Vén màn bí mật thành công của U19 PVF

Sự áp đảo của U19 PVF với chức vô địch Giải U19 Quốc gia mang lại niềm hy vọng về một lứa trẻ tài năng nữa của bóng đá Việt Nam sau thế hệ Công Phượng, Quang Hải.

Giải U19 Quốc gia dành cho các cầu thủ từ 17 đến 19 tuổi. Tuy nhiên, điều lệ giải năm nay đánh dấu một năm “nhảy bước”, tương tự như một số năm lẻ trước đây.

Cụ thể, nhằm có sự tương ứng với hệ thống giải khu vực và châu lục, giải U19 Quốc gia 2021 đã “bỏ qua” lứa cầu thủ sinh năm 2002 - những cầu thủ 19 tuổi thực sự. Thay vào đó, nhóm tuổi từ 2005 đến 2003 (tức từ 16 đến 18 tuổi) được ưu ái trao cơ hội.

Cuộc lột xác của lứa trẻ tiềm năng

Cũng nhóm tuổi từ 2005 đến 2003 này sẽ tiếp tục đủ điều kiện để thi đấu giải U19 Quốc gia 2022. Chúng ta nhiều khả năng lại được chứng kiến những cái tên nổi bật như Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Phương Nam (PVF), Đinh Xuân Tiến (Sông Lam Nghệ An) hay Nguyễn Quốc Việt (Nutifood JMG) tại giải U19 năm sau.

Một chuyên gia thường xuyên theo dõi lứa cầu thủ trẻ này đã ghi nhận sự thay đổi gần như lột xác của các cầu thủ PVF. Tại thời điểm năm 2018, trong khuôn khổ giải U15 Quốc gia, nhóm cầu thủ 2003-2004 của PVF thậm chí không thể vượt qua nổi bảng đấu vòng loại tổ chức tại Trung tâm Thể thao Viettel.

 HLV Mauro Jeronimo Tavares mát tay với những cầu thủ trẻ tại PVF. Ảnh: BTC.

HLV Mauro Jeronimo Tavares mát tay với những cầu thủ trẻ tại PVF. Ảnh: BTC.

Những người theo dõi bảng đấu này tại Hòa Lạc năm ấy nhắc tới cầu thủ nổi bật duy nhất trong tập thể U15 PVF rời rạc là Đinh Đức Anh, sinh năm 2003. Cái tên này tới nay thậm chí không còn xuất hiện tại PVF. Bộ mặt của lứa cầu thủ này đã thay đổi gần như hoàn toàn sau 2 năm. Những cầu thủ ở lại đã tiến bộ một cách khó có thể nhận ra.

Năm 2020, các cầu thủ 2003-2004 của PVF đã giành chức vô địch Cúp Quốc gia U17. Tại giải U17 Quốc gia trước đó, dưới sự dẫn dắt của HLV kỳ cựu Đinh Thế Nam, nhóm cầu thủ này chỉ chịu dừng bước sau loạt luân lưu trước đối thủ mạnh U17 Sông Lam Nghệ An, đội sau đó vô địch.

Khi ấy, U17 PVF không có sự phục vụ của cái tên xuất sắc Nguyễn Thanh Nhàn, cầu thủ cùng khoảng thời gian này nằm trong đội hình PVF thi đấu giải Hạng Nhì Quốc gia.

Cũng trong năm 2020, với nòng cốt là những cái tên nổi bật tại giải U19 2021 dù chỉ sinh năm 2005 như Thái Bá Đạt, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Bảo Long, PVF cũng giành “cú đúp” khi đăng quang tại giải vô địch U15 Quốc gia và Cúp Quốc gia U15.

Nhìn nhận một cách xuyên suốt hơn, có thể thấy PVF đang hoàn toàn áp đảo các lò đào tạo khác ở cùng lứa tuổi 2003-2005. Và chỉ Sông Lam Nghệ An ngáng chân họ được một lần trong 2 năm qua.

Thông qua rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, phóng viên của Zing đã hệ thống hóa và nhận diện được những lý do làm nên sự áp đảo ấy.

Ông Eric Abrams góp công không nhỏ trong thành công của PVF. Ảnh: MFF.

