Vết gợn sau chiến thắng của U23 Việt Nam

Nếu không có sự tỏa sáng của bộ đôi tuyển thủ Quốc gia Hùng Dũng và Tiến Linh, chưa biết U23 Việt Nam sẽ giải quyết trận bán kết bế tắc với U23 Malaysia thế nào.

U23 Việt Nam đã vượt qua U23 Malaysia để lọt vào trận chung kết SEA Games thứ hai dưới thời HLV Park Hang Seo. Bàn thắng duy nhất của Tiến Linh mang đến niềm vui cho người hâm mộ, nhưng đằng sau cơn say chiến thắng là rất nhiều nỗi lo về cả lối chơi tập thể lẫn trình độ của từng cầu thủ.

Bế tắc

HLV Park Hang Seo nhấn mạnh yếu tố U23 Việt Nam cần củng cố trước trận bán kết là tính tổ chức trong lối chơi. Đội bóng của thầy Park bất bại cả 4 trận vòng bảng, ghi 6 bàn và không lọt lưới, nhưng thực tế không đẹp như những con số thống kê.

Video: U23 Việt Nam 1-0 U23 Malaysia

U23 Việt Nam thắng U23 Indonesia và U23 Myanmar nhờ màn tỏa sáng của cá nhân các cầu thủ quá tuổi như Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức, chơi bế tắc trước U23 Timor Leste khi không có nhóm đàn anh trong đội hình và bất lực toàn diện trước U23 Philippines - đội sau đó lọt lưới tới 6 bàn trước U23 Myanmar và U23 Indonesia.

Các đối thủ không cần chiến thuật phức tạp để ghìm chân U23 Việt Nam. Chỉ cần nhường quyền kiểm soát bóng ở tuyến giữa, rồi lùi về "đóng quân" thật dày ở vòng cấm là đủ để đội bóng áo đỏ loay hoay.

Trong 4 bàn ghi từ bóng sống của U23 Việt Nam từ đầu giải, phần lớn đến từ những tình huống đảo biên, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công chớp nhoáng. Tức là khi đối thủ dồn lên, hoặc có sai sót cá nhân trong phòng ngự, U23 Việt Nam sẽ tung đòn trừng phạt.

Còn nếu đối thủ giữ tốt cự ly đội hình, các học trò của HLV Park Hang Seo thường không biết làm gì với quả bóng trong chân.

Đây là vấn đề của tính tổ chức, khi các cầu thủ không tạo thành được các nhóm phối hợp. Trong trận gặp U23 Malaysia, điểm yếu này lại lộ rõ. Những pha phối hợp đập nhả trung lộ xuất hiện ít ỏi, chìm nghỉm giữa những quả tạt vu vơ từ hai biên. Khi các chân chạy cánh bị khóa, tuyến giữa U23 Việt Nam cũng thiếu ý tưởng dự phòng.

Hoàng Đức (số 14) là cầu thủ sáng tạo hiếm hoi của U23 Việt Nam.

Hoàng Đức (số 14) là cầu thủ sáng tạo hiếm hoi của U23 Việt Nam.

U23 Malaysia không phải đội mạnh ở kỷ luật phòng ngự, đây là điều chính HLV Brad Maloney ngầm thừa nhận khi nói học trò cần thêm kinh nghiệm. Nhưng chính lối đá có phần rối rắm, thiếu liền mạch của U23 Việt Nam đã giúp đối thủ đứng vững trong hơn 100 phút.

HLV Park Hang Seo có thể tự hào với năng lực phòng ngự ở mọi đội bóng mà ông dẫn dắt. Khi hàng thủ chơi chắc chắn, hàng tấn công chơi kém cả trận cũng không thành vấn đề, mà chỉ cần một khoảnh khắc để định đoạt trận đấu.

Song, giữ được ổn định trong phòng ngự là điều không đơn giản ở các giải trẻ. Trong trận chung kết, với áp lực cực lớn từ bốn phía khán đài sân Mỹ Đình, rủi ro sai lầm sẽ lớn hơn nhiều. U23 Việt Nam không thể dựa dẫm vào hàng thủ được mãi.

Giải pháp từ đâu?

Quả đá phạt của Hùng Dũng cho Tiến Linh đánh đầu ghi bàn phần nào hé lộ câu trả lời.

U22 Việt Nam từng vô địch SEA Games 30 với 11 lần phá lưới đối thủ từ những quả tạt bổng hoặc tình huống cố định. Ở trận chung kết với U22 Indonesia, cũng là Hùng Dũng đá phạt như đặt cho Văn Hậu đánh đầu ghi bàn. Tiến Linh cũng có duyên với không chiến, khi từng xé lưới chính U22 Thái Lan từ một quả tạt bổng cách đây 3 năm.

U23 Việt Nam cần khơi dậy sức mạnh của những pha bóng bổng, khi bóng sệt không còn là phương án hữu hiệu. Có những chân đá phạt chất lượng như Hùng Dũng, Hoàng Đức cùng những cầu thủ không chiến giỏi như Việt Anh, Thanh Bình, Tiến Linh,... các học trò của thầy Park đủ khả năng biến bóng bổng trở thành "bài tủ".

Một vấn đề nữa là cải thiện sức tấn công ở hai biên. Sau chấn thương của Văn Xuân, gần như chắc chắn U23 Việt Nam sẽ chơi với đôi cánh Tuấn Tài và Văn Đô. Cả hai từng gây thất vọng ở trận gặp U23 Timor Leste, bởi Văn Đô chưa đủ "sắc" trong tấn công, còn Tuấn Tài chỉ chạy biên và rê dắt thuần túy.

Chấn thương của Văn Xuân khiến HLV Park Hang Seo thêm đau đầu.

Hai biên U23 Việt Nam cần chơi tốc độ, đột biến và mạnh dạn xâm nhập vòng cấm hơn. Tình huống căng ngang của Văn Đô cho Tiến Linh dứt điểm ở hiệp 1 trận gặp U23 Malaysia là bài đánh cần được lặp lại, thay vì tạt bóng vô định như ở trận bán kết.

U23 Việt Nam gây thất vọng trước những đội "đổ bê tông", nhưng gặp đối thủ thích kiểm soát bóng và đẩy cao đội hình như U23 Thái Lan, đội bóng của thầy Park có thể được trở về với bản ngã phòng ngự phản công. Trong trận đấu cân não, đòi hỏi phải hạn chế sai lầm như chung kết, HLV Park Hang Seo luôn cho thấy sự cao tay.

Ông đã thắng 2 trận chung kết gần nhất và chỉ thua 1 trận trong 6 trận bán kết tính riêng tại SEA Games và AFF Cup. Trợ lý Lê Huy Khoa khẳng định thầy Park luôn "hay và may" ở những trận đấu loại trực tiếp. Khi các đội phải đá cầm chừng, toan tính và hướng tới mục tiêu không thua trước tiên, cách chơi thận trọng của U23 Việt Nam lại có đất phát huy tác dụng.

Nhưng trước khi chờ đợi cái duyên của HLV Park hang Seo hay sai lầm của đối thủ, U23 Việt Nam phải chiến thắng giới hạn của chính mình.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vet-gon-sau-chien-thang-cua-u23-viet-nam-ar677943.html