Vẹn nguyên ký ức Ngày giải phóng

Ký ức vẫn còn tươi mới trong câu chuyện của những nhân chứng sống qua 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022).

Diễu hành kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị. Ảnh: THÀNH ĐẠT

1. Vĩnh Linh là “lũy thép” anh hùng trong những năm kháng chiến. Từ năm 1954 đến 1975, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, quân và dân Vĩnh Linh đã hết lòng, hết sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường Trị - Thiên ruột thịt, chuyển đến chiến trường Trị - Thiên hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm; cấp cứu, vận chuyển về tuyến sau hàng vạn thương binh, bệnh binh, liệt sĩ.

Theo dòng ký ức của dịp kỷ niệm ngày giải phóng, chúng tôi tìm đến thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh gặp cô giáo đã về hưu Nguyễn Thị Siêm. Cô Siêm là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng ba. Trong ngôi nhà của mình, câu chuyện của cô Siêm tràn ngập cảm xúc: “Tôi sinh năm 1948, năm 1965-1967 tôi học trung cấp sư phạm và dạy học tại quê hương. Là giáo viên nhưng tôi thực hiện theo chủ trương thời chiến của Đảng “mỗi người dân là một chiến sĩ” nên ngoài việc dạy học tôi và mọi người dân ở Vĩnh Linh gánh nước, tải đạn… cùng cán bộ, chiến sĩ”.

Vĩnh Linh trở thành hậu cứ trực tiếp của chiến trường Gio Linh, Cam Lộ; là điểm dừng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực vượt sông Bến Hải, băng qua Trường Sơn vào giải phóng miền nam. Các đơn vị cao xạ, pháo binh, tên lửa, bộ binh, thông tin, ra-đa, công an vũ trang, dân quân tự vệ... được nhân dân Vĩnh Linh giúp sức đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Nhớ đến những ngày gian khó mà hào hùng đó, cô Siêm xúc động: “Thiệt tình không biết nói sao cho hết. Niềm khát khao độc lập dân tộc, giải phóng quê hương đã biến những con người bằng xương bằng thịt trở nên rắn rỏi đến không ngờ. Sự đoàn kết đã tạo nên sức mạnh để chiến thắng”.

Qua những năm tháng khốc liệt, có thể nói rằng, mỗi tấc đất ở Vĩnh Linh hôm nay đều đánh đổi bởi máu và nước mắt, sinh mệnh của đồng bào. Bởi thế những tấc đất được người dân trân quý như thân thể của mình. Từng cái cây, ngọn cỏ, hoa trái trong vườn đều có công sức của cô Siêm nói riêng và hàng nghìn đồng bào Vĩnh Linh nói chung. Chúng tôi nhắc đến ngày giải phóng, cô Siêm đã vỡ òa trong nước mắt: “Tới chừ nhắc lại tóc vẫn dựng lên, toàn thân thể cứ tê dại. Mọi thứ cứ như mơ. Mọi người hôm đó đã ôm nhau cười, ôm nhau khóc. Ôm nhau để thét lên vì mình đã được tự do, tỉnh nhà được giải phóng. Tôi cùng rất nhiều người, chạy quanh xóm làng để hỏi han nhau, để chia sẻ niềm hạnh phúc tột cùng và cũng để nhìn lại những mất mát, của những người không chứng kiến được ngày giải phóng, đó là những chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước…”.

2. Mang niềm xúc động của cô Siêm, chúng tôi ngược Trường Sơn đến với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô huyện miền núi Đakrông để nghe những chờ mong của câu chuyện ký ức, chứng kiến những hào hứng tột bậc của đồng bào nơi miền sơn cước này về ngày giải phóng quê hương.

Không lớp lang như câu chuyện của người đồng bằng. Ký ức chiến tranh và ngày giải phóng của đồng bào miền núi là những mảnh ghép. Đa số là niềm vui, niềm khích lệ khi nghe bộ đội ta thông báo một số địa phương giải phóng. Bà Giả Hương, dân tộc Vân Kiều ở thôn Tà Lao, xã Tà Long (Đakrông) thuộc tuổi xưa nay hiếm cười bỏm bẻm kể với chúng tôi: “Nghe Vĩnh Linh giải phóng, mẹ mừng, rồi Gio Linh, Cam Lộ… Ôi mẹ khóc. Vì huyện này được giải phóng thì huyện mình cũng sắp giải phóng, cứ mừng và chờ con ơi…”.

Con sông Đakrông với dòng nước trong xanh ngày nay rất đỗi hiền hòa nhưng thời khắc của chiến tranh đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử. Mỗi tấc đất, con người, ngọn núi ở đây đều gắn với những chiến công của đồng bào. Hồi đó, bà Giả Hương kể: đàn ông đi lính còn đàn bà làm rẫy, nuôi con, đàn bà trồng sắn nuôi bộ đội. Giặc tới thì đàn bà cũng làm bẫy, đi gùi đạn để đánh giặc. Khổ lắm nhưng họ giết người mình, cướp của mình, phá bản làng thì không thể để yên.

