Vị Đại sứ & thông điệp về bình đẳng

Chúng tôi đến nhà Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg vào một buổi chiều chủ Nhật đẹp trời. Ông vẫy chào chúng tôi từ trên sân thượng tầng hai, niềm nở với những cái bắt tay và lời hỏi han thân mật đời thường.

Ông tự tay vào bếp chuẩn bị đồ uống và hoa quả tiếp những nữ phóng viên trẻ. Bỏ “cái mũ Đại sứ” để trao đổi cởi mở, bình đẳng là cách mà Đại sứ tiếp cận với không chỉ chúng tôi mà tất cả người dân Việt Nam.

Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg. (Ảnh: Nguyễn Hồng/TG&VN)

Tôi rất ấn tượng với những buổi Fika (một nét văn hóa uống cà phê độc đáo của người dân Thụy Điển) do Đại sứ quán tổ chức. Uống cà phê cũng là một thói quen của rất nhiều người Việt Nam nhưng nó chưa được đặt một cái tên cụ thể nào như Fika. Phải chăng, Đại sứ đang muốn “xuất khẩu” nét văn hóa này?

Chúng tôi đang dự định tổ chức hàng loạt sự kiện Fika. Với mỗi sự kiện, chúng tôi sẽ mời một nhóm người Việt Nam để họ nói về những thách thức đang gặp phải. Từ đó, chúng tôi chia sẻ cách thức, giải pháp mà Thụy Điển đang vận hành và cùng với các bạn Việt Nam đề ra những sáng kiến tốt nhất có thể áp dụng thông qua những buổi Fika này.

Về văn hóa, bên cạnh Fika, chúng tôi cũng sẽ tích cực tổ chức nhiều sự kiện khác. Cuốn tự truyện “Tôi là Zlatan Ibrahimovic” của cầu thủ đội bóng quốc gia Thụy Điển đã đến tay bạn đọc Việt Nam. Trong năm nay, chúng tôi dự kiến mang đến độc giả Việt Nam các cuốn tiểu thuyết trinh thám, đưa những ban nhạc tiếng tăm nhất của Thụy Điển đến biểu diễn. Thụy Điển cũng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, Bộ, ban ngành của Việt Nam để tổ chức những khóa học, chương trình hội thảo trong các lĩnh vực như tiếp cận thông tin, ứng dụng Internet…

Châu Âu được biết đến là một thị trường “kén” nông sản, Đại sứ cảm nhận như thế nào về nông sản Việt?

Đúng là người tiêu dùng ở châu Âu, trong đó có Thụy Điển luôn tìm hiểu kỹ xuất xứ của sản phẩm trên các tiêu chí chất lượng, thân thiện với môi trường, dư lượng thuốc trừ sâu và tôn trọng quyền của người nông dân làm ra sản phẩm.

Ngay từ khi đặt chân đến Việt Nam, tôi đã rất yêu thích các sản phẩm từ gà, cá, hoa quả, các loại rau ở đây. Hiện nay, gia đình tôi cũng đang sử dụng những sản phẩm này hàng ngày. Ngay đầu ngõ nhà tôi có một cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm hữu cơ sạch và tôi có thể tìm thấy các sản phẩm phù hợp. Hai con trai tôi đã thử gần như tất cả các loại sữa tươi và sữa chua ở đó. Bản thân tôi rất thích xoài, thanh long và bưởi. Tôi cũng rất “nghiền” cà phê Việt Nam, nhâm nhi những tách cà phê đen, sữa hay đôi khi pha chút nước cốt dừa là cách tôi thưởng thức Fika.

Bình đẳng trong xã hội có lẽ cũng là một trong những giá trị cốt lõi mà Đại sứ muốn truyền tải?

Sự bình đẳng là một nét văn hóa của người Thụy Điển, không chỉ dừng lại ở bình đẳng giới mà còn là sự bình đẳng cho mọi người trong xã hội. Gần đây, Chính phủ Thụy Điển đưa ra chính sách ngoại giao nữ quyền, thể hiện bình đẳng ở cả hai giới trong ngoại giao với quan điểm rằng khi phụ nữ ngày càng tham gia vào lĩnh vực này thì càng đạt được các kết quả bền vững hơn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục chia sẻ với Việt Nam về khía cạnh bình đẳng thông qua những bài học thành công của Thụy Điển. Chúng tôi tin bình đẳng là một trong những giá trị toàn cầu.

Theo kinh nghiệm Thụy Điển, để có được hệ thống chính sách tốt, điều quan trọng nhất là tạo ra các kênh để tất cả những thành viên trong xã hội được lên tiếng, mỗi người đều có thể đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của đất nước. Tôi thực sự ấn tượng với thế hệ trẻ Việt Nam bởi sự thông minh, sâu sắc, tham gia tích cực vào những chuyển động xã hội hiện nay. Họ có kỹ năng tốt về Internet cũng như sử dụng mạng xã hội.

Tôi cảm nhận Đại sứ khá nhạy bén khi tiếp cận xã hội Việt Nam qua việc tổ chức các diễn đàn trao đổi về những vấn đề nóng mà Việt Nam đang gặp phải, ví dụ như diễn đàn chia sẻ về quyền trẻ em vừa qua.

Cách tiếp cận của tôi và của người Thụy Điển nói chung không nhất thiết phải theo những chuẩn mực nào. Tôi muốn đi nhiều, đến nhiều nơi nhất có thể. Tôi luôn muốn gặp gỡ những người dân thường Việt Nam, bỏ “cái mũ Đại sứ” để nói chuyện bình đẳng với họ và để hiểu họ.

Trong xã hội Thụy Điển, chúng tôi chia sẻ cởi mở về những thách thức đối với phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Phải thừa nhận rằng ngay cả ở những xã hội phát triển như Thụy Điển cũng gặp phải những vấn đề nhất định liên quan tới bất bình đẳng nhưng quan trọng là chúng ta đã ký kết những công ước, cam kết quốc tế về quyền trẻ em và cần tôn trọng những quyền này cũng như áp dụng chúng trong thực tiễn. Ngoài ra, chúng ta không chỉ lắng nghe nguyện vọng của trẻ em một cách gián tiếp mà cần gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ trực tiếp với các em.

Với cách tiếp cận người dân như vậy, Đại sứ cảm nhận như thế nào về con người Việt Nam?

Tôi ấn tượng tinh thần của người Việt Nam. Tôi có nhiều dịp trao đổi với họ ở những tầng lớp khác nhau và tôi luôn nhận thấy ở họ sự lạc quan, hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Tôi cố gắng tìm hiểu xem sự lạc quan đó đến từ đâu và cuối cùng tôi nghĩ rằng chắc chắn nó đã tồn tại một cách tự nhiên trong con người họ.

Có lẽ, con đường vật lộn đấu tranh giành độc lập, 1.000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm kháng chiến chống Pháp, 20 năm chống Mỹ đã khiến họ mạnh mẽ. Tư tưởng tích cực, lạc quan, tràn đầy hy vọng này cũng là kim chỉ nam đưa quan hệ hai nước chúng ta lên nấc thang mới. Chắc chắn, chúng ta sẽ có sự phát triển quan hệ tích cực trong tương lai.

Cảm ơn Đại sứ!

Phạm Hằng

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/vi-dai-su-thong-diep-ve-binh-dang-47185.html