Vị chính khách đa tài

Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Liêm (1922-1985), chúng tôi cho rằng có lẽ phải cần đến cả cuốn sách dày mới phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh. Bài viết nhỏ này chỉ nêu vài nét nổi bật về một nhà cách mạng, một chính khách đa tài, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Có lần trò chuyện với một nhà quản lý văn nghệ, ông rất tự hào với nền văn nghệ cách mạng. Chiến tranh khốc liệt là thế, chúng ta vẫn xây dựng và phát triển điện ảnh, nhạc vũ kịch, quy hoạch khu vực dành cho văn công đặt ở Mai Dịch (Hà Nội)... Mãi sau này tìm hiểu, chúng tôi mới biết, người lãnh đạo văn hóa có tầm nhìn chiến lược, đặt nền móng cho sự phát triển các loại hình nghệ thuật hàn lâm là đồng chí Lê Liêm, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa (1958-1963), nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng (1963-1965).

Theo lời của Đại tá Trịnh Hồng Anh (con trai đồng chí Lê Liêm), sinh thời, đồng chí Lê Liêm rất tự hào khi công tác tại 3 lĩnh vực có đông đảo đồng nghiệp là báo chí, âm nhạc và giáo dục.

Dấu ấn đầu tiên đồng chí Lê Liêm để lại là trên lĩnh vực báo chí. Trong những năm chiến tranh, khi mà các phương tiện truyền thông chưa phát triển, báo chí là kênh tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng hiệu quả. Đồng chí Lê Liêm từ khi còn trẻ đã được Đảng, quân đội tin tưởng giao nhiều trọng trách: 26 tuổi là Cục trưởng Cục Dân quân, 27 tuổi kiêm Cục trưởng Cục Chính trị, 28 tuổi là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Chủ nhiệm (Tổng biên tập) đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân (QĐND). Đặc biệt, ông là Chủ nhiệm Chính trị 3 chiến dịch: Biên giới (1950), Tây Bắc (1952), Điện Biên Phủ (1954). Là một nhà lãnh đạo chính trị trong quân đội, đồng chí Lê Liêm hoạt động báo chí tích cực, chủ động với vai trò vừa lãnh đạo, vừa trực tiếp viết bài.

Năm 1948, khi vừa được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Dân quân, đồng chí đã chủ trương xuất bản Báo Quân du kích (một trong hai tờ báo tiền thân của Báo QĐND). Trong rất nhiều số báo, đồng chí đều viết “bài đinh” dài vài trang báo tổng kết, huấn thị, tuyên truyền về chiến tranh du kích như: “Một năm dân quân chiến đấu”, “Trong hội nghị cán bộ dân quân 15-3-1949: Mấy nét về tổ chức và lãnh đạo”, “Phải tiến hành luyện quân lập công mùa hè thế nào?”... Theo lời kể của Đại tá, nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp (Báo QĐND): “Anh Lê Liêm viết rất giỏi, rất hay, rất nhanh, rất gọn. Bởi vì anh có chất của một người làm văn hóa. Tuy là cấp trên nhưng anh có tính dân chủ cao, thường đưa những bài anh viết cho chúng tôi xem, đọc và góp ý. Anh gần gũi với cơ sở, với bộ đội nên anh không chỉ viết nhiều mà còn viết những vấn đề rất cụ thể, rất thiết thực với đời sống”. Quả thật, khi đọc lại các bài báo của đồng chí Lê Liêm trên Báo Quân du kích, Báo QĐND, nhất là Báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ, lớp hậu sinh chúng tôi học được rất nhiều điều về chuyên môn nghiệp vụ.

Với văn nghệ, đồng chí Lê Liêm luôn có trái tim đồng cảm, rung động trước cái đẹp. Sinh thời, ông rất yêu văn nghệ, tự học nhạc, thành thạo đàn dương cầm. Dù bận bịu với nhiều công việc quốc gia đại sự, ông vẫn dành thời gian sáng tác nhiều tác phẩm, ấn tượng hơn cả là bản giao hưởng “Điện Biên Phủ sống mãi” (1964) nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trước đó một năm, ông được kết nạp hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng đợt với những tên tuổi như: Nguyễn Tài Tuệ, Trọng Bằng, Cao Việt Bách, Đinh Thìn...

Dù xa cõi tạm đã 35 năm nhưng hình ảnh đồng chí Lê Liêm còn in đậm trong tâm trí nhiều người về một nhân cách đáng quý trọng!

HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/vi-chinh-khach-da-tai-640826