Venezuela loay hoay với khủng hoảng

Là ngọn hải đăng trong đêm tối của chủ nghĩa tự do mới từ những năm 2000, giờ đây Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Những bất ổn ở Venezuela ban đầu ở phạm vi trong nước đã nhanh chóng lan ra phạm vi quốc tế sau các đòn trừng phạt của Mỹ, khiến cho việc tìm kiếm các giải pháp khắc phục những khó khăn của nước này ngày càng rơi vào bế tắc.

Giai đoạn ông Hugo Chavez chèo lái Venezuela (1999-2013) được đánh dấu bằng những thành công không thể phủ nhận, đặc biệt trong việc giảm tình trạng nghèo đói của đất nước. “Chủ nghĩa Chavez” cũng mang lại những kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực ít được mong đợi, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế. Khi ấy, GDP của Venezuela tăng gấp 5 lần từ năm 1999 đến 2014. Thành tựu này chắc chắn đã cho phép ông Chavez đạt được nhiều thành công trong bầu cử và giúp ông củng cố quyền lực chính trị.

Trong một bối cảnh như vậy, ông Chavez có điều kiện làm được nhiều điều cho đất nước. Trong khu vực, cuộc cách mạng Bolivar đã góp phần hiện thực hóa làn sóng đỏ, đưa các lực lượng tiến bộ - những người quyết tâm chấm dứt thân phận sân sau của Mỹ - lên nắm quyền thông qua bầu cử.

Tuy nhiên, sau khi ông Chavez qua đời ở tuổi 58, tháng 3-2013, quá trình chuyển giao chính trị đưa ông Nicolas Maduro lên nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống sớm vào ngày 14-4-2013 đã mở ra một giai đoạn mới.

Tổng thống Nicolas Maduro đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng của đất nước Venezuela.

Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng

Kể từ năm 2014, Venezuela trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, đã không chỉ gây ra một hình thái xã hội bi thảm, mà còn làm sâu sắc thêm sự phân cực chính trị đặc trưng của đất nước này từ 2 thập kỷ qua. Giữa chính phủ và phe đối lập đã tồn tại sự rạn nứt, cản trở sự vận hành của các thể chế kể từ năm 1999.

2018 là năm thứ 5 liên tiếp Venezuela rơi vào suy thoái kinh tế, với sự teo tóp GDP tới 18%, sau một sự sụt giảm từ 11% đến 14% vào năm 2017. Các số liệu của Chính phủ Venezuela đã xác nhận năm 2016 nước này sụt giảm GDP 16,5%. Từ năm 2014 đến năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Venezuela đã giảm ít nhất 30%, một sự sụt giảm tương đương với Mỹ sau đại khủng hoảng năm 1929.

Những nguyên nhân ban đầu của sự sụt giảm kinh tế được phát hiện kể từ năm 2014 đã rõ ràng. Vào tháng 6-2014, giá dầu quốc tế, chiếm 95% giá trị xuất khẩu của Venezuela, đạt mức đỉnh điểm trước khi sụp đổ, giảm từ 100 USD xuống 50 USD trong 6 tháng, và xuống 30 USD vào tháng 1-2016.

Bất chấp lạm phát ở mức cao, chính phủ của Tổng thống Maduro vẫn quyết định duy trì chính sách kiểm soát hối đoái thông qua việc áp đặt một sự ngang giá cố định của đồng tiền quốc gia, đồng bolivar, so với đồng USD. Điều này kích thích sự thèm muốn của một số người đầu cơ khi họ nhanh chóng nhận ra rằng cơ chế này cho phép họ mua một tài sản an toàn (đồng USD) với mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Bằng cách gây thất thoát vốn như vậy, chính sách tỷ giá hối đoái của Chính phủ Venezuela đã biến nước này thành một chiếc máy in tiền khổng lồ.

