VEAM nói gì trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán?

Đơn vị kiểm toán chỉ ra, tại BCTC hợp nhất, ngày 31/12/2023, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với khoản phải thu đã quá hạn thanh toán 44 tỷ đồng.

Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM -UPCoM: VEA) vừa có văn bản giải trình ý kiến kiểm toán và biến động lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán. Theo đó, BCTC năm 2023 của VEAM được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY.

Đơn vị kiểm toán này chỉ ra, tại BCTC hợp nhất, ngày 31/12/2023, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với khoản phải thu đã quá hạn thanh toán 44 tỷ đồng, tại ngày 1/1/2023 là 166 tỷ đồng (bao gồm các khoản phải thu về gốc và lãi hỗ trợ vốn là 121 tỷ đồng).

VEAM cho biết, các khoản nợ phải thu trên phát sinh tại các công ty con Cơ khí Trần Hưng Đạo và Viện Công Nghệ. Các đơn vị đã thực hiện gửi đối chiếu nợ phải thu đến tất cả khách hàng, tuy nhiên một số khách hàng chưa phản hồi hoặc vẫn đang thực hiện thanh toán nên chưa đủ cơ sở để trích lập dự phòng. Các đơn vị đã thành lập Ban thu hồi công nợ và tích cực triển khai thu hồi nợ.

Đồng thời, tại ngày 31/12/2023, VEAM trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 739 triệu đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển là gần 107 tỷ đồng (giá trị đã trích lập tại ngày 1/1/2023 là 1 tỷ đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn động, chậm luân chuyển là 123,8 tỷ đồng).

Theo VEAM, đối với một số mặt hàng tồn kho ứ đọng nhiều năm trước (thời kỳ công ty TNHH) và chậm luân chuyển tại công ty mẹ và các công ty con, tại thời điểm lập báo cáo, các đơn vị chưa hoàn thành việc khảo sát trên thị trường các sản phẩm cùng loại để có cơ sở đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn đọng.

Cuối cùng, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị 456 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và chi nhánh Bắc Kạn của công ty con Vật tư và Thiết bị Toàn bộ (Matexim) là 453 tỷ đồng đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

VEAM giải trình, chi phí trả trước dài hạn tại Matexim chủ yếu là chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay và một số chi phí khác của nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước.

Hiện nay, nhà máy sắt xốp đang gặp khó khăn phải dừng sản xuất nên chưa đánh giá được các khoản mục chi phí liên quan. Matexim đang xem xét cơ cấu lại sản phẩm đầu ra. Kế hoạch tăng vốn tại Matexim được thực hiện từng bước theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho VEAM.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.806 tỷ đồng, giảm 19,8% so với năm trước. Công ty báo lãi sau thuế 6.265 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế giảm do lợi nhuận gộp về BH&CCDV giảm 31%, phàn lãi hoặc lỗ trong công ty liên doanh liên kết giảm 19% tương đương 1,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, thu nhập khác giảm 90%.

Dù lợi nhuận giảm so với năm trước, tuy nhiên năm 2023, VEAM đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 5.694 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm cuối năm, công ty đã hoàn thành vượt 10% mục tiêu lợi nhuận

.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/veam-noi-gi-truoc-y-kien-ngoai-tru-cua-kiem-toan-a657339.html