Vén màn bí mật dinh thự Vua Mèo đang bị tranh chấp ở Hà Giang

Tòa dinh thự được xây bằng 150 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (khoảng 150 tỷ đồng lúc bấy giờ) đang bị tranh chấp giữa cháu nội Vua Mèo và phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn.

Dinh Vua Mèo – tư hữu hay quốc hữu?

Ngày 16/8/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang và bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có báo cáo tổng quan về quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương người H'Mông tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự và đề xuất giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2018.

Dinh họ Vương có diện tích gần 3000m2 nằm giữa thung lũng Sà Phìn (ảnh: Internet)

Trước đó, ngày 21/7/2018, ông Vương Duy Bảo, cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình đã gửi thư lên Thủ tướng kêu cứu xung quanh việc bị tước quyền sử dụng tòa dinh thự nổi tiếng này.

Trong đơn trình bày của ông Bảo, tòa dinh thự họ Vương tại Đồng Văn, Hà Giang được bộ Văn hóa Thông tin cấp chứng nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” năm 1993.

Tới năm 2002, gia đình họ Vương được yêu cầu di dời ra ngoài để trùng tu và làm bảo tàng.

Tại thời điểm này, gia đình họ Vương kiến nghị lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bộ Văn hóa Thông tin và sau đó gia đình nhận được quyết định không quốc hữu hóa dinh thự họ Vương.

Ngôi dinh thự có kiến trúc độc đáo

Nguyên nhân dẫn tới lá đơn kêu cứu của ông Vương Duy Bảo là do thời gian gần đây khi có nhu cầu làm sổ đỏ, gia đình ông mới hay biết từ năm 2012 UBND tỉnh Hà Giang cấp sổ đỏ cho phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng mảnh đất gắn liền với dinh thự họ Vương.

Theo ông Vương Duy Bảo, thông tin trên khiến họ hàng bà con, anh em họ Vương người H’Mông rất bức xúc.

“Để tránh sự việc dẫn đến những diễn biến xấu, tôi là đại diện chủ sở hữu họ Vương khẩn thiết mong Thủ tướng giúp giải quyết sự việc trên để trả lại quyền sử dụng mảnh đất gắn với tòa Dinh thự này hơn 100 năm nay”, ông Vương Duy Bảo viết.

Trước khi gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng, tháng 6 vừa qua ông Vương Duy Bảo có đơn đề nghị bộ VH-TT&DL làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên. Bộ có văn bản chuyển cho UBND tỉnh Hà Giang trả lời.

Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Giang có văn bản trả lời, khẳng định việc cấp sổ đỏ cho phòng Văn hóa Thông tin là phù hợp quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại diện dòng họ Vương không chấp nhận cách giải thích này.

Vén màn bí mật tòa dinh thự nổi tiếng

Vương Chính Đức (1865 - 1947) là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là Vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.

Tương truyền, trước khi bắt tay vào xây dựng dinh thự đồ sộ này, cụ Vương đã sang Trung Quốc nhờ thầy phong thủy qua Việt Nam chọn địa thế đất từ khu vực 4 huyện cụ đang cai quản.

Cổng vào Dinh Vua Mèo, một địa điểm nhất định phải ghé thăm khi tới hà Giang (Ảnh: Tài Trần)

Cuối cùng, cụ Đức và thầy phong thủy quyết định dừng chân tại thôn Sà Phìn, nơi có địa thế đất nằm giữa thung lũng Sà Phìn. Ở đây có một khối đất nổi lên cao như hình mui con rùa, tượng trưng cho thần Kim Quy.

Sau khi chọn được địa thế, cụ Vương tìm kiếm và thuê thợ giỏi cùng hàng vạn nhân công, xây dựng ngôi dinh thự trong 9 năm. Đến năm 1928, Dinh Nhà Vương (hay còn gọi là Dinh Vua Mèo) chính thức hoàn thành.

Ngôi dinh thự có diện tích gần 3.000 m2, kết cấu 3 cung: Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở. Khu Tiền cung là nơi ở của lính bảo vệ, gia nhân. Trung cung và Hậu cung là nơi ở, làm việc của con cháu dòng họ Vương. Toàn bộ gỗ của ngôi nhà trước đây đều được làm từ gỗ thông đá. Ngày nay sau khi được trùng tu, các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi: khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến.

Nơi ở của họ hàng thuộc Hậu cung (ảnh: Tài Trần)

Nếu quan sát, bạn sẽ thấy hai viên đá ở khu Tiền có độ bóng nhất định, đó là do đồng bạc trắng Đông Dương mài vào đá mà thành. Để đánh được một chân cột đá như thế, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 1 tỷ đồng tiền Việt Nam. Đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Đồng Văn.

