Venezuela: Ông Trump gia cố chân quyền lực cho Manduro

Với người dân Venezuela lúc này, cuộc sống của họ khốn khổ hơn là vì Mỹ chứ không còn do Maduro nữa - Trump gia cố chân quyền lực thứ nhất cho Maduro...

Mỹ siết trừng phạt Venezuela - cảnh báo Mexico và Iran

Ngày 18/6, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các pháp nhân và cá nhân có cơ sở hoạt động ở Mexico vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Venezuela, theo Sputnik.

Động thái của Washington không chỉ nhằm siết chặt vòng vây quanh chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, mà còn là lời cảnh báo gửi tới Mexico và các thực thể khác muốn cứu Caracas.

Bởi trước đó, ngày 15/6, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết nước này sẵn sàng vận chuyển xăng dầu đến Venezuela nếu được yêu cầu, bất chấp áp lực trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Mỹ Latinh này.

"Nếu có yêu cầu từ Venezuela và nhu cầu về cầu nhân đạo, chúng tôi sẽ hành động. Mexico là một quốc gia tự do và độc lập, nên có thể tự đưa ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình".

Tàu chở dầu Iran cập cảng Venezuela

Tàu chở dầu Iran cập cảng Venezuela

Nhà lãnh đạo Mexico còn nhấn mạnh rằng : "Không ai có quyền đàn áp người khác. Không có quốc gia nào có quyền bá chủ để bóp nghẹt các quốc gia khác. Các dân tộc đều có quyền tự quyết".

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố lệnh trừng phạt các thực thể ở Mexico, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela, ông Jorge Arreaza đã kêu gọi LHQ cần đáp trả các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ đơn phương áp đặt đối với Venezuela.

"Washington tiếp tục thu hẹp vòng vây quanh Venezuela. Họ biết rằng làm như thế thì chúng tôi không thể xuất khẩu dầu, còn người dân Venezuela thì không có lương thực, thực phẩm, thuốc men và xăng dầu.

Hệ thống đa cực của LHQ cần phải có đáp trả đối với hành động phi lý và vô nhân đạo này. Chúng tôi sẽ đưa vụ việc này ra Tòa án Hình sự Quốc tế", ông Arreaza viết trên trang Twitter cá nhân.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 4 tàu chở dầu của Panama, Bahamas và Quần đảo Marshall về các hoạt động được cho là liên kết với ngành công nghiệp dầu lửa Venezuela.

Thậm chí chính quyền Tổng thống Trump còn được cho là đang chuẩn bị áp trừng phạt đối với khoảng 50 tàu chở dầu, động thái được nhìn nhận là một phần trong nỗ lực để ngăn chặn trao đổi hàng hóa giữa Iran và Venezuela, theo Bloomberg.

Caracas đã chỉ trích kịch liệt và luôn xem các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ là bất hợp pháp. Vào tháng 2, Caracas đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hình sự Quốc tế về việc các hành động bất hợp pháp của Mỹ đối với Venezuela.

Washington tiếp tục sai lầm khi sửa sai bằng hành động vô nhân đạo

Còn nhớ, ngày 4/2, trong Thông điệp Liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa vấn đề Venezuela vào một phần của nội dung văn kiện chính trị quan trọng này.

Ngoài khẳng định Tổng thống Nicolas Maduro là nhà lãnh đạo bất hợp pháp và thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là Tổng thống hợp pháp của Venezuela, vị tổng thống doanh nhân còn mời nhà chính trị trẻ tuổi trực tiếp ngồi nghe ông đọc Thông điệp Liên bang.

"Mỹ đang dẫn dắt một liên minh ngoại giao gồm 59 quốc gia chống lại Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ông ta là lãnh đạo bất hợp pháp và ngược đãi nhân dân. Chính quyền của Maduro sẽ tan vỡ.

Có mặt tại đây tối nay là một người đàn ông mang theo hy vọng, ước mơ và khát khao của toàn thể người dân Venezuela. Tổng thống thực sự và hợp pháp của Venezuela, Juan Guaido, đang ở cùng chúng ta.

Ngài Tổng thống, xin hãy đưa thông điệp này trở về quê hương. Tất cả người Mỹ đều đoàn kết với nhân dân Venezuela trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ vì tự do. Hãy luôn nhớ rằng sự tự do giúp kết nối tâm hồn".

Một cách sửa sai khiến Mỹ thêm thất thế

Với lời lẽ trong Thông điệp Liên bang cùng hành động mời Guaido dự khán và trực tiếp nghe đọc Thông điệp Liên bang với những nhà lập pháp Mỹ, Tổng thống Trump đã chính thức can thiệp trực tiếp vào tình hình nội trị của Venezuela.

