Vì chiến dịch thất bại nào, Rokossovsky được thăng hàm Đại tướng?

Dù chiến dịch không thành công, Tư lệnh Mặt trận Trung tâm Rokossovsky vẫn được đánh giá rất cao - thể hiện qua việc ông được thăng hàm Đại tướng.

Konstantin Rokossovsky là ai?

Konstantin Konstantinovich Rokossovsky sinh năm 1894 tại Warsaw (Ba Lan), hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô (1944, 1945), là một trong những nhà quân sự nổi tiếng của Thế chiến II và là người chỉ huy cuộc diễu hành Chiến thắng ngày 24/6/1945 tại Quảng trường Đỏ ở Moscow. Ông là người duy nhất trong lịch sử được phong Nguyên soái bởi hai quốc gia - Liên Xô (1944) và Ba Lan (1949).

Rokossovsky khi là Trung tướng, Tư lệnh Mặt trận sông Don; Nguồn: wikipedia.org

Rokossovsky khi là Trung tướng, Tư lệnh Mặt trận sông Don; Nguồn: wikipedia.org

Năm 1949, Tổng thống Ba Lan Boleslav Bierut đã đề nghị Stalin phái đích danh Rokossovsky tới Ba Lan để làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Do đấu đá phe cánh trong nội bộ Ba Lan, cuối năm 1956, Khrushchev đã đồng ý rút Rokossovsky về lại Liên Xô, và ông được giao nhiều cương vị như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu Transcaucasian…

Theo lời kể của Nguyên soái Không quân Alexander Golovanov, năm 1962, Khrushchev đề nghị Rokossovsky viết một bài báo bôi nhọ Stalin. Rokossovsky đã thẳng thắn trả lời: “Đối với tôi, đồng chí Stalin là một vị thánh!” Ngay hôm sau, ông bị cách chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Được thăng hàm Đại tướng vì chiến dịch Dmitriev-Sevsk thất bại?

Các mốc chính trong tiểu sử của Konstantin Rokossovsky không bí ẩn với những người quan tâm lịch sử quân sự. Thu-đông 1942 là chiến dịch Stalingrad, mùa hè năm 1943 là trận quyết chiến tại vòng cung Kursk. Hầu như không ai còn nhớ những gì xảy ra giữa các chiến dịch lớn này, đặc biệt là từ những thông tin được phổ biến rộng rãi - có chiến dịch Kharkov không thành công, nhưng chiến dịch đó Rokossovsky không tham gia.

Tuy nhiên, có một cái gì đó đáng nói nếu căn cứ vào việc thăng quân hàm của Rokossovsky. Nhờ thành tích của trận Stalingrad, tháng 1/1943, ông trở thành Thượng tướng và nhận Huân chương Suvorov. Chỉ ba tháng sau, ngày 28/4, Rokossovsky được thăng hàm Đại tướng. Không phải tự nhiên mà ông được thăng cấp, chắc chắn, sau trận Stalingrad, Rokossovsky đã thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng khác, vì một số lý do ít được tiết lộ.

Thật vậy, Rokossovsky đã được nhận lon Đại tướng sau kết quả của chiến dịch tấn công Dmitriyev-Sevsk, vốn không được thảo luận dưới thời Xô Viết, ngay cả tên nó cũng không được đề cập đến. Mặc dù chính Rokossovsky đã viết về giai đoạn này trong cuốn “Nghĩa vụ người lính”, nhưng nói rất ít và không cụ thể. Người ta đồn đoán rằng ông đã chỉ huy Mặt trận Trung tâm mới được thành lập trong chiến dịch tấn công Gomel và Smolensk.

Nhưng vì chiến dịch được chuẩn bị vội vàng, các đơn vị không có thời gian để kịp tập kết, lực lượng Hồng quân ở mặt trận rất mỏng, trong khi quân Đức rất hùng hậu, nên cuộc tấn công đã sớm bị dừng lại. Tuy nhiên, chiến dịch đáng để đánh giá, ít nhất là để hiểu tại sao lon Đại tướng được trao cho Tư lệnh Mặt trận Trung tâm.