Ở giữa khu Tiền và Trung có một sàn gỗ, chính là khu vực xét xử của cụ Đức. Hồi đó, mỗi lần lên triều, cụ Đức sẽ mặc mũ áo xử án như Bao Công, lúc bấy giờ là quan tri huyện, ngồi ở giữa sàn, có bàn ghế xử án còn kẻ phạm tội sẽ phải quỳ ở dưới sân.

Lối dẫn vào dinh thự là hai hàng sa mộc đứng uy nghiêm, rắn chắc như những người lính gác bảo vệ sự an toàn cho nhà Vua.

Đây là ngôi dinh thự có kiến trúc độc đáo, chịu ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp.

Tương truyền, Vua Mèo đã tiêu tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng (thời giá lúc bấy giờ) để xây dựng nên dinh thự này.

Theo người hướng dẫn viên du lịch tại đây thì thời điểm xây dựng dinh thự, nơi đây chưa hề có máy móc, đường sá thì hiểm trở vô cùng. Do đó, dinh thự hoàn toàn do sức lực đồng bào người Mông làm thủ công. Tất cả các vật liệu đá của dinh thự do chính người dân nơi đây đục đẽo bằng tay rồi vận chuyển từ cách thôn Sà Phìn 7 km.

Bao quanh khu dinh thự là một dải núi cao, tạo nên địa thế hình vòng cung ôm lấy toàn bộ ngôi nhà. Bởi vậy những năm Pháp bắt đầu xâm chiếm đất Đồng Văn, ở trên các đỉnh núi này, Cụ Đức cũng cho xây dựng lô cốt có lính canh bảo vệ, mục đích chính là để bảo vệ nhà của cụ. Rất may thời đó, người Pháp cũng chưa bao giờ xâm nhập tới đây mà chỉ mới chiếm khu Đồng Văn, Quản Bạ.

Cụ Vương Chính Đức cùng con cháu trong dòng họ và lính bảo vệ (Ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, người con thứ hai của Cụ Vương Chính Đức tên là Vương Chí Sình (1886 - 1962) được xã hội nhắc tới nhiều hơn vì là người con của Cách Mạng, cũng là người anh em kết nghĩa với Bác Hồ. Ông từng là đại biểu Quốc Hội khóa I và II.

Hiện khu Trung cung còn lưu giữ rất nhiều bức ảnh của gia tộc, cũng là nơi thờ cúng tổ tiên họ Vương. Cụ Vương Chính Đức từng có 3 bà vợ nhưng trong những bức ảnh chỉ có bà cả và bà ba, bà vợ hai không có mặt trong bức ảnh gia tộc họ Vương vì không sinh được con trai nên không được gia đình nhắc đến trong dòng họ.

Người vợ thứ nhất của cụ Đức sinh được hai người con trai là Vương Chính Tinh và Vương Chính Sình. Bà vợ ba có con trai là Vương Chính Trư.

Trải qua gần 100 năm, dinh thự Vua Mèo về cơ bản vẫn giữ được nét những nét xưa cũ, chỉ có điều hệ thống sàn nhà gỗ đã bị cạy phá, chỉ còn trơ nền đất do thời điểm chiến tranh, nhà cụ Đức bị nghi chôn cất tài sản dưới nền nhà.

Hiện nay, Dinh Họ Vương trở thành địa điểm tham quan cho khách du lịch. Người bán vé kiêm đảm nhận vai trò giới thiệu về dinh thự cho du khách là một người cháu gái họ xa của Vua Mèo tên là Vương Thị Chở.

Toàn bộ con cháu nhà họ Vương chuyển ra sống tại dãy nhà mới xây trước cổng chợ. Đây là chi con cháu thứ 3, tức là chi của bà vợ ba, là chi duy nhất nhà họ Vương sống tại đây. Còn hai nhánh của bà cả có một nhánh sống ở Canada, Mỹ, một nhánh sống ở Hà Nội và Sài Gòn.

Đứng ở trên đỉnh đèo nhìn xuống, Dinh Họ Vương nổi bật, bề thế giữa một thung lũng heo hút. Đến Hà Giang, du khách sẽ không thể bỏ qua điểm tham quan thú vị này, khám phá dinh thự, thăm chợ phiên trước dinh thự rồi từ điểm dừng chân này, du khách có cơ hội đi tiếp để chinh phục Cột cờ Lũng Cú.

H.Y (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ven-man-bi-mat-dinh-thu-vua-meo-dang-bi-tranh-chap-o-ha-giang-a382812.html