Điều này cho thấy Washington rất bế tắc trong ván cờ Venezuela, sau khi có nhiều hành động cứng rắn thể hiện nỗ lực lật đổ chính quyền Venezuela và quyết phế truất Nicolas Maduro, nhưng không thành công.

Việc Mỹ không thể thành công trong nước cờ của mình ở Venezuela là xuất phát từ vị thế của "kẻ lấp ló bên cánh gà", mà nguyên nhân là do chính quyền Trump vội vã công nhận Juan Guaido, ngay sau khi nhà chính trị trẻ tuổi "tự xưng vương".

Vì sau khi chính quyền Trump công nhận Guaido thì Liên Hợp Quốc đã khẳng định chính quyền Tổng thống Maduro là chính quyền duy nhất và hợp hiến, đại diện cho chủ quyền quốc gia của Venezuela.

Khẳng định của LHQ giúp cho chính quyền Caracas và Tổng thống Maduro được gia cố thêm các chân kiềng quyền lực, đẩy Guaido vào thế bất lợi và đưa Mỹ vào vị thế kẻ lấp ló bên cánh gà.

Tệ hại hơn, dựa vào tính hợp hiến của chính quyền Maduro, Tổng thống Putin đã cho thực hiện Thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Nga với Venezuela, qua đó đầy Mỹ ra xa hơn sân khấu chính trị Venezuela.

Nếu Trump không vội công nhận Guaido, mà sau khi chính trị gia trẻ tuổi "tự xưng vương", Washington thúc đẩy kênh đối thoại Maduro-Guaido thì mọi mưu đồ Mỹ sẽ dễ dàng thực hiện "như trở bàn tay". Song mọi việc không thể đảo ngược.

Trong bối cảnh ấy, Washington đã phải lên kịch bản "bắt cọp lớn Maduro", làm giảm vai trò của Moscow, từ đó tạo điều kiện cho "cọp con Guaido" có thể làm "chúa tể sơn lâm" ở quê hương của những hoa hậu thế giới.

Từ việc Mỹ tuyên bố Maduro vi hiến đến việc các thực thể a dua cáo buộc Maduro nuôi dưỡng khủng bố, bao che tội phạm ma túy, biến Venezuela thành thiên đường khủng bố... đều nhằm kiếm cớ hợp pháp cho Mỹ vào hang bắt "cọp lớn Maduro".

Trong kế hoạc bắt cọp, White House được sự phối hợp nhuần nhuyễn của Capitol Hill, mà mục đích là để không những loại bỏ được "cọp lớn Maduro", mà còn "trói tay Putin" để tạo cơ hội tốt nhất cho "cọp con Guaido diễu võ và dương oai".

Tuy nhiên, cho đến nay nước cờ của Mỹ vẫn không sáng hơn, thậm chí còn mờ đí khi các đối tác chiến lược của Venezuela - ngoài Nga và Trung Quốc là Iran, Mexico - đã có các nước đi phá thế cờ của Mỹ, đặc biệt là việc Iran cung cấp dầu cho Venezuela.

Sửa sai không chuẩn xác, Trump gia cố chân kiềng quyền lực cho Maduro

Với thực tế nguy hại đó, Washington đã phải thực hiện việc sửa sai. Trong kế hoạch sửa sai của Washington, thì gia tăng trừng phạt trực tiếp Venezuela và các thực thể bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela.

Nhưng trong trường hợp này càng sửa sai thì Washington càng sai lầm hơn, vì trừng phạt của Mỹ sẽ khiến cuộc sống người dân Venezuela càng bi đát. Vậy là lời nói của Trump thể hiện nhân đạo với người dân Venezuela nhưng hành động thì vô nhân đạo.

Rõ ràng, lúc này với người dân Venezuela, cuộc sống của họ khốn khổ hơn là do Mỹ chứ không còn là Maduro nữa và việc viện trợ nhân đạo trước đây của Mỹ dành cho người dân Venezuela - bị chính quyền Venezuela chặn lại - chỉ là chiêu trò chính trị.

Thế là với việc sửa chữa sai lầm, chính quyền Trump vô hình trung giúp gia cố chân kềng quyền lực thứ nhất cho Tổng thống Maduro. Như vậy, vị tổng thống doanh nhân và các cộng sự vẫn chưa tìm ra kế sách tốt nhất giúp thoát khỏi thế bế tắc trong ván cờ Venezuela.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/venezuela-ong-trump-gia-co-chan-quyen-luc-cho-manduro-3409060/