Cho đến năm 2014, dầu mỏ vẫn mang lại nguồn doanh thu dồi dào cho Venezuela. Nhưng giá trị hàng hóa nhập khẩu không ngừng gia tăng, vì nó thúc đẩy chiến lược tích lũy thường thấy của giới tư sản ở các nước dầu mỏ, bao gồm việc chuyển dự trữ dầu thành đồng USD, sử dụng đồng USD để tăng cường sức mạnh đồng tiền quốc gia, và tăng doanh thu của khu vực nhập khẩu. Và giá dầu bắt đầu có nhiều biến động.

Nhà nước Venezuela đã quyết định tài trợ thâm hụt ngân sách bằng cách sử dụng máy in tiền, giảm nhập khẩu bằng cách hạn chế bán USD trên thị trường chính thức. Quyết định kép này đánh dấu sự khởi đầu của những thiếu hụt và thả nổi xu hướng lạm phát khiến chúng sớm nằm ngoài tầm kiểm soát. Với việc tăng nguồn cung tiền (lượng tiền mặt lưu hành), trong khi số lượng hàng hóa và dịch vụ giảm, giá cả leo thang là điều không thể tránh khỏi.

Điều này đã dẫn đến các đơn vị nhập khẩu trong nước tìm kiếm đồng USD, đẩy giá của đồng tiền này lên cao ở thị trường chợ đen. Ngay sau đó, giá chợ đen của đồng USD đã trở thành cơ sở tham chiếu để ấn định giá cả hàng hóa và dịch vụ ở Venezuela. Sự tăng giá đã nhanh chóng khiến tiền lương và ngân sách công trở nên mất giá. Chính phủ lại nỗ lực trợ giá nhằm thúc đẩy sức mua và tăng thêm lượng tiền lưu thông. Từ năm 2014 đến 2017, nguồn cung tiền đã tăng 8.500%.

Kết quả là, mọi yếu tố hội tụ khiến cho nền kinh tế Venezuela rơi vào tình trạng siêu lạm phát. Không ngạc nhiên khi chỉ số giá tiêu dùng (một chỉ số đo lường phổ biến tình trạng lạm phát) đã tăng từ 300% trong năm 2016 lên 2.000% vào năm 2017. Theo ước tính, chỉ số này trong năm 2018 dao động từ 400% lên 1.300.000%(!) Như thế có nghĩa là, một tài sản được mua với giá 1.000 bolivar vào ngày 1-1 năm đó sẽ có giá 13.000.000 bolivar vào ngày 31-12 cùng năm!

Năm 2016 và 2017 cũng là thời hạn Venezuela phải hoàn trả các khoản nợ. Và có điều là, cho dù nguồn thu từ dầu mỏ rơi tự do và học thuyết Chavez tiếp tục được theo đuổi, chính phủ của ông Maduro vẫn tỏ ra tôn trọng nghiêm chỉnh các cam kết. Trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Maduro đã thông báo rằng từ năm 2014 đến 2017, Venezuela đã hoàn trả khoản nợ khổng lồ lên tới 71,7 tỷ USD.

Một lần nữa, chiến lược dùng áp đặt để giải quyết những khó khăn đã đặt ra nhiều câu hỏi, bởi nghĩa vụ hoàn trả các khoản nợ kéo theo xu hướng tiền tệ hóa các tài sản quốc gia, nói cách khác là mang chúng làm tài sản thế chấp, hay thậm chí bán chúng để có số tiền mà nhà nước cần.

Trong giai đoạn này, Venezuela lúc thì sử dụng vàng tiền tệ từ dự trữ quốc tế, lúc thì sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tại IMF khi họ không trực tiếp ký các hợp đồng vay nợ với các công ty dầu mỏ của các nước đồng minh, như Tập đoàn Dầu khí Nga Rosneft, bằng cách cam kết dành 49,9% cổ phần của Hãng lọc dầu Citgo có trụ sở tại Mỹ.

