Vén bức màn nguyên nhân thực sự đằng sau lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Huawei

Kể từ khi Hoa Kỳ ban hành lệnh cấm buôn bán với Huawei, lý do được 'xứ cờ hoa' nhắc đến nhiều nhất là vì lo ngại những rủi ro an ninh Huawei có thể gây ra cho nước Mỹ. Thế nhưng, liệu đây có thực sự là nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ tìm đủ mọi cách 'vùi dập' Huawei hay không?

Ảnh: Verdict

Ảnh: Verdict

Huawei bắt đầu bị Mỹ ban hành lệnh cấm kể từ tháng 5 năm nay. Đến thời điểm hiện tại, lệnh trừng phạt vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều đến công ty viễn thông Trung Quốc vì còn hai quyết định miễn trừ tạm thời do phía Mỹ tuyên bố.

Tuy nhiên, nhà sáng lập đồng thời là CEO của Huawei, ông Nhậm Chính Phi đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/8 rằng ông không muốn Mỹ biến Huawei thành một con cờ trong bàn đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông Nhậm cũng nói rằng Huawei không cần một sự miễn trừ vĩnh viễn nào nếu điều đó khiến Trung Quốc phải nhượng bộ Mỹ trong chiến tranh thương mại. Ông Nhậm tự tin Huawei sẽ vẫn làm tốt mà không cần phải phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Vào tháng 5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei mà không có sự chấp thuận từ phía chính phủ Mỹ. Động thái này như châm thêm dầu vào lửa trong bối cảnh thương chiến Trung - Mỹ leo thang, đồng thời làm dấy lên nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ phân chia thế giới làm hai phe.

Thiệt hại đối với Huawei

Ảnh: FossBytes

Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông số một thế giới, nhưng công ty Trung Quốc này lại phụ thuộc vào các linh kiện do Mỹ sản xuất điển hình là chip máy tính. Khoảng 1/3 các nhà cung cấp của Huawei đều có nguồn gốc từ Mỹ. Theo lệnh cấm, nhiều nhà sản xuất Mỹ sẽ không còn được phép bán linh kiện và phần mềm cho Huawei nữa.

Điển hình, điện thoại thông minh của Huawei sẽ phải ngừng sử dụng phiên bản cập nhật Android của Google đồng thời không có quyền truy cập vào Google, Gmail hay YouTube, những ứng dụng vốn đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta hiện nay. Không có những dịch vụ đó, Huawei sẽ mất đi phần lớn lợi thế trong cuộc cạnh tranh gay gắt với Samsung của Hàn Quốc.

Gia hạn cho lệnh miễn trừ

Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ. Ảnh: NBC Washington

Trong tuần này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố sẽ gia hạn giấy phép cho Huawei tiếp tục mua thiết bị và công nghệ từ các nhà cung cấp Mỹ. Giấy phép tạm thời mới sẽ gia hạn thêm 90 ngày, tức khoảng 3 tháng sau khi giấy phép ban đầu hết hạn vào ngày 19/8, giúp công ty Trung Quốc duy trì các mạng viễn thông hiện có và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho các thiết bị di động của hãng.

Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cho biết mục đích chính của giấy phép miễn trừ tạm thời mới này là để cho các nhà mạng không dây nhỏ của Hoa Kỳ có thêm thời gian để thoát khỏi sự phụ thuộc vào các sản phẩm và dịch vụ của Huawei.

Nguyên nhân thực sự đằng sau lệnh trừng phạt?

Ảnh: The New Daily

Hoa Kỳ từ lâu đã cáo buộc Huawei làm gián điệp cho chính phủ Bắc Kinh mặc dù chưa đưa ra được bằng chứng xác thực. Mỹ còn gây áp lực kêu gọi các đồng minh châu Âu tẩy chay Huawei trong kế hoạch xây dựng mạng 5G ở các quốc gia này. Washington giải thích lý do cho động thái này là bởi những rủi ro an ninh mà Huawei có thể gây ra cho Hoa Kỳ, đồng thời trừng phạt công ty Trung Quốc vì đã vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Tuy nhiên, cuộc đua gay cấn tranh giành ngôi vị dẫn đầu thế giới về kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc mới thực sự là nguyên nhân sâu sa dẫn đến lệnh trừng phạt này.

Với mục tiêu trở thành nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, không phụ thuộc vào việc nhập khẩu các công nghệ then chốt từ các đối thủ cạnh tranh chính, Trung Quốc hiện đang đổ hàng tỷ USD vào chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025)" để tạo động lực phát triển các ngành công nghệ trọng yếu, trong đó có người máy, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, ô tô chạy điện, công nghệ Internet 5G.

Huawei hiện đang có khả năng tiến tới việc tự sản xuất tất cả các linh kiện ở trong nước. Đầu năm nay, công ty đã phát hành chip riêng cho điện thoại thông minh của mình. Gần đây, công ty cũng cho “trình làng” HarmonyOS - hệ điều hành mới do hãng tự nghiên cứu và phát triển, sẵn sàng thay thế HĐH Android của Google trong trường hợp bất khả kháng.

Huawei đang trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Công ty nghiên cứu IDC cho biết các lô hàng của Huawei đã tăng 8%, tương đương 58,7 triệu trong quý 2/2019, các lãnh đạo cấp cao của công ty tin rằng hãng có thể đã làm tốt hơn nữa nếu không bị Mỹ trừng phạt.

Trước tham vọng của Huawei nói riêng và của Trung Quốc nói chung, Mỹ có vẻ như đang cảm thấy bất an trước một thế lực mới có thể đe dọa đến vị thế của quốc gia này trong nền kinh tế và công nghệ toàn cầu.

Tác động không mong muốn

Ảnh: SCMP

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể gây ra những tác động không mong muốn tại Mỹ. Huawei là một trong những khách hàng tiềm năng đối với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt ở mảng chip, bộ vi xử lý và một số thiết bị khác. Việc bị Mỹ cấm làm ăn với Huawei có khiến cho các công ty công nghệ của nước này chịu thiệt hại lên đến hàng tỷ USD.

Theo thống kê, vào năm 2018, tập đoàn Huawei đã mua lượng linh kiện trị giá 70 tỉ USD từ 13.000 nhà cung cấp. Trong đó có tới khoảng 11 tỉ USD được chi trả cho các sản phẩm nhập khẩu từ hàng chục doanh nghiệp điện tử tại Mỹ, bao gồm chip máy tính từ Qualcomm và Broadcom, cũng như Microsoft và Google.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng lệnh trừng phạt Huawei không chỉ khiến Huawei chịu thiệt hại mà còn khiến các công ty làm ăn với Huawei (chủ yếu là công ty Mỹ) bị liên đới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Máy tính của Mỹ, hơn 52.000 việc làm công nghệ của nước này gắn liền với quá trình xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo Fortune

Thanh Ngọc

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ven-buc-man-nguyen-nhan-thuc-su-dang-sau-lenh-cam-van-cua-hoa-ky-doi-voi-huawei-364681.html