Vẹn nguyên cảm giác 'về nhà'...

Hôm qua thấy trang Facebook của nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo NTNN hiện hình đại diện: '35 năm NTNN'. Thế là anh Định về NTNN áng chừng cũng đã 15 năm. 15 năm đó NTNN cũng đã bao đổi thay...

Tập thể Báo NTNN tại sân tòa soạn 13 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), tháng 5.2009. Ảnh: Hoài Anh

Tập thể Báo NTNN tại sân tòa soạn 13 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), tháng 5.2009. Ảnh: Hoài Anh

Những ngày hạnh phúc

…Mới đó mà đã gần 20 năm, kể từ lần đầu tiên tôi đến ngôi nhà 13 Thụy Khuê. Đến cùng một đồng nghiệp, là cộng tác viên của báo. Cũng là lần đầu gặp chị Võ Mai Nhung - lúc đó đang là quyền Tổng biên tập tờ Nông dân (về sau đổi thành NTNN). Cũng là lần đầu nhìn thấy tờ báo đen trắng. Cảm giác đầu tiên là ngôi nhà quá cũ kỹ, nghèo nàn, tờ báo đen trắng, xấu xí. Nhưng những người đang làm ở đó thì vô cùng chăm chút cho từng con chữ và gương mặt của từng người ở đó thì có vẻ gì đó quyết tâm ghê lắm… Cũng không ngờ rằng chỉ chưa đầy dăm năm sau đó, tôi đã là 1 thành viên chính thức của NTNN (cùng thời với Lê Thọ Bình, Huy Đức, Kim Trung, Phạm Tường Vân…). Ngôi nhà 13 Thụy Khuê chật hẹp, cầu thang bé tí, nhà vệ sinh vài ngày lại tắc, lương thấp, nhuận bút hay bị chậm..., nhưng không khí làm báo ngút trời. Với sự khích lệ của Tổng biên tập và Ban thư ký tòa soạn, chúng tôi không e ngại các đồng nghiệp báo lớn, luôn cố gắng cao nhất để có bài báo tốt nhất trong khả năng có thể của mình. Cũng chen vai phỏng vấn trong hành lang Quốc hội. Cũng nín thở cùng các báo đồng nghiệp trong những ngày tham gia đưa tin vụ án Năm Cam, cũng nối kết cộng tác viên để đưa tin nóng hổi từ khắp mọi miền đất nước.

Làm nghề nghiêm túc và yêu thương chân thực, đó là của hồi môn mà ngôi nhà NTNN trao cho chúng tôi khi đi ra với đời

Đó là những ngày hạnh phúc và tự hào với nghề. Hình như tất cả chúng tôi đều tin rằng những trang báo của mình hàng ngày là đang góp sức “làm một điều gì đó” để nông thôn, nông dân ngày càng tốt đẹp lên!

Trong những ngày tôi học nghề ở ngôi nhà đó, ghi dấu những năm tháng của tuổi thanh xuân không êm ả. Là những chiều mưa phùn, gió bấc vội vàng đón con về rồi giao vội cho chú Lại Bá Hà, cô Lê Huyền, Lê Hạnh, Trọng Hiếu… trông hộ, cho ăn cái bánh giò, hộp sữa. Là những ngày mưa tắc đường về nhà, ngồi ở góc hành lang tầng 2 uống trà, kêu đói rồi chị Nhung cho tiền mua đồ ăn. Là ngày chia tay tòa soạn, anh Lê Thọ Bình nói những lời gan ruột: “Tôi đã vô cùng khắc nghiệt với cô Ngọc (anh vẫn nói không phải con ông to, không có nhan sắc thì chỉ có con đường duy nhất là phải rất chăm - N.V) để sau này ra đời, không còn anh, chị, em chúng ta bên cạnh, cô ấy vẫn có thể tồn tại được”.

Kết nối dài và lâu

Đã gần 20 năm trôi qua kể từ ngày chia tay ngôi nhà NTNN và những anh, chị, em thân thương ở đó. Đã qua dăm ba chặng đường làm báo tiếp theo với bao vui, buồn, thành, bại. Nhưng, vẫn thấy nguyên vẹn trong lòng cảm giác thân, thương với ngôi nhà NTNN xưa và nay. Xưa là kỷ niệm. Cơ quan báo chí, chuyện đi ở là bình thường. Nhưng kết nối với nhau dài và lâu, giữa người ở và đi của các thế hệ, không phải nơi nào cũng làm được như NTNN. Có thể, NTNN trở nên mạnh mẽ, hùng hậu hơn là nhờ sự kết nối này.

Nhớ, có lần, lâu lâu rồi, anh Lưu Quang Định bảo: “Cô cứ đi, cứ bay cho thoải mái, bao giờ thích thì lại về đây với anh chị em…”. Thú thực, lúc ấy phải quay mặt đi để giấu giọt nước mắt cứ trào ra. Có cảm giác vẫn được chở che, bao dung và chào đón của một chốn quê cho người lữ thứ. Thi thoảng, nhấc máy lên vẫn thấy giọng Văn Hoài, Thanh Sơn... ấm áp như ngày nào, dù “chúng nó” đã thành danh, đã cứng cỏi với đời, với nghề.

Nhờ các anh, chị, em của ngôi nhà NTNN không đánh mất tấm thân tình, nên chúng tôi dù đi xa, đi lâu vẫn biết là mình vẫn có nơi để trở về.

Trở về và nói rằng: “Ngôi nhà NTNN của chúng ta 35 tuổi rồi”.

35 tuổi, ghi dấu cả thời thanh xuân của đời người, đời nghề của mỗi chúng ta!

Nhà báo Lương Bích Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Khám phá

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ven-nguyen-cam-giac-ve-nha-977706.html