Cuộc cách mạng về bộ máy kỹ thuật

Vào thời điểm đầu năm 2020, Trung tâm PVF công bố một sự thay đổi quan trọng: Ông Eric Abrams được tuyển dụng vào vị trí giám đốc kỹ thuật, thay thế người tiền nhiệm trứ danh Philippe Troussier. Ông Troussier khi ấy đã trở thành huấn luyện viên của đội tuyển U19 Việt Nam.

Ông Abrams không phải một cái tên xa lạ trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, với hồ sơ từng công tác tại Liên đoàn Bóng đá Australia và Liên đoàn Bóng đá Myanmar cùng với chức danh Giám đốc kỹ thuật.

Ông không có bảng thành tích huấn luyện nổi bật như HLV Troussier, người từng dẫn dắt các đội tuyển Nam Phi và Nhật Bản tại vòng chung kết World Cup. Tuy nhiên, ông Abrams lại thể hiện xuất sắc ở khía cạnh quản lý.

Các HLV làm việc tại Trung tâm PVF thường nhắc tới “4 mô-đun”, một khung chương trình đào tạo mà ông Abrams mang tới, đào tạo và cương quyết yêu cầu áp dụng. Chính ông Abrams cũng không hề giấu giếm bí quyết, bởi ông đã mang nó đến với một hội thảo về phát triển và đào tạo cầu thủ trẻ do VFF tổ chức vào năm 2020.

Trên khung này, ông Abrams thiết lập các đặc điểm chiến thuật mà tới nay đã trở thành hình ảnh rõ ràng ở tất cả đội trẻ PVF, gồm sơ đồ 4-3-3, lối chơi kiểm soát bóng với tốc độ luân chuyển cao, áp sát ngay từ phần sân đối phương và liên tục giành sự chủ động.

Theo những người đang làm việc tại PVF, các yêu cầu của ông Abrams tuy không mới mẻ, nhưng đều dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế rất cao. Sự cương quyết của vị giám đốc người Bỉ thôi thúc tất cả các ban huấn luyện phải làm việc để đạt được kỳ vọng. Ông Abrams cũng chủ trương đề cao các bài tập mang tính chất thi đấu đối kháng tương đồng trận đấu thực sự. Các bài tập không sát với trận đấu thực đều bị dẹp bỏ.

Trong thành phần BHL các đội tại PVF, chuyên gia phân tích băng hình luôn giữ vị trí cực kỳ quan trọng.

Một chi tiết khác mà PVF cũng hé lộ khi đăng tải thông tin về tiêu chuẩn “3 sao AFC” cũng được xem là dấu ấn của ông Abrams. Đó chính là bộ máy kỹ thuật với những phòng ban chuyên trách với số lượng nhân sự cực kỳ ấn tượng: 4 chuyên viên phân tích hiệu suất và băng hình, 6 chuyên gia khoa học thể thao.

Ông Abrams rất đề cao việc huấn luyện và đào tạo cầu thủ thông qua video. Phương pháp làm việc dựa trên băng hình thể hiện thông qua yêu cầu toàn bộ các buổi tập luyện cũng phải được quay lại, chứ không chỉ các trận đấu. Từ đó, các huấn luyện viên phải làm việc cùng nhân viên phân tích để cắt lại các đoạn băng và trình chiếu cho cầu thủ, phân tích hình ảnh ngay từ tập luyện.

“Cách làm này thể hiện yêu cầu cao với học viên. Các em phải tập luyện nghiêm túc giống như thi đấu. Xem băng hình, các em cũng tự hiểu được nhanh hơn, HLV không mất thời gian để mô tả lại tình huống. Cầu thủ tự suy nghĩ và sửa lỗi một cách chủ động”, một HLV của PVF cho biết.

Với yêu cầu quay hình toàn bộ các buổi tập của 5 đội trẻ, có thể hiểu được vì sao lượng nhân sự chuyên trách cho mảng việc này của Trung tâm PVF lại ấn tượng đến thế.

Nhóm khoa học thể thao lại là một mảng hoàn toàn mới lạ và được người trong cuộc đánh giá là chưa hề có tại Việt Nam. Một HLV khác của PVF cho biết: “Trước kia, chỉ các đội có điều kiện hoặc đội tuyển quốc gia mới thuê HLV thể lực riêng. Cách làm việc cũng căn bản, chủ yếu họ làm phần khởi động đầu các buổi tập và hướng dẫn tập tạ, tập các loại máy trong phòng gym. Nhưng đội ngũ tại PVF làm rất nhiều thứ mà thời của tôi không hề có”.

