VECE bị phạt vì không xả trạm khi ùn tắc: Lời cảnh báo cho các chủ đầu tư BOT

Các trạm BOT buộc phải xả trạm nếu như xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài do lượng phương tiện đổ dồn về quá đông. Đây là quy định được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra, áp dụng từ lâu và các chủ đầu tư BOT phải tuân thủ.

Bất chấp ùn tắc, trạm thu phí Long Phước kiên quyết không xả. (Ảnh: Chí Thạch).

Bất chấp ùn tắc, trạm thu phí Long Phước kiên quyết không xả. (Ảnh: Chí Thạch).

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp chủ đầu tư cố tình không tuân theo quy định trên khiến cho tình trạng ùn tắc ở trạm BOT trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân trên đường.

Tắc mặc tắc, kiên quyết không xả trạm

Mới đây nhất, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an đã lập biên bản đối với Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) khi để ùn tắc trước trạm thu phí hơn 2km mà không xả trạm.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 6 - 8 giờ ngày 30/4, lưu lượng phương tiện trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tăng đột biến, dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài xảy ra tại khu vực trạm thu phí từ Km3 đến Km11+115 thuộc khu vực Trạm thu phí Long Phước.

Lúc này, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, thuộc Cục CSGT, Bộ Công an có mặt tại đây nhận thấy nếu để tình trạng ùn tắc kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự, ATGT trên tuyến đường cao tốc nên nhiều lần yêu cầu cán bộ quản lý Trạm thu phí Long Phước và lãnh đạo Công ty VECE cho xả trạm để giảm thiểu ùn tắc. Tuy nhiên, cả lãnh đạo VECE và trạm thu phí này đều cố tình phớt lờ, không chịu xả trạm.

Trước sự bất hợp tác của VECE, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 đã phải tiến hành lập biên bản tại Trạm thu phí Long Phước, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đối với hành vi vi phạm không thực hiện đúng quy trình quản lý vận hành theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 2.000m.

Tuy nhiên, kể cả khi bị lập biên bản, cán bộ có trách nhiệm tại trạm thu phí này vẫn không hợp tác, không ký biên bản và kiên quyết không xả trạm. Hành vi của VECE thể hiện rõ thái độ coi thường pháp luật và cơ quan chức năng chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự, ATGT trên tuyến cao tốc vào thời gian cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Theo quy định của điểm a, khoản 8 Điều 15 Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức quản lý vận hành trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng không ít lần bị người tham gia giao thông ''tố'' không chịu xả trạm dù xuất hiện ùn tắc kéo dài trên tuyến. (Ảnh: Lê Anh).

Ùn tắc hay ùn ứ?

Trước đó, trong Văn bản số 3368/BGTVT-ATGT về việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ban hành ngày 16/4, Bộ GTVT nêu rõ Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra, rà soát, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi ùn tắc khéo dài. Yêu cầu các trạm thu phí phải xả khi có ùn tắc kéo dài cũng đã được Bộ GTVT đưa ra trong nhiều đợt nghỉ lễ, Tết trước đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn không ít trường hợp chủ đầu tư và đơn vị quản lý trạm thu phí không chịu xả trạm dù ùn tắc đã xuất hiện. Vào kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, vào sáng Mùng 2 Tết (tức 17/2/2018), nhiều tài xế chạy từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định đi Hà Nội phản ánh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chịu xả trạm theo quy định.

Do chủ đầu tư không chịu xả trạm đã dẫn tới tình trạng ùn tắc kéo dài tại điểm đầu vào BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ càng thêm nghiêm trọng. Lượng xe ùn ứ kéo dài suốt 2 tiếng trước điểm đầu vào trạm, sau khi qua trạm, tình trạng ùn ứ kéo dài khoảng 5 km nữa mới được giải quyết. Một số tài xế tỏ ra bức xúc vì họ trả phí cao để đi cao tốc... tốc độ rùa.

Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội vào thời điểm đó cũng xác nhận lực lượng CSGT đã đề nghị đơn vị quản lý xả trạm theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, nhưng đơn vị này đã không thực hiện.

Mới đây nhất, trong thời gian từ chiều 29/4 đến sáng 30/4/2021, cũng trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, khi người dân bắt đầu đổ về quê nghỉ lễ, tình trạng ùn tắc cũng xảy ra và chủ đầu tư tuyến cao tốc này một lần nữa không chịu xả trạm.

Lãnh đạo Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sau đó lên tiếng giải thích không có chuyện ùn tắc trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mà chỉ là ùn ứ chủ yếu diễn ra ở trước và sau khu vực trạm BOT.

Thậm chí, lãnh đạo DN này còn khẳng định, nguyên nhân gây ra ùn ứ không phải do quá trình thu phí và không xuất hiện tại trạm thu phí (Km188) mà do lưu lượng trên toàn tuyến tăng nhanh, tốc độ giải phóng phương tiện trên một số đoạn tuyến bị chậm lại. Đây là lý do trạm thu phí này không xả.

Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lên tiếng đổ lỗi cho tình trạng ùn tắc trên tuyến là do lưu lượng phương tiện tăng nhanh chứ không phải do quá trình thu phí tại trạm. Vào dịp nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, chính lãnh đạo DN này khẳng định, “thủ phạm” gây ùn tắc là do nút giao Pháp Vân chứ không phải do trạm thu phí.

Nên chăng cần đưa ra quy định, chỉ cần phương tiện dồn thành hàng dài từ 1km trở lên là phải xả trạm? (Ảnh: Lê Thanh).

Cần có hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp hết luồn lách

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông cho rằng, quy định trạm thu phí phải xả khi ùn tắc kéo dài đã được áp dụng trong các đợt nghỉ lễ, Tết nhiều năm nay, nhưng quá trình thực hiện chưa nghiêm do nhiều chủ đầu tư BOT tìm mọi cách luồn lách để không xả trạm.

Theo chuyên gia giao thông này, theo thuật ngữ thì ùn tắc là tình trạng các phương tiện buộc phải dừng tại chỗ, không thể lưu thông được. Trong khi đó, ùn ứ là các phương tiện vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm. Đây chính là lý do mà các trạm thu phí vin vào để cho rằng họ không xả trạm là đúng dù hàng dài phương tiện có thể hàng cây số.

Nếu xét theo đúng khái niệm thì rất khó để xử phạt các trạm BOT nhưng trên thực tế cần phải hiểu rằng, khi phương tiện bị dồn lại, thành hàng dài lên đến vài cây số, thì dù trong hàng dài đó, các phương tiện vẫn có thể nhích chậm từ tí một nhưng vẫn cần phải xả trạm để tránh ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.

“Phương tiện cứ lần từng bước một thì đó là ùn tắc chứ không thể gọi đó là ùn ứ để biện minh cho việc không xả trạm được. Nếu phương tiện di chuyển rất chậm thì gọi là ùn tắc giao thông” - TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Chuyên gia giao thông này cũng cho rằng Bộ GTVT cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, có thể quy định cứ xuất hiện tình trạng phương tiện xếp hàng dài từ 1km trở lên trước trạm thu phí là phải xả trạm, không cần biết là ùn tắc hay ùn ứ để các DN BOT không tìm cách bấu víu vào khái niệm để làm cớ không xả trạm nữa.

“Nghị định 100/2019 quy định rõ việc này với nhiều mức xử phạt khác nhau. Trong trường hợp ùn tắc kéo dài mà nhà đầu tư không xả trạm, cơ quan chức theo đúng thẩm quyền được quy định trong Nghị định 100 tiến hành xử phạt”- Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Trần Hữu Minh.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vece-bi-phat-vi-khong-xa-tram-khi-un-tac-loi-canh-bao-cho-cac-chu-dau-tu-bot-417540.html