Vết thương vẫn còn hở miệng

Những tín hiệu xích lại gần nhau đã bắt đầu lóe lên. Song, liệu một thỏa thuận mang tính đột phá về đẩy nhanh lộ trình quá cảnh ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine qua lãnh thổ Ba Lan liệu có là đủ, để 'gương vỡ lại lành' giữa hai người láng giềng từng vô cùng khăng khít ấy?

Mở lại một con đường

“Từ ngày mai, ngũ cốc quá cảnh qua Litva đến các thị trường thế giới sẽ được kiểm tra tại cảng Litva chứ không phải ở biên giới Ba Lan - Ukraine”, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus tuyên bố với báo giới, ngày 3/10.

Theo hãng tin AFP, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Ba Lan, Ukraine và Litva, ngũ cốc Ukraine xuất khẩu tới các thị trường ở châu Phi và Trung Đông sẽ được vận chuyển trực tiếp qua Ba Lan, thay vì trước tiên phải qua kiểm tra tại biên giới Ba Lan - Ukraine.

Đây là kết quả cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Nông nghiệp 3 nước, trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng về các vấn đề liên quan đến ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine qua lãnh thổ của “những người hàng xóm Đông Âu”, tiêu biểu là Ba Lan - điều thậm chí từng bị giới truyền thông quốc tế gọi là “cuộc chiến ngũ cốc” trong những ngày qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau không đến dự hội nghị tại Ukraine.

Một cách ngắn gọn, sau khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực hồi tháng 7/2023, ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine dự kiến được vận chuyển thông qua Liên minh châu Âu (EU) đến châu Phi và Trung Đông.

Tuy nhiên, do các vấn đề hậu cần, ngũ cốc ứ đọng tại Trung Âu và ảnh hưởng đến thị trường một số nước khiến EU hạn chế nhập khẩu một số loại lương thực từ Ukraine vào 5 quốc gia thành viên, gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria. Các nước này cho biết ngũ cốc giá rẻ, được miễn thuế từ Ukraine "đổ bộ" đang khiến sản phẩm sản xuất trong nước mất giá, gây ảnh hưởng tới nông dân địa phương và nền kinh tế.

Sau đó, dù EU đã dỡ bỏ lệnh hạn chế tạm thời này, Ba Lan cùng Hungary và Slovakia vẫn đơn phương gia hạn lệnh cấm, dẫn đến căng thẳng leo thang giữa các quốc gia láng giềng ấy. Trong khi đó, xuất khẩu ngũ cốc là vấn đề sống còn đối với Ukraine. Vào năm 2021, nghĩa là trước khi xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng nổ, Ukraine đã xuất đi lượng nông sản giá trị khoảng 27 tỷ USD, chiếm một nửa giá trị xuất khẩu của nước này. Năm 2022, khoảng 60% lượng ngũ cốc của Ukraine đã được trung chuyển qua 5 quốc gia Đông Âu nêu trên theo "hành lang đoàn kết", thay thế cho tuyến trung chuyển qua Biển Đen gặp nhiều trở ngại. Bởi vậy, Ukraine đã gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Động thái này tạo những rạn nứt vô cùng sâu sắc, trong mối quan hệ song phương Ba Lan - Ukraine. Thời điểm tuyên bố gia hạn lệnh cấm, Warsaw thẳng thừng: “Chúng ta vẫn sẽ làm những điều này, vì quyền lợi của những người nông dân Ba Lan, cho dù họ (EU) có phản đối”.

Và, đến tận ngày 27/9, khi thông báo rằng Ba Lan “vẫn để ngỏ ý kiến đối với đề xuất của Ukraine về hệ thống cấp phép nhập khẩu ngũ cốc”, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus vẫn khuyến nghị Kyiv hãy rút đơn khiếu nại ở WTO.

Bằng mặt, nhưng chưa thể bằng lòng

Động thái tạo điều kiện “thông quan” cho ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine này được xem là viên gạch đầu tiên trên con đường làm nồng ấm lại mối quan hệ song phương giữa hai nước. Tuy nhiên, vẫn còn là cả một chặng đường rất dài và không hề bằng phẳng.

Ngày 2/10, Bộ trưởng Ngoại giao của toàn thể các nước thành viên EU đã tề tựu tại Kyiv, để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga và công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, dẫn đầu phái đoàn Ba Lan lại là Thứ trưởng Ngoại giao Wojciech Gerwel, chứ không phải Bộ trưởng Zbigniew Rau. Theo ông Zbigniew Rau, cuộc họp thượng đỉnh ở Kyiv là thực sự quan trọng, nhưng ông vắng mặt vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do sức khỏe. Tuy nhiên, "trên hết, nó xuất phát từ thực tế là trong chính trị, cũng như song phương, chúng ta có những giai đoạn bùng nổ và sụp đổ mối quan hệ giữa các quốc gia", ông nói thẳng và thậm chí là vô cùng thẳng thắn: “Hiện tại, liên quan đến mối quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine, chúng tôi đang bước vào thời kỳ suy thoái. Sự vắng mặt của tôi một phần là biểu hiện của thực tế này”.