Theo ghi nhận, nhóm khoa học thể thao của PVF với các HLV đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Nổi bật trong đó là ông Nick Harvey, thành viên rất dễ nhận biết của đội U19 PVF mới giành chức vô địch với cái đầu hói. Ông Harvey từng có thời gian dài làm việc cho CLB Southampton danh tiếng của Premier League.

Nick Harvey là trưởng bộ phận thể lực tại PVF. Ảnh: PVF.

“Thầy Nick giúp chúng em ở phần kiểm soát lượng tập luyện”, đó là đánh giá của một cầu thủ trẻ U19 PVF. Mô tả này khác biệt so với cách nghĩ thông thường về công việc của một HLV thể lực.

Những người trong cuộc cho biết, bộ phận khoa học thể thao PVF không đơn thuần chỉ huấn luyện sức vóc, mà còn xây dựng tới 4 cách khác nhau để kiểm soát khối lượng tập luyện và giảm rủi ro chấn thương, từ thiết kế cường độ theo giáo án tuần cùng các HLV, cho đến ghi nhận cảm giác mệt mỏi của cầu thủ từng ngày và đánh giá dữ liệu từ thiết bị trên áo lót đen được cầu thủ mặc từ từng buổi tập đến các trận đấu.

“Làm việc với chuyên gia thể lực là rất ‘sướng'”, một HLV của PVF chia sẻ, “Họ đưa ra các chỉ tiêu rõ ràng về khối lượng vận động từng ngày trong tuần, đi vào tận chi tiết kích thước sân tập và thời gian bài tập. Tôi chỉ việc tập trung vào kỹ chiến thuật”.

Nhiều cầu thủ PVF cũng nhắc tới việc mỗi em lại có một giáo án tập riêng trong phòng gym, dựa vào điểm mạnh và điểm yếu theo kết quả kiểm tra thể lực. “Trước đây, chúng tôi thường cho cả đội tập theo một lượng tạ như nhau”, một HLV đang làm việc tại PVF cho biết, “nhưng các chuyên gia lại điều chỉnh, cùng bài tập nhưng có em dùng tạ nặng, có em dùng tạ nhẹ theo đúng đặc điểm cơ địa. Nhiều bài tập chỉ dùng dây thun. Mục đích là sao cho các em phát triển phù hợp với tạng người".

Một vấn đề rất quan trọng là dinh dưỡng cho cầu thủ được đáp ứng đầy đủ.

Dinh dưỡng là mảng chuyên môn đã được phản ánh rất nhiều ở Việt Nam, nhưng dường như PVF mới chính là nơi đầu tiên tuyển dụng một cán bộ làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Một cầu thủ đang thi đấu tại V.League từng chữa trị chấn thương tại PVF cho biết, các cầu thủ trẻ tại đây đều được cung cấp bột sữa protein tăng cơ ngay sau từng buổi tập tạ, uống nước cam tươi ngay tại sân tập hàng ngày.

Thiết bị đo chỉ số mất nước của cầu thủ để HLV phân tích.

Trò chuyện với các cầu thủ trẻ tại PVF, các em cũng vui vẻ kể về các món bánh yến mạch, thạch kẹo tăng năng lượng được ăn trước khi vào trận thi đấu. Các cầu thủ trẻ cũng nói về món ăn chọn lọc, phải ăn thịt heo không mỡ và ức gà thay vì các loại thịt ít nạc, gà đùi… đến mức “ngán tận cổ”. Sau mỗi trận đấu, các cầu thủ cũng được phát viên dầu cá để uống nhằm cải thiện phục hồi xương khớp nhanh.

Một HLV cho biết: “Tôi cũng được biết về công tác dinh dưỡng của PVF thông qua đồng nghiệp tại đó. Thời của tôi, thường chỉ khi tới trận đấu thì mới được ăn nhiều món hơn và được phát một số loại thuốc bổ. Tôi nghĩ rằng việc cầu thủ được phục vụ dinh dưỡng tốt hàng ngày mới có thể tạo ra sự phát triển”.

