Vị Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Hải Ninh

Đó là cụ Lê Bẩy, tên thật là Lê Tỉnh, bí danh Lày Sắt, còn được suy tôn là 'Hùm xám Đông Bắc', người có nhiều công lao với vùng đất Hải Ninh nói chung, Tiên Yên nói riêng.

Cụ Lê Bẩy sinh ngày 12/7/1912, tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh). Cụ tham gia hoạt động cách mạng năm 1940, được kết nạp là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1948 ở chi bộ Tỉnh ủy Hải Ninh.

Thời trai trẻ, cụ Lê Bẩy là người thông minh, thạo tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Quan Hỏa, có tài cưỡi ngựa, bắn súng, lại giỏi võ. “Lày Sắt” – Lê Bẩy là nỗi khiếp sợ đối với phỉ người Hoa. Còn nhân dân khắp tỉnh Hải Ninh tôn vinh ông là “Hùm xám miền Đông”. Trong kháng chiến chống Pháp, thủ lĩnh “Xứ Nùng tự trị” tỉnh Hải Ninh là Voòng A Sáng cũng phải nể trọng Lê Bẩy.

Di ảnh cụ Lê Bẩy.

Di ảnh cụ Lê Bẩy.

Theo sách “Địa đầu Đông Bắc” (NXB Lao động ấn hành năm 2015) của Vũ Thanh Sơn, từ tháng 5/1943, cụ Lê Bảy làm thợ nguội tại Cửa Ông. Cụ Lê Bẩy là người đã bí mật tham gia đưa đường cho phái đoàn của Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu sang Trung Quốc cuối năm 1944, đầu năm 1945 làm công tác ngoại giao, theo con đường vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông, ra Móng Cái. Đầu năm 1945, cụ Lê Bảy phối hợp mua vũ khí từ Hải Ninh mang về cho Chiến khu Đông Triều rồi ở lại đây tham gia chiến đấu.

Cuối năm 1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh được thành lập để điều hành công việc chung và nhất trí cử Lê Bẩy làm Chủ tịch đầu tiên. Để giữ yên phên giậu Tổ quốc trước sự chống phá của Việt Quốc và Việt Cách, cuối tháng 12/1945, Lê Bẩy về Hà Nội báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh tình hình chính trị, quân sự tỉnh Hải Ninh. Hồ Chủ tịch đã ký tên mình lên tấm giấy nhỏ mầu hồng in mấy chữ “Thành đồng Tổ quốc” rồi trao cho Lê Bẩy. Đồng thời, Bác dặn ông Nguyễn Xiển – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ giao cho Chủ tịch tỉnh Hải Ninh 30.000 đồng Đông Dương để chi dùng cho cách mạng.

Ngày 30/11/1946, Chính phủ quyết định phát hành tiền giấy trên toàn quốc. Đồng tiền có quốc hiệu Việt Nam, hình ảnh Hồ Chí Minh, chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tờ giấy bạc này được gọi là ''Bạc tài chính'', song nhân dân quen gọi là ''Tiền Cụ Hồ''. Những ngày đầu Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh thành lập tại thị trấn Tiên Yên, tháng 2/1946, chính quyền cách mạng gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là không có tiền cách mạng.

Trước tình hình đó, ông Lê Bẩy đã về Hà Nội xin được gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình và đề nghị chính quyền Trung ương giúp đỡ. Hiểu được khó khăn của Hải Ninh, Bác đã trực tiếp chỉ đạo các ngành Trung ương chuyển cho đồng chí Lê Bẩy vũ khí, lương thực và đặc biệt là tiền cách mạng. Nhờ đó Hải Ninh có thêm sức mạnh bước đầu đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, từ các đội du kích trước đây, cụ Lê Bẩy xây dựng thành các đội “Du kích miền Đông”, “Đội bao vây kinh tế địch”, “Đội thương thuyền”, “Nông lâm hội” vừa chiến đấu vừa kinh doanh làm kinh tế cho kháng chiến. Bản thân cụ Lê Bẩy còn trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích nhiều lần đánh thắng địch ở địa bàn miền Đông.

Ngôi nhà cổ của cụ Lê Bảy năm xưa nay được dùng làm trường mầm non. Ảnh: Phạm Ngọc Long (CTV)

Trong những năm từ 1961 đến 1965, đoạn đê Hà Dong thuộc địa phận xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, được cụ Lê Bẩy cùng nhân dân nơi đây xây dựng lên một cách phi thường, nhằm ngăn mặn để phát triển nông - lâm - ngư nghiệp. Cụ Lê Bẩy quyết định mở rộng con đường phục vụ cho ô tô đi lại, vận chuyển vật liệu để hoàn thiện xây dựng tuyến đê Hà Dong giữ cho cả một vùng mặt biển của xã Hải Lạng được giữ vững qua nhiều năm. Đó cũng chính là tuyến đường quan trọng giúp vận chuyển thủy sản đánh bắt được từ khu vực đê Hà Dong lên Tiên Yên tiêu thụ và từ đây người dân Tiên Yên gọi con đường này là đường Lê Bẩy một cách đầy biết ơn.

Cụ Lê Bẩy từ trần ngày 6/2/1990, hưởng thọ 79 tuổi. Sinh thời, cụ Lê Bẩy đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì do có thành tích là “Chiến sĩ cách mạng đã nêu cao ngọn cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở Hải Ninh và có công chinh phục được nhiều thổ phỉ, cấp giúp cho bộ đội năm 1948. Lãnh đạo đoàn Đông Tiến, gây cơ sở ở miền Đông tỉnh Hải Ninh, giúp đỡ các đơn vị trong tuyên truyền của Tiểu đoàn 439 và đặt nền móng trên Đường số 4. Trong những giờ phút hiểm nghèo đã tỏ ra là một cán bộ hăng hái, can đảm và sáng suốt”.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202003/vi-chu-tich-dau-tien-cua-tinh-hai-ninh-2475651/