Venice 'thất thủ' do triều cường, Italy ban bố tình trạng khẩn cấp

Triều cường dâng cao nhất trong hơn 50 năm tại Venice đã khiến chính phủ Italy ngày 14/11 phải ban bố sắc lệnh tình trạng thiên tai khẩn cấp.

Quyết định ban bố sắc lệnh tình trạng thiên tai khẩn cấp tại Venice là nhằm huy động nhanh nhất mọi nguồn lực có thể để ngăn chặn nguy cơ biến mất của một trong những thành phố xinh đẹp nhất thế giới, với nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng.

Triều cường dâng cao nhất trong hơn 50 năm tại Venice đã khiến chính phủ Italy ngày 14/11 phải ban bố sắc lệnh tình trạng thiên tai khẩn cấp. Ảnh: BBC

Triều cường dâng cao nhất trong hơn 50 năm tại Venice đã khiến chính phủ Italy ngày 14/11 phải ban bố sắc lệnh tình trạng thiên tai khẩn cấp. Ảnh: BBC

Sau khi đạt đỉnh 1,87m ngày 13/11, cao nhất trong 53 năm trở lại đây, sáng nay triều cường dù đã rút xuống dưới 1m, thấp hơn mức dự báo 1,2m đưa ra trước đó, song vẫn còn ở mức cao (77 cm). Đang có mặt tại Venice để chỉ đạo công tác khắc phục triều cường, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố, thảm họa tấn công Venice những ngày qua cũng là đòn giáng vào trái tim của đất nước.

“Thật đau lòng khi thấy thành phố bị hư hại, di sản nghệ thuật của thành phố bị xâm phạm và mọi hoạt động thương mại bị đình trệ. Chính phủ sẽ luôn đồng hành với các bạn, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Triều cường dâng cao nhất kể từ năm 1966 đã gây ra nhiều thiệt hại. Chúng tôi đã có một cuộc họp kỹ thuật để đánh giá hoạt động cứu hộ, can thiệp cũng như thảo luận về các biện pháp khắc phục. Chúng tôi sẽ liên tục theo dõi tình hình”, ông Giuseppe Conte nhấn mạnh.

Một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng khẩn cấp cũng diễn ra ngay trong ngày 14/11 để tuyên bố sắc lệnh tình trạng thiên tai khẩn cấp đối với khu vực Venice. Biện pháp sẽ trao cho chính phủ các quyền hạn và phương tiện đặc biệt để can thiệp nhanh chóng hơn.

Theo chính quyền Venice, triều cường từ hôm 12/11, kết hợp với gió mạnh và mưa đã nhấn chìm gần như toàn bộ thành phố (80%) trong nước. Đã có một người chết do điện giật. Đợt triều cường cao nhất trong hơn 50 năm qua này đã làm ngập các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và gây mất điện trên toàn thành phố.

Quảng trường Saint Mark bị ngập nước sâu hơn 1m, trong khi nhà thờ cổ gần đó đã trải qua lần ngập nước thứ 6 trong 1.200 năm, và là lần thứ 4 trong 20 năm qua. Hàng trăm khách du lịch phải bì bõm trong nước lũ, có nơi lên tận đầu gối để có thể trở về khách sạn. Trong khi đó tất cả các trường học trong thành phố tiếp tục phải đóng cửa.

Dự báo triều cường sẽ tiếp tục trong ngày mai, song sẽ thấp hơn mức đỉnh 1,87m của ngày 13/11. Đây là lần thứ 2 Venice chứng kiến triều cường dâng cao như vậy kể từ năm 1923 và vẫn thấp hơn so với 1,94m của năm 1966. Ngoài trung tâm lịch sử Venice, nhiều hòn đảo khác, trong đó có Lido, địa điểm diễn ra liên hoan phim, cũng chịu ảnh hưởng của lũ lụt.

Triều cường không phải là hiện tượng bất thường tại Venice, song dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng này đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn trong những năm qua. Chính phủ Italy đang đẩy nhanh siêu dự án đập chắn MOSE. Gồm 78 cổng cơ động, dự án giúp ngăn cách Venice với biển Adriatic khi thủy triều lên cao, giúp thành phố Italy thoát nguy cơ bị nước nhấn chìm. Theo Thủ tướng Giuseppe Conte, dự án đã hoàn thành 93% và dự kiến sẽ đi vào sử dụng vào mùa Xuân năm 2021./.

Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/venice-that-thu-do-trieu-cuong-italy-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-978585.vov