Rõ ràng, sự xuất hiện của một chuyên gia dinh dưỡng đã tạo nên những khác biệt.

“Ông Abrams đưa ra tiêu chuẩn cao, nhưng kèm theo đó là cả một hệ thống cần thiết”, đây là đánh giá của một người làm việc tại PVF lâu năm. “Quan trọng nhất, ông Abrams tạo ra sự tổ chức, phương pháp làm việc rõ ràng và khoa học, thay vì chỉ dựa vào các quan điểm mang tính cá nhân”.

Trường hợp đột phá của Nguyễn Thanh Nhàn

Khi tung cú nước rút mạnh mẽ để vượt qua đối thủ trước khi sút tung nóc lưới U19 Nutifood JMG và ấn định chức vô địch, Nguyễn Thanh Nhàn đã được bầu là Cầu thủ hay nhất giải.

Đó là bàn thắng thứ tư của U19 PVF trong trận đấu, cũng chính là bàn thứ ba của tài năng với đôi chân vòng kiềng đã “đại náo” tại giải năm nay.

Điều đáng ngạc nhiên: Thanh Nhàn chỉ mới nổi lên từ năm 2020 khi bắt đầu thi đấu cho PVF tại các giải U17 và hạng Nhì Quốc gia. Đây không phải một trường hợp tài năng thiên bẩm sớm được phát lộ tại các giải trẻ U11, U13 hay U15.

Tìm hiểu về con đường phát triển vượt bậc của Thanh Nhàn trong 2 năm qua, có thể chỉ ra một cái tên vô cùng quan trọng: HLV Philippe Troussier.

Khi ông Troussier còn là Giám đốc Kỹ thuật PVF, tại giải U17 Quốc gia năm 2019 diễn ra ở Tây Ninh, ông đánh giá cao 2 cầu thủ trẻ của đội chủ nhà. “Phù thủy trắng” đã nghiêm túc đặt vấn đề với lãnh đạo Tây Ninh để đưa các em về PVF để phát triển tốt hơn. Một trong hai chàng trai ấy là Nguyễn Thanh Nhàn.

Thanh Nhàn tỏa sáng trong hành trình tiến tới ngôi vương của PVF. Ảnh: BTC.

Cựu HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản từng gây tiếng vang tại xứ phù tang khi áp dụng chính sách coi trọng cầu thủ trẻ tại một quốc gia đề cao kinh nghiệm. Một lần nữa, ông chứng minh được con mắt chuyên sâu của mình khi Thanh Nhàn “vượt vũ môn” tại PVF.

“Sự phát triển của em Nhàn vừa là bất ngờ, vừa là không bất ngờ”, một cán bộ kỹ thuật của PVF cho biết, “Khi mới tới PVF, Nhàn là một cầu thủ gầy gò thấp bé, dù có một số điểm mạnh về kỹ thuật. Nếu chỉ xét từ cái tôi của một trung tâm lớn, có thể các HLV sẽ không quan tâm tới Nhàn. Nhưng chỉ sau hơn một năm tại đây, Nhàn đã khác hẳn, cơ bắp rất chắc chắn và đặc biệt mạnh mẽ. Kỹ chiến thuật của em giờ đây là quá tốt”.

Một trợ lý người nước ngoài của ông Troussier kể lại: “Khi chúng tôi tới gặp ban huấn luyện U17 Tây Ninh để làm việc, chúng tôi đi qua nhà ăn của đội trẻ Tây Ninh. Những gì tôi đã thấy thật không thể tin nổi. 6 hay 7 cầu thủ chỉ có một miếng cá khô, một đĩa trứng chiên và rau luộc. Ở Pháp, cầu thủ sẽ bỏ đi và không thi đấu cho đội của bạn nữa nếu bữa ăn như vậy”.

Bỏ lại mâm cơm với món cá khô ở Tây Ninh, Thanh Nhàn đã lột xác với những suất ăn có cá hồi tại PVF.

“Tôi nhận thấy ở Nhàn tinh thần vươn lên của một con người đến từ hoàn cảnh nghèo khó”, vị trợ lý tiếp lời, “Tôi nghĩ cậu ấy hiểu rõ mình có gì ở PVF và đã tận dụng mọi thứ đến tối đa”.

