Vị đắng cà phê

Bố Yosef mất lúc sáu giờ tối. Vợ chồng Yosef về nhà sau khi nghe bác sĩ báo hung tin. Ariane lái xe; Yosef ngồi bên cạnh. Cả hai không nói một lời. Vị cà phê từ chiếc máy pha tự động ở bệnh viện vẫn còn đắng ngắt nơi đầu lưỡi Yosef. Đường phố nhạt nhòa đèn xe. Đó là tối thứ sáu.

Khi cả hai về đến nhà, thằng bé đã ngủ say. Ariane trả tiền và tiễn cô giữ trẻ ra cửa. Yosef bước vào phòng ăn, tai vẫn văng vẳng nghe tiếng Ariane chào cô giữ trẻ. Ariane tắt điện phòng khách, bước vào phòng ăn, đun nước và hỏi Yosef xem có muốn uống cà phê không. Yosef bảo anh uống rồi và ngồi nghe tiếng thìa va lanh canh vào tách sứ.

Ariane bảo: “Thế là tốt hơn cả. Cứ như vậy chỉ khổ thêm. Mấy tuần cuối quả thực bố phải chịu nhiều đau đớn. Tin em đi. Như vậy là tốt hơn. Cho tất cả mọi người! Mà không chỉ vài tuần đâu. Chuyện này diễn ra cũng phải vài tháng rồi. Bố chưa bao giờ ngồi ở mái hiên như thế cả. Ý em là cách đây một năm, bố chưa bao giờ ngồi dưới mái hiên như thế”.

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Yosef bảo: “Anh cũng không biết nữa” và suy nghĩ về những điều vợ nói.

Ariane đặt tách cà phê xuống bàn, cạnh Yosef, vòng tay ôm lấy thành ghế một lúc rồi bảo: “Em mệt lả ra rồi, và đói nữa. Anh muốn ăn chút gì không?”.

Yosef bảo: “Không, em ăn đi. Làm tạm thứ gì mà ăn đi”.

Ariane lại bảo: “Em mệt quá”, rồi châm một điếu thuốc và mở tủ lạnh. Trong khi Ariane chuẩn bị đồ ăn, Yosef nâng tách cà phê và cố nghĩ về những gì đã xảy ra cũng như cảm giác của mình trong những ngày gần đây.

Ariane bảo: “Em phải gọi điện cho mẹ. Suýt chút nữa thì quên. Phải gọi ngay bây giờ mới được”. Nói rồi, gạt chỗ đồ ăn vừa chuẩn bị sang một bên, Ariane cầm gạt tàn tới bên chiếc điện thoại.

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi tổ chức đám tang, nhưng Yosef không biết phải bắt đầu từ đâu. Ví như viết cáo phó thế nào chẳng hạn. Khi mẹ mất, bố anh làm tất cả mọi việc và đây là lần đầu tiên anh phải tự mình lo những việc đó. Tiếng Ariane nói chuyện với mẹ vẫn đều đều vọng vào từ bên ngoài. Yosef châm điếu thuốc, búng que diêm cháy dở vào bồn rửa bát và tiếp tục nghĩ về bố.

* * *

Khoảng một năm sau khi Yosef cưới vợ, bố anh bắt đầu nhắc nhiều đến chuyện mua căn hộ. Ông không thích việc vợ chồng Yosef sống chung với bố mẹ Ariane, đặc biệt là sau khi sinh con. Ông liên tục nói với vợ chồng Yosef rằng điều đó là không tốt cho đứa trẻ và cho cả vợ chồng anh. Nhưng ở thời điểm đó, vợ chồng anh chẳng có lựa chọn nào khác. Yosef và Ariane chẳng có đồng nào trong tay. Bố Yosef bảo ông sẵn sàng giúp, nhưng anh cũng không hỏi xem ông giúp được bao nhiêu. Yosef biết bố mình không có nhiều tiền.