Tháng 9-2016, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petroleos de Venezuela SA (PDVSA) đã đề xuất với các chủ nợ thực hiện trao đổi trái phiếu nhằm kéo dài thời gian đáo hạn các chứng khoán thêm 3 năm (năm 2020 thay vì 2017), cho phép họ nắm giữ 50,1% số vốn của Citgo. Tuy nhiên, điều này có thể khiến PDVSA mất quyền kiểm sát Citgo nếu Venezuela không có khả năng trả nợ. Hoạt động tái tài trợ một phần này, chỉ xảy ra dưới thời của Tổng thống Maduro, về cơ bản chỉ thu hút các quỹ đầu cơ mà thôi.

Sự can thiệp của các nước lớn

Sau khi Chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Chính phủ Venezuela và PDVSA vào tháng 8-2017, tháng 12-2017, Venezuela đã bắt đầu không giữ cam kết khi không trả, hay chậm trả tiền lãi một số khoản nợ công. Tình trạng này lẽ ra không quá nghiêm trọng nếu sản lượng dầu không sụt giảm từ gần 3 triệu thùng/ngày vào năm 2014 xuống còn dưới 1,5 triệu thùng vào năm 2018, đẩy Venezuela vào giữa một vòng xoáy nguy hiểm. Sản lượng sụt giảm do thiếu nguồn vốn sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư nhưng nó sẽ làm giảm doanh thu của Venezuela và ảnh hưởng đến các triển vọng sản xuất dầu.

Bị đẩy đến chân tường, chính phủ của ông Maduro đã lên án một cuộc “chiến tranh kinh tế” do tư bản tư nhân, quốc gia và quốc tế xúi giục. Việc lên án một thủ phạm có thể mang lại một lý do chính trị cho những khó khăn, nhưng không thể giúp Venezuela giải quyết những khó khăn đó.

Lạm phát khiến nền kinh tế Venezuela điêu đứng.

Và thực tế là, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã cho phép phe cánh hữu ở Venezuela giành được 2/3 số ghế quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2015.

Nhận thấy lạm phát bắt nguồn từ việc cố tình gây ra tình trạng thiếu hụt bằng cách giảm lượng hàng hóa được cung ứng hay tăng giá các sản phẩm, Chính phủ Venezuela đã tập trung mọi nỗ lực để kiểm soát giá cả. Thậm chí một sắc luật về “giá đúng” đã giới hạn lợi nhuận ở mức 30% đối với những đối tượng tham gia chuỗi sản xuất và phân phối. Cách tiếp cận như vậy đã bỏ qua thực tế là lạm phát phụ thuộc vào các cơ chế xã hội - vĩ mô mà việc kiểm soát chúng rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, chừng nào các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản gây ra sự tăng giá chưa được điều chỉnh.

Khi lạm phát xảy ra, sự lo sợ đã làm nảy sinh tâm trạng bất an, khiến mọi người có tâm lý mong muốn tự bảo vệ trước sự gia tăng về giá và do vậy càng đẩy giá lên cao. Một logic nguy hại là giá cả không dựa vào chi phí sản xuất, mà dựa vào nhận định rằng mức giá bao nhiêu là cần thiết để tiếp tục sản xuất sản phẩm trong tương lai, hay để duy trì sức mua trong bối cảnh siêu lạm phát.

Các doanh nghiệp và nhà công nghiệp lớn Venezuela chắc chắn góp phần thúc đẩy làn sóng đầu cơ nhằm duy trì lợi nhuận, cho dù điều này gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát của Venezuela không chỉ bắt nguồn từ việc tăng nguồn cung tiền tệ một cách bất hợp lý. Quyết định các định hướng kinh tế vĩ mô của một đất nước mà bỏ qua việc xem xét yếu tố kỹ thuật đôi khi dẫn đến thảm họa.

Và những nỗ lực

Và phải mãi đến khi ông Maduro tái đắc cử Tổng thống vào ngày 20-5-2018, Venezuela mới công bố kế hoạch cải cách kinh tế. Và phải đợi 3 tháng sau, tức ngày 17-8, nội dung của kế hoạch này mới được tiết lộ. Tổng thống Maduro đã thừa nhận rằng lạm phát có những nguyên nhân kinh tế vĩ mô và tuyên bố rằng từ nay nhà nước Venezuela áp đặt kỷ luật sắt, đề ra mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống bằng 0.

