VEAM tập trung vào công tác thu hồi công nợ và công tác bán hàng đối với lô hàng sản xuất từ lô 3.000 bộ linh kiện và phụ tùng xe Hyundai Mighty mua từ Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại TCG.

Cùng với việc tạm dừng nhiệm vụ điều hành của ông Hà, HĐQT VEAM giao ông Ngô Văn Tuyển – thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc, đảm nhiệm công việc của Tổng giám đốc VEAM theo quy định của pháp luật, điều lệ VEAM.

Ông Tuyển cũng đồng thời là người đại diện theo pháp luật của VEAM trong thời gian đảm nhận công việc của Tổng giám đốc.

Ông Ngô Văn Tuyển (58 tuổi) công tác tại VEAM ở vị trí Phó tổng giám đốc từ năm 2010 tới nay. Ông là thành viên HĐQT kiêm người đại diện vốn góp (17%) VEAM, đồng thời cũng đang đảm nhiệm vị trí thành viên HĐTV của Công ty TNHH Honda Việt Nam.

Hoàng Lan

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/veam-lai-rong-hon-3000-ty-trong-6-thang-dau-nam-20180504224211369.htm