Điều đáng chú ý là, theo nguồn tin của Zing, Thanh Nhàn vẫn đang thuộc biên chế của Tây Ninh và chỉ tập luyện cho PVF theo một hợp đồng mượn. Thỏa thuận này có những điểm tương đồng với việc CLB Bình Định cho Bình Dương mượn Hồ Tấn Tài dài hạn.

Điều này đồng nghĩa bóng đá Tây Ninh hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc tài năng Thanh Nhàn tỏa sáng tại đây trong tương lai.

Nếu mô hình này được nhân rộng, các trung tâm lớn hợp tác với các lò đào tạo ít điều kiện hơn, thì nhiều tài năng bóng đá hẳn sẽ được phát triển một cách phù hợp và cần thiết.

Dù vậy, người trong cuộc cũng phản ánh về những định kiến lớn khiến cho những thỏa thuận phát triển cầu thủ này rất hiếm khi xảy ra, dù dường như mọi bên đều có lợi.

“Vai trò của ông Troussier với tư cách một chuyên gia từ nước ngoài là rất quan trọng. Ông đưa ra những quan điểm về hợp tác mà người Việt Nam rất khó có thể nói chuyện với nhau”, một chuyên gia về bóng đá trẻ Việt Nam cho biết.

“Thông thường, các đội luôn mang tư tưởng ‘cầu thủ của anh’, ‘cầu thủ của tôi’. Các trung tâm nhỏ chỉ muốn giữ người của mình thay vì cho phép các em đến với những điều kiện phát triển tốt hơn. Các trung tâm lớn thì không muốn quan tâm tới cầu thủ ở đội nhỏ hơn vì sự chủ quan và cũng vì suy nghĩ đằng nào cũng không thể hợp tác”, chuyên gia này nói.

Ông Troussier (phải) cũng là người góp công lớn trong thành công của PVF. Ảnh: Việt Hùng.

Năm 2018, ông Troussier cũng đã tranh thủ nhiều lần gặp gỡ và trao đổi bên lề với các HLV làm công tác đào tạo trẻ tại các giải đấu. Dường như câu chuyện tại Tây Ninh không đơn thuần chỉ là ý tưởng bất chợt.

Phải chăng, những sự hợp tác này chỉ xuất hiện khi một chuyên gia như Troussier quyết tâm thực hiện? Nhìn ngược lại, dường như ông Troussier không thể thuyết phục được những trường hợp hợp tác dài hạn tương tự với các trung tâm lớn khác.

Bước đột phá của Thanh Nhàn tại PVF rõ ràng cũng mang tới nhiều suy ngẫm. Chân sút người Tây Ninh lẽ ra sẽ không thể có ngày hôm nay nếu như giải U17 năm 2019 không được tổ chức tại Tây Ninh, và người đứng đầu PVF thời điểm ấy không phải ông Troussier. Liệu bóng đá Việt Nam có đang bỏ lỡ một tài năng nào đó, đơn thuần chỉ vì em không có điều kiện phù hợp để phát triển?

Bản thân ông Troussier tới nay đã không còn làm việc cho PVF, dù vẫn thường xuyên xuất hiện theo dõi các tài năng mà ông từng trui rèn. HLV Troussier cũng sẽ hưởng trái ngọt từ công việc của người kế nhiệm Eric Abrams khi các cầu thủ trẻ được lựa chọn lên đội tuyển.

Rõ ràng, thành công của PVF trong hai năm qua không đến từ một lứa cầu thủ xuất sắc, mà đến từ những cách mạng và khác biệt trong phương pháp làm việc, đào tạo, phát hiện và hợp tác phát triển cầu thủ trẻ. Điều đáng nói là những cuộc “cách mạng” này đã mang về thành quả rõ ràng chỉ trong vòng khoảng hơn hai năm thực hiện.

Liệu những bài học này có được kế thừa?

Siêu phẩm từ giữa sân của sao trẻ U19 PVF Ở phút bù giờ, Thái Bá Đạt có pha quan sát rồi dứt điểm tinh tế, ấn định chiến thắng 3-1 cho U19 PVF trước U19 Bình Dương vào tối 30/3.

Sĩ Liên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ven-man-bi-mat-thanh-cong-cua-u19-pvf-post1204864.html