Với cam kết mở cửa kinh tế, Chính phủ Venezuela đã bãi bỏ luật về “các giao dịch ngoại hối bất hợp pháp”. Đồng thời, khả năng chuyển đổi tự do của “đồng bolivar chủ quyền” cũng được công bố, cho dù trên thực tế điều này không xảy ra do mức dự trữ ngoại hối ít ỏi của Venezuela. Các cá nhân và doanh nghiệp Venezuela từ nay có thể tự do trao đổi ngoại hối nhưng họ phải tôn trọng tỷ giá do ngân hàng trung ương ấn định, điều này đã làm xuất hiện trở lại một thị trường chợ đen, nơi đồng USD có tỷ giá cao hơn.

Mức lương tối thiểu thực tế, sau khi giảm từ 300 USD xuống còn gần 1 USD mỗi tháng trong 4 năm, đã tăng trở lại khoảng 30 USD mỗi tháng. Chính phủ Venezuela cũng thông báo từ nay mức lương được xác định dựa trên giá dầu với hy vọng duy trì sức mua. Nhưng các phương thức xác định tiền lương không minh bạch, và tiền lương mất giá 50% giá trị chỉ sau 2 tháng tăng. Do dự đoán được tác động mạnh mẽ của tiền lương đối với giá cả, Chính phủ Venezuela đã cam kết chi trả 3 tháng đầu tiên sau khi áp dụng mức tăng lương tối thiểu trong khu vực tư nhân.

Nhằm giúp người lao động có đủ khả năng trang trải cuộc sống, chính phủ trả thêm 10USD cho người dân có “Thẻ tổ quốc” - một loại thẻ căn cước do chính phủ quản lý và hiện đang được người dân mong muốn sở hữu để được hưởng các chương trình xã hội của chính phủ, như các giỏ thực phẩm giá rẻ chẳng hạn.

Để tăng nguồn thu cho đất nước, Chính phủ Venezuela cũng đã tăng thuế giá trị gia tăng lên 4 điểm và thực hiện các phương thức khác nhau để thu thuế doanh nghiệp triệt để hơn. Tuy nhiên, tình hình khó có thể được cải thiện nếu kinh tế Venezuela không tăng trưởng trở lại. Vả lại, cách làm này hoàn toàn mâu thuẫn với mục tiêu “đưa thâm hụt ngân sách về mức 0”. Quả thực, vào giữa tháng 9-2018, chưa đầy 1 tháng sau những tuyên bố của ông Maduro, cơ sở tiền tệ của Venezuela vẫn tăng ở mức 28% mỗi tuần.

Vượt ra khỏi cuộc tranh luận về tính nhất quán và sự hiệu quả của các biện pháp được công bố, câu hỏi cần đặt ra luôn là liệu một chương trình kinh tế có thể cho phép Venezuela hồi phục hay không? Làm thế nào để một quốc gia đã mất hơn một nửa sản lượng dầu mỏ và hơn 1/3 GDP trong vòng 5 năm có thể đảo ngược xu hướng, trong khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn luôn cản trở đất nước này tiếp cận các nguồn tài trợ quốc tế?

Rõ ràng, nền kinh tế Venezuela cần được định hướng lại một cách hợp lý và những xung đột chính trị cần phải được giải quyết. Việc tiến hành đối thoại nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về sự cùng tồn tại chính trị giữa chính phủ và phe đối lập sẽ là cách đơn giản nhất và thực dụng nhất nhằm tránh cho Venezuela khỏi rơi xuống vực thẳm. Thay vì kích động chia rẽ, cộng đồng quốc tế, trong đó rất quan trọng là các quốc gia liên quan và có ảnh hưởng đáng kể, nên tập trung mọi nỗ lực theo hướng này.

Thao Nguyên (theo Le monde diplomatique)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/venezuela-loay-hoay-voi-khung-hoang-525170/