Chiến dịch Dmitriev-Sevsky là một phần của của chiến dịch lớn Rzhevsky. Các đơn vị của Mặt trận Trung tâm, với sự hỗ trợ của Mặt trận Bryansk, được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu theo hướng qua Sevsk đến Novgorod-Seversky và Mogilev, sau đó tới Orsha, Gomel và Smolensk - nơi được lên kế hoạch sát nhập với các đơn vị tấn công của Mặt trận Kalinin và bằng cách đó, bao vây nhóm quân Trung tâm của Đức.

Lưỡng quốc Nguyên soái Rokossovsky; Nguồn: news.rambler.ru

Một kế hoạch hoành tráng và nếu thành công, kết quả của nó thậm chí rất khó tưởng tượng: chiến tranh có thể chưa kết thúc vào năm 1943, nhưng người Đức chắc chắn sẽ phải rút lui, ít nhất là về biên giới. Nhưng chiến dịch không thành công đối với Hồng quân. Không những thế, không giống như nhiều trận đánh khác, nơi sự kháng cự của quân đội Đức là yếu tố quyết định, trong trường hợp này, công tác tổ chức tồi là nguyên nhân của thất bại.

Do vội vàng trong việc mở chiến dịch, chiến dịch tấn công không thể được tổ chức tốt. Trong thành phần Mặt trận Trung tâm gồm Quân đoàn Không quân 16, Quân đoàn 21 và 65 của Mặt trận sông Don, Quân đoàn Xe tăng 2 và Quân đoàn 70 mới tái thành lập, cũng như các đơn vị và đội hình từ các mặt trận khác, bao gồm Quân đoàn Kỵ binh Cận vệ 2. Các đơn vị từ Stalingrad phải di chuyển trên một khoảng cách rất lớn, trong khi những đơn vị khác phải di chuyển hàng trăm km từ khu vực đóng quân ban đầu.

Do đó, các quân đoàn được trang bị đầy đủ và được trang bị tốt bị mất người và thiết bị trên đường đi, đã không tập kết đầy đủ vào lúc chiến dịch bắt đầu (ngày 15/2) và ngày mở màn chiến dịch phải hoãn lại. Cuộc tấn công chỉ bắt đầu với một phần đội hình, chưa đến một nửa trong số hơn bảy trăm xe tăng của mặt trận tham gia. Do không có các đơn vị bộ binh, để chọc thủng tuyến phòng thủ, đã phải sử dụng các phân đội cơ giới của các quân đoàn xe tăng vốn không phù hợp cho nhiệm vụ này.

Hai trung đoàn xe tăng phối thuộc với quân đoàn đã không tham gia cuộc tấn công ... do thiếu nhiên liệu. Cuộc tấn công của quân đoàn xe tăng đã dừng lại thường xuyên do thiếu nhiên liệu, và phần lớn các xe tăng bị hao hụt không phải do chiến đấu, mà vì sự cố. Và nữa, vào tháng ba, điều kiện thời tiết không thuận lợi để tiến hành chiến dịch thành công.

Bây giờ, về chiến dịch này đã được viết nhiều. Đó là cuốn sách của Igor Nebolsin “Tập đoàn xe tăng cận vệ số 2 được Stalin tin yêu vào trận”, bài viết dài của Vladislav Goncharov “Chiến dịch bị lãng quên”, và một chương trong cuốn sách “Các quân đoàn xe tăng Liên Xô trong trận chiến”, được gọi là Chiến dịch tấn công Dmitriev-Sevsk. Trong cuộc tấn công, các lực lượng mặt trận đã tiến được 30-60 km, các phân đội của Quân đoàn tăng số 2 đã chiếm thành phố Sevsk.

