VHC hết dư địa tăng

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) là doanh nghiệp thủy sản hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế này đã phản ánh vào mức giá cao chót vót của VHC ở thời điểm hiện tại. Và đây cũng là lý do khiến mã CP này không còn hấp dẫn.

Hưởng lợi kép
Báo cáo tài chính bán soát xét 6 tháng đầu năm 2018, VHC ghi nhận kết quả cực kỳ ấn tượng với doanh thu đạt 4.044 tỷ đồng, tăng 1,86%; lợi nhuận sau thuế đạt 427 tỷ đồng, tăng 76,45%. Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu nhờ giá bán cá tra xuất khẩu tăng mạnh với mức tăng bình quân khoảng 35%, trong khi giá cá tra nguyên liệu chỉ tăng khoảng 22,5%. Lợi thế này tiếp tục tạo cơ hội cho VHC gia tăng lợi nhuận trong quý III sắp được công bố.

6 doanh nghiệp được hưởng thuế suất thấp tại thị trường Hoa Kỳ gồm: Thủy sản Hùng Vương, Thủy sản Cửu Long, Thủy sản Nông Trại Xanh, Thủy sản Vinh Quang, Nha Trang Seafood và C.P Việt Nam.

Theo thống kê, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh từ cuối năm 2017 đến nay do ảnh hưởng từ nguồn cung cá giống khan hiếm, cũng như nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc. Giá cá tra nguyên liệu loại 1 ở Đồng Tháp vừa xác lập kỷ lục mới vào đầu tháng 9 ở mức giá 33.000 đồng/kg.

Trong 8 tháng năm 2018, giá cá tra nguyên liệu trung bình tăng 20% so với cùng kỳ 2017. Thế nhưng, giá bán cá tra thành phẩm của VHC lại tăng mạnh hơn so với mức tăng cá nguyên liệu. Ước tính, 8 tháng qua giá bán cá tra thành phẩm tăng trung bình 38% so với cùng kỳ, do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA), quốc gia này nhập khẩu 1,17 tỷ USD cá nước ngọt các loại dưới dạng phi lê trong năm 2017. Trong đó, cá rô phi và cá tra chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt với 605 triệu USD (51,75%) và 380 triệu USD (32,48%).

Đáng lưu ý, do vấp phải các chiến dịch truyền thông kêu gọi tẩy chay cá rô phi vì các vấn đề về sức khỏe, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ có xu hướng quay lưng với sản phẩm này trong những năm gần đây. Cụ thể, giá trị nhập khẩu cá rô phi vào thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng âm 3 năm trở lại đây, ở mức trung bình 15%/năm, và tiếp tục xu hướng giảm trong 7 tháng năm 2018, đặc biệt giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh hơn mức giảm chung của các nước còn lại (giảm 8,6% so với 5,7%).

Trung Quốc hiện là nhà cung ứng thủy sản lớn nhất cho Hoa Kỳ với sản phẩm chủ lực là cá rô phi. Giá trị kim ngạch xuất khẩu phi lê cá rô phi của nước này vào Hoa Kỳ đạt 386 triệu USD năm 2017 (chiếm 63% thị phần).

Dây chuyền chế biến cá tra của VHC.

Theo thông báo mới nhất từ Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc đã bị áp thêm 10% thuế nhập khẩu từ 24-9, và dự kiến sẽ tăng 25% từ ngày 1-1-2019. Với mức thuế hiện tại, giá bán cá rô phi tăng lên mức 4,2USD/kg, gần bằng giá cá tra đang ở mức 4,3USD/kg.

Ngoài ra, khi Hoa Kỳ áp thuế suất 25% lên thủy sản Trung Quốc đầu năm 2019, giá cá rô phi sẽ tăng lên 4,75USD/kg, cao hơn giá cá tra Việt Nam. Khi cá tra và cá rô phi là 2 sản phẩm có thể thay thế cho nhau do tương đồng về chất lượng, với lợi thế cạnh tranh về giá, VHC nói riêng và cá tra Việt Nam nói chung sẽ có thể gia tăng nhanh được sản lượng của mình tại thị trường Hoa Kỳ, từ đó có khả năng dần thay thế vị trí số 1 về thị phần cá thịt trắng nhập khẩu tại Hoa Kỳ của cá rô phi trong những năm tới.

Hạ nhiệt tăng trưởng
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2018 VHC và Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông là 2 công ty cung cấp cá tra chủ yếu tại thị trường Hoa Kỳ, với tổng thị phần lên tới 93% nhờ được hưởng mức thuế suất chống bán phá giá thấp. Trong đó, VHC được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0USD/kg. Các doanh nghiệp còn lại bị áp mức thuế trong khoảng 2,39-7,74USD/kg, là mức rất cao dẫn tới xuất khẩu vào thị trường này không đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, ngày 13-9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) bất ngờ thông báo kết quả sơ bộ của kỳ POR14. Theo đó, VHC và Biển Đông vẫn được áp dụng mức thuế cũ, đồng thời sẽ có thêm 6 doanh nghiệp được xem xét giảm thuế chống bán phá giá trong kỳ sau. Tổng kim ngạch xuất khẩu đến tất cả thị trường trong 7 tháng năm 2018 của nhóm 6 doanh nghiệp được hưởng mức thuế chống bán phá giá mới này vào khoảng 125 triệu USD, tương đương 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của VHC và Biển Đông cộng lại.

Có thể thấy, việc có thêm nhóm doanh nghiệp được hưởng thuế suất thấp gia nhập thị trường sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh và ảnh hưởng đến giá bán cũng như thị phần của VHC hiện tại. Điều này có thể làm cho lợi nhuận của VHC trong năm 2019 sụt giảm so với 2018.

Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), năm 2019 sẽ khó khăn hơn rất nhiều, do nhiều khả năng giá cá tra nguyên liệu giảm nhiệt, kéo theo sự giảm giá của thành phẩm, khi giá cá tăng cao đã khiến người dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra ngoài quy hoạch. Nguồn cung cá tra tăng nhanh có thể làm dư thừa nguồn nguyên liệu, qua đó làm rớt giá và giảm lợi nhuận như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Trên thực tế, sản lượng cá nguyên liệu cả nước trong 7 tháng qua đã tăng 36% so với cùng kỳ 2017. Đặc biệt, tại một số địa bàn như huyện Tân Hưng (Long An) có sự gia tăng rất mạnh diện tích ao nuôi cá. Chỉ trong vòng 8 tháng năm 2018, đã có trên 1.000ha đất lúa chuyển sang nuôi cá tra giống. Yếu tố bất lợi này, cộng với mức giá ở thời điểm hiện tại hơn 92.000 đồng/CP, đã khiến VHC không còn hấp dẫn trong mắt NĐT trên TTCK.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/vhc-het-du-dia-tang-62135.html