Vẹn nguyên tự hào trong ngày giải phóng

Trưa 1/4/1975, lá cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh tháp Nhạn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên quê hương Phú Yên. Với không khí phấn khởi, tự hào, người dân đổ ra đường mừng chiến thắng.

Nhắc lại thời khắc lịch sử ngày giải phóng tỉnh Phú Yên, nhiều nhân chứng lúc bấy giờ vẫn vẹn nguyên sự tự hào.

Quân giải phóng tiến vào TX Tuy Hòa trong ngày 1/4/1975. Ảnh: TL

1. Theo ông Trần Văn Thu (SN 1931), nguyên Ủy viên thường trực UBND Cách mạng lâm thời Phú Yên, những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975 không thể nào quên trong tâm trí của tất cả cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Phú Yên và cả nước.

Ông Thu nhớ lại: Khoảng cuối tháng 2/1975, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân yêu cầu tôi tổ chức lực lượng lên Ma Choi (Gia Lai) đưa vũ khí về chuẩn bị cho ngày giải phóng. Ngày đi đêm nghỉ, ít nhất cũng phải 10 ngày, nhưng với quyết tâm cao, anh chị em các ban ngành của tỉnh đã hành quân lên Gia Lai đưa được một lượng vũ khí đáng kể, cả đi - về chỉ trong 7 ngày. Khi mặt trận Tây Nguyên thất thủ, quân địch tràn xuống Phú Yên, lúc này bộ đội ta đảm bảo vũ khí để chặn đường địch.

Ngày 24/3, tôi được phân công tiếp quản Củng Sơn, Sơn Hòa cùng với chính quyền cách mạng địa phương. Lúc này, những đoàn hàng binh của địch từ Tây Nguyên tràn xuống, tất cả đều buông vũ khí. Nhiều người đói, khát trình diện được chính quyền cách mạng và người dân địa phương cho thức ăn, nước uống, quần áo…

Tiếp quản và bàn giao huyện Sơn Hòa cho chính quyền cách mạng địa phương, ngày 1/4, chúng tôi hòa trong khí thế tiến công thắng lợi tiến về TX Tuy Hòa. Người dân khắp nơi đổ ra đường chào đón đoàn quân giải phóng, bộ đội, chính quyền cách mạng. Một khí thế tưng bừng, một niềm vui lớn chưa từng có.

Sau ngày giải phóng, chính quyền cùng với toàn dân bắt tay ngay vào ổn định cuộc sống, lo tăng gia sản xuất, chăm lo đời sống. Trải qua hai cuộc kháng chiến, phục vụ cách mạng trong chiến tranh, sau giải phóng ông Trần Văn Thu kinh qua nhiều vị trí công tác cùng chung tay xây dựng quê hương, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.

Bà Trần Thị Minh Chánh trong một lần về thăm chiến trường xưa

2. Bà Trần Thị Minh Chánh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi nhắc đến sự kiện ngày giải phóng tỉnh nhà vẫn còn nguyên cảm xúc hồ hởi.

Bà Chánh kể: Trước thời khắc lịch sử này, trong mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có một niềm tin chiến thắng, rồi đây quê hương sẽ giải phóng hoàn toàn. Niềm tin đó đã giúp mọi người phấn chấn. Đêm 31/3, mũi công tác dân vận gồm 3 người: Tôi phụ trách công tác vận động phụ nữ; chị Cúc đấu tranh chính trị; anh Đỗ Vĩnh Tân vận động thanh niên, từ huyện Tuy Hòa 2 tập kết ở căn cứ Đá Bàn, sẵn sàng đợi giờ G ngày 1/4 theo lệnh.

5 giờ sáng 1/4, pháo 105 ly, súng cối bắt đầu nổ dồn, bộ đội ta hành quân thần tốc từ các hướng tiến thẳng về Tỉnh đường và các cơ quan trọng yếu của tỉnh. 7 giờ sáng, thông tin quân ta chiếm được Tỉnh đường và nhiều cơ quan truyền đi. Đoàn chúng tôi trong lòng rộn ràng tiến vào thị xã. Một cảnh tượng vô cùng sung sướng, bộ đội giải phóng đi đến đâu người dân reo hò đến đấy. Không nghi ngờ gì nữa, họ đổ cả ra đường mừng chiến thắng. Những cán bộ nữ như chúng tôi càng được người dân mời vào nhà nghỉ ngơi, ăn uống, nghe kể chuyện… Trên đường, súng đạn, xe máy của địch tháo chạy bỏ lại la liệt.