Nhóm xung kích của Quân đoàn kỵ binh và ba lữ đoàn trượt tuyết đã thực hiện một cuộc đột kích sâu đến 120-150 km. Các cánh quân của mặt trận đã có lợi thế áp đảo, chỉ bị chống cự bởi các sư đoàn bộ binh 707 và 137 của Quân đoàn tăng số 2 Đức. Không những vậy, cả hai sư đoàn này năm 1942 đều bị giảm một phần ba (còn sáu tiểu đoàn), và trong các trận chiến trước đó, đã bị tổn thất đáng kể.

Sư đoàn 707 là một đơn bị bảo vệ gồm sáu tiểu đoàn yếu với vũ khí bộ binh, tất cả các vũ khí hạng nặng chỉ gồm ba chục súng cối 50mm và bốn pháo phòng không 40mm. Chỉ có sư đoàn Hungary 108 và lữ đoàn Kaminsky ở khu vực Sevsk. Lữ đoàn Kaminsky bao gồm các cựu cảnh sát và chỉ có khả năng chống lại thường dân.

Rokossovsky cùng các tướng lĩnh Đồng minh tại Berlin, 6/1945; Nguồn: wikipedia.org

Tuy nhiên, những vấn đề trong việc di chuyển và trang bị cho các đơn vị đã không cho phép tận dụng lợi thế. Việc tiến quân chậm của Liên Xô đã khiến cho bộ chỉ huy Đức hiểu được ý đồ và kế hoạch của Hồng quân và điều viện. Ba sư đoàn bộ binh và kỵ binh bổ sung được điều động ứng cứu. Theo hướng Sevsk, Sư đoàn tăng số 4 của Quân đoàn 2 Đức bao gồm 36 xe tăng, 26 pháo chống tăng tự hành và 20 khẩu pháo đã được triển khai.

Do bị Đức đánh trả, nhóm kỵ binh xung kích đã bị chia cắt và bị bao vây. Sevsk bị chiếm lại vào ngày 27/3, hơn một nửa địa bàn được Mặt trận Trung tâm giải phóng đã bị bỏ rơi. Lúc này, cuộc phản công của Đức Quốc xã bắt đầu gần Kharkov. Quân đoàn 21 Hồng quân (chưa kịp bốc dỡ xe máy, vũ khí) đã được điều chuyển đến Mặt trận Voronezh; Mặt trận Trung tâm ngừng tấn công.

Trong chiến dịch này, Hồng quân đã có 30.439 binh sỹ và sỹ quan thiệt mạng, quân số bị thương và bệnh tật 39.968 người. Nhóm kỵ binh xung kích mất khoảng 15.000 người (chỉ còn chưa đến 3.000 quân sống sót). Tập đoàn tăng thứ 2 thiệt hại không thể phục hồi 128 xe tăng, 3.520 người thiệt mạng và 10.175 người bị thương. Tổn thất của Đức theo số liệu của Liên Xô, khoảng 20.000 người, nhưng rất có thể đã bị thổi phồng rất nhiều. Thiệt hại của Sư đoàn tăng số 4 là 7 xe tăng và súng tấn công hư hỏng hoàn toàn, và 16 phương tiện đã được gửi đi để sửa chữa.

Từ quan điểm ngày nay, rất khó để đánh giá kết quả của chiến dịch Sevsk. Các nhiệm vụ được đặt ra cho Mặt trận không được hoàn thành. Có những cáo buộc rằng một số lực lượng Đức đã bị phân tâm bởi một lý do gì đó, hoặc rằng người Đức đã phải rời khỏi Rzhevsky là không có cơ sở. Chỉ có thể tự tin nói rằng, hành động của Tư lệnh Mặt trận Trung tâm được lãnh đạo đánh giá không chỉ tích cực, mà còn rất cao - thể hiện qua việc Rokossovsky được phong hàm Đại tướng.

Theo Lê Ngọc/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/vi-chien-dich-that-bai-nao-rokossovsky-duoc-thang-ham-dai-tuong/20191226032100430