VFF và VPF phục vụ cho ai?

Người Việt yêu bóng đá là điều không thể bàn cãi nhưng nhiều năm qua phải chứng kiến một nền bóng đá tồn tại quá nhiều vấn đề tranh cãi, điển hình như chuyện một ông chủ liên quan nhiều đội bóng.

Từ cuộc chiến của bầu Đức trước VPF và VFF

Ngày 17/3, bầu Đức “nổ phát pháo” có thể gọi chấn động dư luận cả nước với bài phỏng vấn trên Saostar: “Không dẹp được Mafia thao túng, tôi thề bỏ bóng đá ngay”.

Bầu Đức tuyên bố: “Tôi nói sòng phẳng trong cuộc họp ban chấp hành chứ không phải bây giờ mới phát biểu với báo chí. Bóng đá Việt Nam “từ chết đến bị thương” vì bị thao túng rồi.

Phải chăng trong bóng đá có Mafia à? Điều đó sẽ không tồn tại được với chúng tôi về lâu dài, không bao giờ để Mafia lọt chân vào Liên đoàn bóng đá và môn bóng đá”.

Bầu Đức tuyên chiến với VFF và VPF trong hơn 1 tháng qua.

Không chỉ nói về VPF, bầu Đức còn đăng đàn nêu ra những cái sai của VFF. Tựu trung, những phát biểu của ông Đức, VFF là một tổ chức thiếu minh bạch, bị “bịt mắt”, bị cầm trịch bởi một nhóm người.

Đến ngày 25/3, phó Chủ tịch VFF - Nguyễn Xuân Gụ tiếp tục khiến cho dư luận “té ngửa” với bài phỏng vấn trên Saostar: “Bầu Đức và tôi bị cô lập ở VFF”. Ông Gụ xác nhận: “Những thông tin bầu Đức nói là chính xác, không có cái gì sai cả.Tôi khẳng định không có gì sai”.

Đáng buồn là đến bây giờ, những người có trách nhiệm vẫn chưa có một câu trả lời cụ thể cho dư luận cả nước về chuyện hai vị phó Chủ tịch VFF đăng đàn nói ra nói cái sai của VPF và VFF.

Câu trả lời gần nhất đến từ Tổng cục trưởng Cục TDTT - Vương Bích Thắng nhận xét VFF không có chuyện bè nhóm và xoa dịu dư luận: “Tôi cho rằng những vấn đề bầu Đức đặt ra khá thẳng thắn và tâm huyết với bóng đá Việt Nam“.

Ông Vương Bích Thắng không giải đáp được những khúc mắc của bầu Đức.

Nếu bầu Đức nói “thẳng thắn và tấm huyết” thì tại sao Tổng cục TDTT lại không làm rõ ngọn ngành mọi chuyện? Chẳng lẽ ông Vương Bích Thắng “bao biện” cho cái sai như bầu Đức đáp trả ngay sau đó?

Những điều mà bầu Đức và ông Nguyễn Xuân Gụ nêu ra là hết sức nguy hiểm với bóng đá Việt Nam. Vì tổ chức đứng đầu một nền bóng đá mà “hoạt động của Thường trực VFF trong thời gian vừa qua không bằng ban quản lý một cái chợ” (lời của ông Nguyễn Xuân Gụ), vậy bóng đá Việt Nam làm sao phát triển?

Đến mảng khuất bị che đậy của bóng đá Việt Nam

Nhìn lại thực trạng bóng đá Việt Nam kể từ lúc ra đời Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) càng khiến cho nhiều người phải suy ngẫm. Những bất cập trong xuyên suốt nhiều năm qua vẫn chưa bao giờ có lời giải. Ví dụ là chuyện một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng.

Mới nhất, CLB Hà Nội B của bầu Hiển muốn chuyển hộ khẩu, đổi chủ sở hữu vào Hà Tĩnh nhưng vì sai quy định nên vỡ kế hoạch.

Chuyện một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng ở V.League là quá cũ. Điều tiếng ấy âm ỉ từ khi VPF chưa ra đời nhưng đến nay câu chuyện ấy vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho người hâm mộ. Đó chẳng phải là bi kịch của một giải đấu sắp tròn 20 năm mang tiếng lên chuyên nghiệp?

CĐV CLB Đà Nẵng đem hình bầu Hiển xuống sân Cao Lãnh ở vòng cuối V.League 2016.

Năm 2012, bầu Kiên cùng các ông bầu chung tay cho ra đời VPF. Một trong những việc làm đầu tiên của ông Kiên là kiên quyết nói không với chuyện 1 ông chủ sở hữu hai đội bóng.Thế nên, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp có bổ sung và sửa đổi năm 2012 có điều 68 nhằm tránh trường hợp một ông chủ sở hữu 2 đội bóng như bầu Hiển.

Thế nhưng, VPF và VFF vẫn bất lực trước mảng khuất này trong nhiều năm qua, dù người hâm mộ không ít lần phản ứng gay gắt. Gần nhất, CĐV SLNA giăng biểu ngữ ở sân Long An để ám chỉ bầu Hiển đang liên quan đến 5 đội bóng ở sân chơi V.League vào năm 2016.

Mức độ can thiệp của VPF chỉ có thể dừng lại mức độ phía bầu Hiển tự điều chỉnh bằng cách rút tên T&T, QNK ra khỏi các đội bóng kể từ V.League 2017: QNK.Quảng Nam, Hà Nội T&T thành CLB Quảng Nam và CLB Hà Nội.

CĐV SLNA phản ứng bầu Hiển ở sân Tân An.

Câu chuyện liên quan đến bầu Hiển không chỉ dừng ở mức độ người hâm mộ lên án liên quan đến nhiều đội bóng mà cách hành xử của VFF cũng có vấn đề. Năm ngoái, Hoàng Vũ Samson của CLB Hà Nội đạp cầu thủ Châu Ngọc Quang một cách thô thiển nhưng Ban kỷ luật VFF xử trắng án với kết luận kỳ lạ: “Tình huống tranh chấp bóng ở mức độ liều lĩnh, không quan tâm đến sự an toàn của đối phương, chứ không phải hành vi bạo lực”. Sau đó, Ban kỷ luật bị lên án nên phải xử Samson nghỉ 2 trận.

Từ một án phạt gây phẫn nộ dư luận khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi lớn: Tại sao VFF lại bất chấp dư luận để ra án phạt kỳ lạ cho quân của bầu Hiển?

Rõ ràng, ít ai chịu nhìn thẳng vào những câu chuyện nêu trên, hay lên tiếng để có hướng giải quyết hợp lý. Mỗi mùa giải trôi đi lại chìm dần và trở thành mảng khuất của bóng đá Việt Nam. Tất cả khiến cho VFF bị bầu Đức “tố” thiếu minh bạch, cuộc chơi V.League bị người hâm mộ phản ứng, VPF xảy ra tình trạng người của VFF ngồi đến ba ghế bự nhất…

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-thao/vff-va-vpf-phuc-vu-cho-ai-2656804.html