Nhiệm vụ của tổ công tác lúc này là thông tin cho người dân về chiến thắng của cách mạng để bà con ổn định tư tưởng, kể cả những nhà có chồng, con em theo ngụy quân, ngụy quyền; động viên họ tình nguyện ra trình diện, khai báo, giao nộp vũ khí (nếu có). Những đêm đầu sau ngày giải phóng, chúng tôi làm công tác dân vận và ngủ lại ngay nhà dân, mà ngủ không được, một đêm di chuyển vài ba nhà, vì sự rộn ràng vui sướng chưa nguôi, phần cảnh giác tàn quân sót lại. Những ngày tiếp theo là công tác xây dựng chính quyền, vận động người dân sản xuất ổn định cuộc sống.

3.Ở tuổi gần 90, ông Đỗ Tấn Nhĩ, nguyên Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời huyện Tuy Hòa 2 (giai đoạn 1973-1975), còn nhớ mãi không khí những ngày chuẩn bị giải phóng Phú Yên, đặc biệt là ngày 1/4. Đêm trước ngày giải phóng, xe tăng bộ đội ta từ Tây Nguyên tiến ùn ùn trên đường 7, đường 5. Ở các căn cứ Núi Sầm, núi Con Cá vẫn còn những đại đội lính bảo an, nhưng lúc này tinh thần họ rệu rã, buông súng đầu hàng.

Giải phóng Phú Yên là ngày hội lớn. Nhân dân các xã thuộc huyện Tuy Hòa 2, trong ngày 1/4 đổ ra đường chào mừng quân giải phóng, một khí thế tưng bừng, phấn khởi bao trùm khắp cả không gian và trong tâm trí của mỗi người.

Sau ngày giải phóng, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng vô cùng nặng nề, bề bộn, vừa xây dựng chính quyền, vừa động viên Nhân dân về lại quê cũ sản xuất, ổn định cuộc sống, hàn gắn vết thương chiến tranh… Phát huy tinh thần tiền phong gương mẫu của một cán bộ, đảng viên, ông Đỗ Tấn Nhĩ cùng vợ Nguyễn Thị Bảy (cũng là bệnh binh) tập trung nuôi con, phát triển kinh tế gia đình, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó, cùng Nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Ông Nguyễn Hữu Vinh làm công tác thông tin, nhận điện đài trong những năm kháng chiến. Ảnh do nhân vật cung cấp

4. Đại tá công an Nguyễn Hữu Vinh công tác tại Công an Phú Yên nay đã về hưu, khi nhắc lại thời khắc lịch sử ngày giải phóng Phú Yên 1/4, bao kỷ niệm, hình ảnh lại ùa về.

Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, tuổi học trò ông đã làm giao liên đưa thư cho các chú cán bộ. Năm 1971 (lúc ông Vinh học lớp 9), do cơ sở bị lộ, đường dây liên lạc bí mật trong lòng địch không an toàn nên ông được cấp trên rút lên căn cứ cho đi học lớp thông tin vô tuyến điện đài để phục vụ cách mạng lâu dài. Sau khi được đào tạo tại Trường thông tin Vô tuyến điện đài Khu V, ông được phân về công tác tại K3 - Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên. Công việc của ông là giữ vững thông tin liên lạc, truyền đi những mệnh lệnh để phục vụ lãnh đạo, ban chỉ huy tiền phương. Ông cho hay, so với các lớp cha ông, sự khổ cực của mình chưa là gì, nhưng cả một quãng đời tuổi thơ sống trong làn bom, mũi đạn, tuổi thanh niên đã lên núi cùng lớp cha anh đi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên niềm vui giải phóng quê hương vô cùng lớn lao.

Từ cuối năm 1974, chiến dịch tổng tiến công toàn miền khởi đầu ở Tây Nguyên. Đầu năm 1975, khí thế bắt đầu rộn ràng, tin chỉ đạo từ trên xuống, tin báo cáo từ dưới lên liên tục, nhất là khi nhận được tin giải phóng Buôn Ma Thuột, khí thế bừng bừng. Ông Vinh nhớ lại: Chuẩn bị cho trận đánh giải phóng Phú Yên, những ngày trước đó, có rất nhiều mũi công tác từ căn cứ của tỉnh rải về các địa phương. Tôi được phân công cùng tổ với anh Đặng Đình Long và một số anh chị làm cơ yếu, vệ binh về Sông Cầu. Theo đà tiến công giải phóng của quân ta từ ngoài vô, từ trên xuống, Sông Cầu giải phóng ngày 31/3. Bộ đội từ các hướng tiến vào, hành quân suốt đêm ngày.

Ngày giải phóng, khí thế bừng bừng. Quân giải phóng thì mũ tai bèo, bộ đội chính quy thì mũ cối sao vàng, chạy dòng chữ “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả vì miền Nam”, “tất cả vì giải phóng miền Nam”. Người dân tràn ra đường chào đón bộ đội, ăn mừng chiến thắng...

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/297036/ven-nguyen-tu-hao-trong-ngay-giai-phong.html