Phải một năm sau Yosef mới có khả năng đăng ký mua nhà trả góp và cuối cùng là mua hẳn được căn hộ này. Vợ chồng dọn vào căn hộ mới vào mùa hè năm đó khi cả tòa nhà vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Yosef phải sửa mấy chỗ, như: Lắp gương, phòng tắm, giá để đồ, những thứ đại loại như vậy. Trong khi sửa sang lại căn hộ, Ariane và thằng bé ngủ trong phòng ngủ nhỏ, còn Yosef thì ngủ ngoài phòng khách vốn vẫn còn ít đồ và khá trống trải.

Bố Yosef đến thăm đúng hôm anh đang lắp tủ bếp. Trong những ngăn tủ còn trống trơn vẫn lấm tấm mùn cưa chưa kịp dọn. Hai bố con đứng trong phòng ăn, ngắm nhìn công trình của mình. Bố Yosef rất vui mừng, đến độ ông cứ mỉm cười liên tục sau mỗi câu nói. Ông lau sạch mấy vết bụi trên quầy bar bằng bàn tay mà trên đó là chiếc nhẫn cưới lấp lánh. Có lẽ đó là lý do vì sao Yosef lại nhớ bàn tay của bố đến thế: Một bàn tay không bao giờ vắng chiếc nhẫn cưới.

* * *

Vài phút sau, Ariane quay lại phòng ăn và châm thêm điếu thuốc. Cô ngồi xuống bàn, đặt chiếc gạt tàn vào giữa, liếc nhìn chiếc giá để nến mà Yosef đang dùng để gạt tàn, bảo: “Ổn rồi. Chúng ta không phải lo nhiều nữa. Mọi việc có thể được tiến hành thông qua điện thoại. Nhưng chúng ta phải đợi. Hôm nay là thứ bảy, người ta không in báo nên chúng ta không thể làm gì khác được”.

Cà phê đã nguội. Ariane bước tới bồn rửa bát, đổ tách cà phê xuống đó. Không thể phủ nhận được rằng đó là một sự giải thoát. Tất cả đã chấm hết. Ít nhất thì Yosef không còn phải quay lại cái bệnh viện đó nữa. Yosef không nhớ nổi anh đã trải qua bao nhiều giờ đồng hồ ngồi trên băng ghế bệnh viện mà nhìn chòng chọc vào cánh cửa phòng bệnh. Gần như lúc nào cũng vậy! Đôi khi Yosef về nhà ngủ, nhưng hầu hết các đêm anh đều ở lại bệnh viện. Đôi khi Ariane thay ca cho anh. Đôi khi họ cùng ngồi với nhau ở đó.

Ariane đổ thêm nước vào ấm, bật nút điện, hỏi: “Anh muốn uống thêm chút cà phê nữa không?”.

Yosef bảo không. Ariane lịch kịch cất đồ vào tủ lạnh. Yosef xoa mặt. Anh thấy người mình bẩn và mệt mỏi ghê gớm, đến độ có thể nghe rõ cơn mệt mỏi len lỏi trong từng khớp xương. Thế nhưng anh lại chẳng muốn ngủ chút nào. Trong khi Ariane đi pha thêm cà phê, Yosef nhìn chăm chăm lên mặt bàn và cố gắng hiểu những cảm xúc của mình.

Ariane lại hỏi: “Anh có muốn đi tắm trước không? Hay là anh uống thêm chút cà phê nữa và để em tắm trước?”. Ariane thả chiếc thìa vào bồn rửa bát. Yosef quay lại nhìn tách cà phê vừa pha. Ariane vừa mới khuấy nó lên và thứ nước sền sệt trong đó vẫn còn đang quay tròn thành những vòng xoáy. Một trong hai người sẽ phải uống tách cà phê kia và người còn lại sẽ phải đi tắm. Đó là những gì cần phải hiểu!

Yosef nhắm mắt, cố bình tĩnh lại.

Ariane lại hỏi: “Anh có muốn uống không?”.

Yosef đáp: “Anh không muốn uống thêm bất cứ chút nào nữa. Em đã hỏi và anh đã trả lời. Đừng có pha cà phê cho anh nữa. Còn bây giờ thì đi tắm đi!”.

