Venezuela vật vã dưới sóng lạm phát

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23-7 dự báo lạm phát theo năm của Venezuela có thể lên mức một triệu phần trăm trong năm nay, đồng thời so sánh tình hình mà quốc gia Nam Mỹ này đang trải qua tương tự như tình trạng kinh tế của Đức năm 1923 và Zimbabwe năm 2000.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã bước sang năm thứ 5 khiến nhiều người dân nước này phải vật lộn để tìm thức ăn và thuốc men, hàng đoàn người dân đã từng rất thịnh vượng này đã phải chạy sang các nước láng giềng như Colombia và Brazil để tìm cơ hội sống sót.

Người dân Venezuela phải đối mặt với việc thiếu hụt điện, nước sinh hoạt, điều kiện chăm sóc y tế yếu kém và tỷ lệ tội phạm cao, IMF cho hay. IMF ước tính nền kinh tế của Venezuela có thể suy giảm 18% trong năm nay, tăng so với mức suy giảm 15% được dự đoán vào tháng 4. Đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp kinh tế nước này suy giảm 2 con số, IMF cho biết.

Thuật “sống sót” của người dân

Mặc dù xét theo khía cạnh kinh tế, Venezuela đang chìm trong khủng hoảng nhưng người dân nước này vẫn sống sót sau chuỗi ngày dài lạm phát tăng phi mã. Phải chăng, đã đến lúc người dân thế giới nhìn nhận lại cách mà người Venezuela đương đầu với khủng hoảng thay vì than vãn cho sự nghèo khổ của họ?

Nếu bạn hỏi bất kỳ chuyên gia tài chính nào về việc đa dạng hóa đầu tư, chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ được nhắc tới, trong khi các mặt hàng như trứng, sữa chỉ đáng giá nhu yếu phẩm không đáng nhắc tới. Trớ trêu thay, khi khủng hoảng xảy ra tại Venezuela với hàng chục nghìn phần trăm lạm phát mỗi tháng, những nhu yếu phẩm không đáng tiền trong mắt các chuyên gia tài chính này lại trở thành tài sản có giá trị nhất.

Câu trả lời ở đây đã vô cùng rõ ràng. Trong thời kỳ nhạy cảm với khả năng khủng hoảng cao, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nên để tiền ở những nơi mà lạm phát khó lòng tác động.

Tại Venezuela, nhiều chuyên gia thậm chí đã ví von thị trường này có "nền kinh tế trứng" (Egg Economy) bởi người dân giờ đây thích trao đổi hàng hóa bằng trứng hơn là tiền mặt. Nguyên nhân rất đơn giản, việc mang 12 quả trứng dễ dàng hơn vác hàng kilôgam tiền mặt do mất giá. Hơn nữa mặt hàng thực phẩm chứa nhiều protein, có thể để lâu như trứng cũng rất được ưa chuộng tại nền kinh tế đang thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng này.

Một bài học nữa mà người Venezuela dạy cho cả thế giới là khủng hoảng có thể đến bất kỳ lúc nào và các quyết định tưởng như hợp lý thời bình sẽ chẳng còn tác dụng, bởi vậy không nên giữ tiền mặt quá lâu mà hãy luân chuyển chúng nhanh nhất có thể.

Việc đầu tư hoặc giữ chúng trong những tài sản cố định như xe hơi, bất động sản, vàng bạc, tác phẩm nghệ thuật… chẳng đem lại nhiều tác dụng khi khủng hoảng bùng phát. Tất nhiên những tài sản kia vẫn còn giá trị, thậm chí vẫn có lời nếu khủng hoảng nhẹ.

Tuy nhiên ở Venezuela, khi người dân phải rời bỏ quê hương vì quá đói kém, thiếu lương thực, dược phẩm thì giá trị của xe hơi, nhà cửa cũng sẽ mất theo.

Tổng thống Venezuela Maduro tuyên bố sẽ đổi tiền vào ngày 20-8 tới đây.

Phải nói rằng người dân Venezuela đã được chuẩn bị trước cho các cuộc khủng hoảng khi nền kinh tế này từng chịu cảnh siêu lạm phát vào thập niên 80 và 90 thế kỷ trước. Việc nền kinh tế thường xuyên rung động trước các biến cố địa chính trị khiến người dân nước này biết phải làm gì khi đồng tiền mất giá. Đây là lý do khiến đa phần tầng lớp trung lưu gửi tiền bằng USD tại các ngân hàng nước ngoài.

Khi khủng hoảng xảy ra, khó khăn duy nhất mà những người có tiền vốn tại nước ngoài gặp phải là sự giới hạn thanh khoản của chính phủ. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến phần lớn tầng lớp trung lưu nước này rời bỏ quê hương bởi họ khó lòng sử dụng nguồn tiền dự trữ của mình nếu vẫn ở trong nước.