Dư âm của thông điệp lạnh lùng ấy được nối dài và khắc sâu thêm, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan nhấn mạnh: Những vấn đề xoay quanh nông sản xuất khẩu của Ukraine vốn chỉ là tranh cãi trong một lĩnh vực nhỏ, nhưng phía Kyiv đã đưa nó ra các cấp quốc tế, thậm chí là hiện diện trong bài phát biểu của Tổng thống Ukraine trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Trong bài phát biểu ấy, như cách cảm nhận từ cử tọa, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ám chỉ rằng Ba Lan và một số nước EU khác, trên thực tế đã ủng hộ Nga, khi nỗ lực bảo vệ thị trường của họ. Do đó, nó đã làm "lung lay niềm tin" của công chúng Ba Lan đối với chính sách hiện tại của Chính phủ Ukraine về Ba Lan.

Điều này gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Ba Lan, dẫn đến việc Đại sứ Ukraine bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Ba Lan và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo Tổng thống Ukraine "không được xúc phạm người dân Ba Lan".

Một cánh đồng lúa mỳ đang thu hoạch ở Kharkiv, Ukraine.

Những nhận xét của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau nhắc tất cả giới quan sát quốc tế nhớ lại rằng gần đây, phía Ba Lan, một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất, bằng cả tuyên ngôn lẫn hành động, đã phải nhắc nhở “ý nhị” rằng Kyiv nên “bày tỏ lòng biết ơn một cách đầy đủ và thường xuyên hơn”. Đó không chỉ là một vết rạn nữa. Đó, từ lâu, đã là một lời cảnh tỉnh, rằng bất cứ ai cũng có những lợi ích cần được tôn trọng, trong bất cứ mối quan hệ nào. Những lợi ích của Ba Lan, đúng ra, lại càng phải được Ukraine cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt ra những đòi hỏi, trong bối cảnh một cuộc bầu cử đã cận kề.

Song, đến ngày 29/9, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Thương mại Ukraine, Taras Kachka, vẫn khẳng định: Việc Ukraine đệ đơn kiện lên WTO là bước đi phù hợp. Ông nhấn mạnh: Cả Ba Lan, Hungary và Slovakia đều không có quyền áp đặt các hạn chế đơn phương đối với hàng hóa Ukraine và cho rằng các lệnh hạn chế như vậy là bất hợp pháp và không thỏa đáng. Do đó, chỉ khi 3 nước đảm bảo không có những hạn chế như vậy trong tương lai, Kiev mới tuyên bố rằng tranh chấp đã được giải quyết, để rút đơn khiếu nại.

Nghĩa là, cách tiếp cận vấn đề cũng như quan điểm, lập trường của hai phía vẫn còn ở rất xa nhau.

Được và mất

Trong một cái nhìn toàn cảnh, các nhà phân tích quốc tế có thể nói rằng ít nhiều, với việc chấp nhận bỏ kiểm soát hải quan ở biên giới của mình đối với ngũ cốc Ukraine quá cảnh, xem như Ba Lan cũng đã ít nhiều phải nhượng bộ.

Tuy vậy, “sau những sự việc đã xảy ra, chuyện đưa mối quan hệ ngoại giao quay trở lại trạng thái ban đầu sẽ đòi hỏi những nỗ lực to lớn” - Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan đánh giá. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với đài Polsat hôm 2/10, ông Zbigniew Rau nhấn mạnh rằng Warsaw đang thực hiện tất cả các nghĩa vụ “quân sự và chính trị” đối với Kiev - bao gồm cả những nghĩa vụ mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) yêu cầu. Ông cũng nói thêm: Ba Lan không đòi hỏi Ukraine phải làm gì, nhưng mong đợi nhận được sự tôn trọng đáp lại.

Không thể khác, những “ý tứ” này đưa người nghe liên tưởng đến một câu chuyện cũng đang nóng hổi: Ngày 30/9, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ tin tưởng rằng Ba Lan và Ukraine sẽ giải quyết những khác biệt và Ba Lan sẽ duy trì nguồn cung cấp khí tài quân sự cho người hàng xóm phía Đông của mình. Vấn đề là từ đầu tháng 9/2023, sau những mâu thuẫn về vấn đề ngũ cốc, Ba Lan đã tuyên bố sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Lật ngược lại quyết định này là điều hoàn toàn không dễ dàng, nhất là trước cuộc bầu cử quan trọng. Hơn thế, nếu xảy ra, nó còn phải phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử từ Kyiv mà Warsaw mong muốn nhận được.

Như vậy, ở phía cuối của những vết rạn, vẫn lờ mờ các nguy cơ đứt gãy, nằm ngay trong tư duy chiến lược đối ngoại của Kyiv. Cho dù, như CNN đưa tin, ngày 2/10, Ukraine đã nhận được lô xe tăng Leopard tân trang đầu tiên từ Warsaw - những chiếc xe tăng gặp các vấn đề hỏng hóc nghiêm trọng và được Tập đoàn Vũ khí Ba Lan (PGZ) sửa chữa, để trở thành nguồn sinh lực mà quân đội Ukraine khó có thể đòi hỏi gì nhiều hơn, trong bối cảnh hiện tại...

Thiên Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/vet-thuong-van-con-ho-mieng-i709820/