Vì đâu chứng khoán Mỹ đứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp?

TGTTO Thị trường chứng khoán Mỹ đã quay đầu đi xuống trở lại, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, giữa sự bối rối của các nhà đầu tư đối với triển vọng cho các giải pháp ngắn hạn nhằm phá vỡ thế bế tắc trong xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Những thông tin trái chiều về thương mại

Các nhà đầu tư đã phải đón nhận hàng loạt các tin tức đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau về tình trạng tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Trong hôm qua, về cuối phiên các cổ phiếu đã thoát khỏi mức thấp nhất sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết tiến trình thỏa thuận với các lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang được thực hiện. Trong khi một vài giờ trước đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump là Larry Kudlow cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ còn phải trải qua một chặng đường dài để đạt được thỏa thuận thương mại. Phát biểu với đài CNBC, Kudlow cũng phủ nhận thông tin của Bloomberg cho rằng Trump đã chỉ đạo các phụ tá bắt đầu soạn thảo các điều khoản thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Larry Kudlow - cố vấn cấp cao Nhà Trắng phủ nhận thông tin Trump yêu cầu nội các phác thảo thỏa thuận với Trung Quốc

Trước đó đầu ngày 3 quan chức cấp cao thuộc chính quyền Mỹ cũng đã chia sẻ với CNBC rằng chẳng hề có dấu hiệu nào cho thấy một thỏa thuận thương mại đã sắp đến gần, bất chấp một số tiến triển gần đây. Chính những thông tin từ Kudlow đã đẩy giá cổ phiếu lao dốc mạnh đầu phiên, trước khi bật trở lại sau phát biểu của tổng thống Trump.

Thomas Hainlin, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Bank of America, cho rằng thị trường sẽ vẫn biến động lớn cho đến khi đạt được những tiến bộ cụ thể trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông bình luận: "Nếu hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới không thể đồng ý về chính sách thương mại, điều đó sẽ không tốt cho các thị trường".

Hainlin nói tiếp: “Cuộc đàm phán này là công khai, tuy nhiên việc tiến hành trước những thỏa thuận riêng tư là một phần trong chiến thuật”, mà Tổng thống Trump đã nhiều lần sử dụng trong các cuộc đàm phán thương mại vừa qua. Lý giả về sự điều chỉnh của thị trường vào hôm qua, ông Hainlin cũng cho rằng khả năng các nhà đầu tư đang đánh giá lại liệu các thông tin về kế hoạch của tổng thống mà các phương tiện truyền thông công bố gần đây có thật sự chính xác hay không.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn, khi cho rằng nhận định tốt lành của ông Trump về tiến triển thương mại diễn ra vài ngày trước khi cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ diễn ra là có mục đích chính trị nhiều hơn, khi mà quan điểm của ông Trump liên tiếp thay đổi đột ngột.

Đứt mạch tăng gần đây

Trước diễn biến trên, chỉ số công nghiệp Dow Jones hôm qua mất 109,91 điểm, tương đương 0,4%, xuống 25.270,83 điểm. Chỉ số S&P 500 rớt 17,31 điểm, tương đương 0,6%, đóng cửa tại 2.723,06 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 77,06 điểm, tương đương 1% và kết phiên tại 7.356,99 điểm.

Đáng lưu ý cổ phiếu Apple chìm sâu 6,6%, đẩy giá trị vốn hóa rớt mốc 1.000 tỷ USD, sau khi gã khổng lồ công nghệ này báo cáo kết quả tốt hơn dự kiến nhưng tỏ dấu hiệu bi quan về triển vọng cho giai đoạn tới, với doanh số bán hàng quý 4 có thể chậm lại dù có các kỳ nghỉ lễ lớn.

Dự báo đáng thất vọng trên đã tác động tiêu cực đến các nhà cung cấp tại Mỹ của Apple, chủ yếu là các hãng sản xuất con chip, và khiến lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 giảm 1,9%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghiệp vốn nhạy cảm với thương mại cũng giảm 0,3%.

Cổ phiếu Kraft Heinz lao dốc 9,7% sau khi công ty công bố lợi nhuận quý 3 thấp hơn dự báo. Tuy nhiên, các báo cáo lợi nhuận khác lạc quan hơn. Theo dữ liệu thống kê từ Refinitiv tính đến thời điểm này cho thấy kết quả lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp đã công bố nhìn chung cao hơn dự báo, với 78% số công ty đã báo cáo lợi nhuận cho đến nay vượt qua kỳ vọng của nhà phân tích.

Tính chung cả tuần, cả hai chỉ số Dow và S&P 500 đều tăng 2,4%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 2,7%, đánh dấu tuần tăng trở lại đầu tiên kể từ cuối tháng 9.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng 10 là 250.000 việc làm, đánh bại dự báo của các nhà kinh tế trước đó là 202.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp gần như không đổi ở 3,7%, trong khi báo cáo cũng cho thấy tăng trưởng tiền lương so với cùng kỳ là 3,1%, cao hơn so với mức kỳ vọng là 3%.

Thị trường lao động Mỹ tiếp tục khởi sắc

Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 9 tăng 1,3%, lên mức cao nhất trong 7 tháng qua khi nhập khẩu đã lên mức kỷ lục.

Randy Frederick, phó giám đốc giao dịch thị trường phái sinh tại Charles Schwab bình luận: "Đây là một báo cáo việc làm tuyệt vời. Tăng trưởng việc làm tiếp tục mạnh mẽ, trong khi tăng trưởng tiền lương cũng cho thấy sự tiến bộ, và lạm phát cũng chưa phải là một mối quan tâm”.

Dù vậy, với thị trường lao động tiếp tục khởi sắc, thì Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ càng có thêm cơ sở vững chắc để tiến hành lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay, dự kiến diễn ra trong cuộc họp tháng 12 tới.

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á tăng mạnh vào hôm qua, trước sự lạc quan của các nhà đầu tư về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được. Chứng khoán châu Âu sau đó cũng leo lên cao hơn.

Giá đầu tiếp tục đi xuống, ngược lại đồng USD mạnh hơn, trong khi giá vàng giảm nhẹ.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vi-dau-chung-khoan-my-dut-chuoi-3-phien-tang-lien-tiep-16943.html