Bà Hồ Thị Vưi, sinh năm 1943, dân tộc Vân Kiều ở thôn Pa Hy, xã Tà Long là người lưu giữ nhiều ký ức nhất về ngày giải phóng. Bởi, ngoài việc cùng bản làng chống giặc để khát khao ngày hòa bình, được tự do, bà Vưi còn một hy vọng, một nỗi chờ mong đau đáu đó là ngày chồng mình - ông Hồ Văn Chương đi bộ đội trở về. Và những chờ mong đó, được bà Vưi kể lại: “Mẹ nhớ chồng dữ lắm! Nhớ như đến mùa gieo hạt mà đất chưa được làm. Mẹ mong giải phóng, mong được gặp lại chồng mình. Đi chiến tranh nhiều người mất chồng quá, mẹ rất lo sợ…”.

Khao khát hòa bình của bà Vưi được thỏa mãn, ước mong ngày đêm được gặp lại chồng của bà Vưi trở thành hiện thực. “Lúc chồng về mẹ đứng nhìn mà cười nhưng nước mắt chảy. Biết từ đây được hòa bình, được làm rẫy của mình, không còn súng đạn”, mẹ bồi hồi.

Bà Hồ Thị Vưi nở nụ cười tươi khi nhắc đến ngày giải phóng bà được đón chồng mình,
ông Hồ Văn Chương từ tiền tuyến trở về.

Còn mẹ Hồ Thị Nun, sinh năm 1921, dân tộc Vân Kiều ở tại thôn Pa Hy, xã Tà Long đau đáu về ký ức của mình: “Bản làng hồi đó nhiều con trai, đi đánh giặc rồi hy sinh. Rất nhiều bản làng có nhiều con trai, con gái, tuổi đẹp, người đẹp ra đi đánh giặc rồi không về. Mẹ biết những người con đó đã nằm ở chiến trường không về nữa, mẹ biết bom đạn kẻ thù đã vùi lấp người thân của mình. Nhưng nếu không đánh giặc Pháp, không diệt giặc Mỹ thì cái rẫy cũng không được yên, con trâu, con bò cũng không được yên, huống chi con người”.

Hơn 100 tuổi, mẹ Nun đi qua hai cuộc kháng chiến với nhiều thương đau nhưng cũng lắm anh dũng. Mẹ đã cùng bản làng chống giặc, vượt qua gian khó, nuôi giấu bộ đội Cụ Hồ. Nỗi nhớ về ngày giải phóng của mẹ Nun ngập tràn xúc động, “nghe cả tỉnh giải phóng mẹ mừng bơ, mẹ mừng đến hết mừng luôn. Con ơi mẹ đã khóc bên bếp lửa, đêm đó mẹ đã không ngủ, bản làng này đã đốt lửa ăn mừng”, mẹ rưng rưng.

3. Xã A Bung, huyện Đakrông, nơi đa số đồng bào Pa Cô sinh sống. Chúng tôi được nghe rất nhiều chuyện kể về chiến tranh, về ngày giải phóng của vùng đất mà nhạc sĩ Huy Thục từng viết ca khúc “Cô gái Pa Cô”. Cụ Kăn Hùng, sinh năm 1940, dân tộc Pa Cô vui mừng kể chuyện cho chúng tôi bên mái nhà sàn đơn sơ được lợp chồng tranh lên mái tôn để lưu giữ nếp nhà lá. Cụ hồ hởi: “Người Vân Kiều, Pa Cô đều là con cháu Bác Hồ nên làm theo Bác Hồ. Bác kêu toàn dân đứng lên diệt giặc thì bản làng đứng lên. Có khó khăn mấy cũng phải làm cho được”.

Ngày A Bung được giải phóng, ngày bản làng Pa Cô được cất điệu hát, tiếng khèn, được đốt lửa không thể phai mờ trong tâm trí cụ Kăn Hùng. Cụ chia sẻ: “Nghe tin chiến thắng là mừng hung. Tiếng bom đạn lắng xuống, sau đó những người thân trở về. Nhiều người già và trẻ em đã tập trung ở nhà dài của làng để trò chuyện với nhau. Cảm giác vui mừng không nói hết được”.

Chị Hồ Thị Họa My, sinh năm 1986, cháu gái của cụ Kăn Hùng, người nối tiếp cho truyền thống gia đình tâm sự “Tôi thuộc thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh, sau ngày giải phóng nhưng tôi tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc mình và kế thừa, phát huy truyền thống đó. Tôi vẫn nghe các bà, các mẹ, đặc biệt là bà nội tôi kể về những năm tháng hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, của đồng bào Pa Cô. Đặc biệt là cảm xúc của ngày giải phóng, nó thật sự rất tuyệt vời…”.

Bản làng A Bung yên bình, mỗi người dân chăm chỉ làm ăn và tiếp tục giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc. Những mốc son chói lọi của dân tộc, những tháng ngày hào hùng của đồng bào, thời khắc không thể nào quên của ngày giải phóng đã giúp chúng ta trân quý, gìn giữ hòa bình, giữ vững độc lập tự do của dân tộc, như lời cụ Kăn Hùng gửi gắm: “Cha ông xưa không tiếc xương máu để lấy hòa bình về thì lớp sau các con phải gìn giữ, bảo vệ lấy…”.

HOÀNG TIẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-chinhtri/ven-nguyen-ky-uc-ngay-giai-phong-695860/