Venezuela lần đầu đưa dầu trở lại châu Âu sau 2 năm bị Mỹ trừng phạt

Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, một lô hàng 650.000 thùng dầu của Venezuela do Eni của Italia (ENI.MI) thuê sắp ra khơi, đánh dấu chuyến xuất khẩu dầu thô đầu tiên từ quốc gia bị Mỹ trừng phạt sang châu Âu sau 2 năm.

 Sau 2 năm bị trừng phạt, Venezuela lại đưa dầu tới châu Âu để trả nợ.

Sau 2 năm bị trừng phạt, Venezuela lại đưa dầu tới châu Âu để trả nợ.

Trước đó, Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thư cho công ty dầu mỏ Italia là Eni SpA và Repsol SA của Tây Ban Nha (REP.MC) vào tháng 5, cho phép các doanh nghiệp này tiếp tục mua dầu thô của Venezuela như một cách để giải quyết hàng tỷ USD nợ chưa thanh toán và cổ tức mà quốc gia thành viên OPEC phải trả.

Thông qua việc cho phép Venezuela trả nợ bằng dầu, chính quyền Tổng thống Biden kỳ vọng dầu thô của Caracas có thể giúp châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga và chuyển hướng một số hàng hóa của Venezuela từ Trung Quốc.

Hai công ty năng lượng châu Âu, có liên doanh với công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA, sẽ được mua dầu thô Venezuela với điều kiện phải đảm bảo là dầu mỏ “phải được chuyển đến châu Âu, không được bán lại ở nơi khác”.

Theo Reuters, ngoài tàu chở 650.000 thùng được sắp ra khơi, Eni còn thuê tàu chở dầu thứ hai từ hãng vận tải dầu thô rất lớn (VLCC) Pantanassa, hiện đang được điều hướng tới Venezuela và dự kiến sẽ tải 2 triệu thùng dầu thô pha loãng (DCO), và đưa nó đến châu Âu.

Tàu Pantanassa, được gắn cờ Malta, dự kiến sẽ bốc hàng thông qua chuyển tàu từ tàu sang tàu gần cảng Amuay của Venezuela.

Theo nhiều nguồn tin, số hàng gần 3 triệu thùng dầu dự kiến sẽ được giao bởi PDVSA cho các tàu Eni thuê vào vào cuối tháng 6, sau đó Eni có thể bán một phần dầu thô cho Repsol (REP.MC) của Tây Ban Nha để phục vụ cho các nhà máy lọc dầu Cartagena và Bilbao.

Trước thông tin này, cả Eni, Repsol và PDVSA đã không đưa ra câu trả lời.

Được biết, việc xuất khẩu dầu tháng 5 của Venezuela đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 19 tháng do các thay đổi hợp đồng do PDVSA thực thi để chuyển hầu hết các giao dịch bán giao ngay sang thanh toán trước, giảm rủi ro hàng hóa chưa thanh toán. Việc thay đổi không ảnh hưởng đến khách hàng theo hợp đồng hoán đổi của hợp đồng thanh toán nợ.

Mặt khác, từ giữa năm 2020, trong bối cảnh chiến dịch "gây áp lực tối đa" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cắt giảm xuất khẩu dầu của Venezuela, nhiều công ty dầu khí lớn tại châu Âu, châu Á và Mỹ như Chevron Corp (CVX.N) của Mỹ, Oil and Natural Gas Corp Ltd (ONGC) (ONGC.NS) của Ấn Độ và Maurel & Prom SA (MAUP.PA) của Pháp, đã ngừng việc “trả nợ bằng dầu” với Venezuela.

Quỳnh Anh

Theo Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/venezuela-lan-dau-dua-dau-tro-lai-chau-au-sau-2-nam-bi-my-trung-phat-20180504224269922.htm