Ariane nhún vai và để tách cà phê xuống quầy, đặt hai tay lên vai Yosef, nói: “Em sẽ đi tắm. Em rất buồn ngủ và mệt mỏi. Em muốn đổ sụp xuống rồi. Nhớ tắm trước khi đi ngủ đấy nhé. Tắm đi và anh sẽ thấy thoải mái hơn”.

Yosef gật đầu. Vài năm trước khi mẹ mất, Yosef chợt nhận ra rằng bố cũng đã già. Đó là điều mà Yosef chưa bao giờ nghĩ tới trước đó. Anh chỉ hiểu ra điều đó trong một kỳ nghỉ, có lẽ là “Lễ Vượt qua” hay cũng có thể là dịp đầu năm mới. Kỳ nghỉ đó, Yosef có mua chiếc lò nướng làm quà tặng vì đã từ lâu rồi anh vẫn bảo mẹ mua một chiếc mà bà chẳng muốn. Mẹ anh chẳng bao giờ thích đồ gì mới cả và họ luôn tranh cãi về điều đó. Yosef hiểu rằng một chiếc lò nướng là rất thuận tiện; vì thế, anh đã mua một chiếc, loại đầu bảng và to nhất. Thật tệ là chiếc lò nướng không hoạt động ngay từ lúc mới lôi ra khỏi hộp xốp.

Yosef và bố đọc hướng dẫn lắp đặt lần thứ hai. Trải một tờ báo ra nền nhà, họ đặt chiếc lò nướng lên đó và lăn ra mà tháo tháo, vặn vặn. Bỗng nhiên, Yosef thấy bố mình trông rất lạ. Ông đã bỏ cặp kính ra, vứt trên tờ báo. Trông ông rất lạ khi không đeo kính. Ông đang nhìn sâu vào trong chiếc lò nướng, nhưng Yosef hiểu rằng ông không hề biết mình đang tìm kiếm điều gì trong đó.

Vào cái giây phút đó, Yosef bàng hoàng hiểu ra rằng trong cả cuộc đời mình, bố anh gặp rất ít vận may. Cuộc đời đã chơi khăm ông không biết bao nhiêu lần mà ông thì chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện trả đũa. Yosef chợt hiểu rằng rất nhiều món quà anh mua tặng bố đều không hoạt động. Những món quà đã hỏng ngay từ lúc mới bắt đầu. Dẫu anh có mua cho bố mình một chiếc ti vi, một bộ dàn âm thanh hay một chiếc máy xén cỏ thì chúng cũng không hoạt động. Nhưng tệ hơn cả là ông luôn cho rằng bản thân mình là người có lỗi. Yosef cứ lặng đi nhìn trong khi bố cúi xuống-không đeo mắt kính, và nói với anh rằng ông xin lỗi vì chiếc lò nướng đã không hoạt động. Đó chính là cái ngày anh nhận ra rằng bố mình đã già. Đêm đó, khi nằm xuống giường, Yosef không tài nào gạt được hình ảnh của bố ra khỏi tâm trí: Hình ảnh ông đang chống hai tay cúi xuống, nhìn vào trong chiếc lò nướng, không đeo mắt kính!

Yosef ngồi đó, trong nhà bếp, lắng nghe tiếng nước chảy trong nhà tắm. Anh nghĩ về tay bác sĩ trẻ ban chiều, người thông báo rằng bố anh đã mất. Yosef đột nhiên muốn đấm vào mặt gã. Không hiểu tại sao! Có lẽ là vì cái cách gã thông báo tin dữ. Khi đó Yosef không để ý, nhưng giờ thì anh lại nhớ rất rõ. Kể từ khi gã mở miệng, Yosef đã hiểu rằng anh không nên nghe phần còn lại của những gì gã nói. Gã nói như thể biết rõ rằng gã cần phải làm điều đó như thế nào để gia đình dễ dàng chấp nhận sự thật. Gã thấy hài lòng với cái cách gã nói, với cái cách gã bảo Yosef rằng bố anh đã mất; còn Yosef thì thấy vị đắng cà phê từ chiếc máy pha tự động ở bệnh viện vẫn còn mãi chưa tan.

Truyện ngắn của GADI TAUB (Israel) XUYẾN CHI (dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/vi-dang-ca-phe-555768