Luôn phòng bị rủi ro

Nghiên cứu của chuyên gia Steve Hanke thuộc Trường đại học Hopkins University cho thấy từ năm 1790 đến nay, khủng hoảng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và với mọi loại nguyên nhân. Thông thường, sự yếu kém của hệ thống tài chính công sẽ dễ gây khủng hoảng nhất. Bởi vậy người dân và nhà đầu tư luôn nên dự phòng cho những tình huống xấu nhất như người Venezuela đã và đang làm.

Người Venezuela nay thích dùng trứng để mua bán hơn là dùng tiền.

Tình trạng siêu lạm phát tại Venezuela tạo nên một môi trường nghiên cứu kinh tế khá thú vị. Trong điều kiện bình thường, bất cứ khoản đầu tư, rủi ro hay hoạt động kinh tế nào dài hạn cũng tính bằng năm. Tuy nhiên với mức lạm phát phi mã như Venezuela, thời gian chỉ tính bằng tuần, thậm chí bằng ngày bởi giá tiền thay đổi vô cùng nhanh chóng. Với điều kiện như vậy, việc để tiền đứng yên là điều điên rồ và tất cả các khoản đầu tư dài hạn đều sẽ biến thành ngắn hạn.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia gồm Cristian Badarinza và John Campbell và Tarun Ramadorai cho thấy, người giàu chịu ít tác động từ khủng hoảng kinh tế hơn không phải chỉ bởi họ có nhiều tiền mà do cách họ đầu tư. Tầng lớp giàu có thường đa dạng hóa danh mục đầu tư, vay nợ thêm khi có thể để tận dụng vốn và liên tục đảo nợ nếu lãi suất thay đổi.

Nói một cách đơn giản, ngoài những khoản đầu tư dài hạn thông thường, người giàu luôn luân chuyển tiền và đầu tư ngắn hạn. Ngoài ra, họ còn bỏ tiền vào rất nhiều kênh và vô hình trung gián tiếp tạo thành lớp lá chắn trước các cuộc khủng hoảng.

Nhà nước sẽ đổi tiền

"Công cuộc đổi tiền sẽ bắt đầu vào ngày 20-8 tới đây", Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố trên truyền hình. Và ông cho biết sẽ loại bỏ 5 số 0 trên đồng Bolivar thay vì 3 số như dự kiến trước đó nhằm chống lại tình trạng siêu lạm phát có thể lên đến 1 triệu phần trăm như dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong năm nay.

Quốc gia xuất khẩu dầu nổi tiếng tại nước châu Mỹ này đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng kể từ khi giá dầu giảm mạnh vào năm 2014, khiến hệ thống trợ cấp xã hội đổ vỡ từ đó đến nay và thúc đẩy mức lạm phát phi mã. Số liệu cho thấy lạm phát tháng 6-2018 tại nước này đã lên đến 46.000%. Tổ chức IMF cho biết tỷ lệ lạm phát tại Venezuela có thể đạt 7 con số trong năm nay và ngang bằng với Zimbabwe trong cuộc khủng hoảng thập niên 2000 hoặc Đức vào những năm 1920.

Tổng thống Maduro tuyên bố đồng tiền mới sẽ được gắn liền với hệ thống tiền ảo được xây dựng bởi chính phủ mang tên "Petro". Nhiều chuyên gia cho rằng tính thanh khoản của đồng tiền ảo Petro này sẽ khá thấp do niềm tin vào chính phủ của Tổng thống Maduro đã giảm sút nghiêm trọng do khả năng quản lý yếu kém của nhà nước đối với hệ thống tiền tệ hiện nay.

Ngược lại, phía Tổng thống Maduro cho rằng Venezuela đang diễn ra một cuộc tấn công kinh tế dẫn đầu bởi các chính trị gia đối lập và được hậu thuẫn bởi Mỹ khi cường quốc kinh tế số 1 thế giới áp đạt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Chính phủ Venezuela.

Mức lạm phát khủng khiếp tại Venezuela hiện đã khiến người dân khó lòng sử dụng tiền do cần tới hàng bao tải và tính bằng kilôgam để mang vác chúng. Mức lương tối thiểu hàng tháng tại Venezuela hiện nay chỉ tương đương với 1 USD theo tỷ giá chợ đen, khiến người dân nước này không có đủ nhu yếu phẩm, dược phẩm cần thiết và đẩy nhiêùngười chạy nạn sang các nước khác.

Tháng 6-2018, Chính phủ Venezuela đã có kế hoạch cắt giảm 3 số 0 trên đồng nội tệ, thế nhưng kế hoạch phải tạm hoãn do hệ thống ngân hàng chưa sẵn sàng.

Cùng lúc với việc ban hành quyết định đổi tiền, Tổng thống Maduro cũng sửa chữa các quy định về tội phạm tiền tệ nhằm cải thiện dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Vinh Trang

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/venezuela-vat-va-duoi-song-lam-phat-506222/