Vì đâu mẹ nỡ vứt con!

Những hài nhi bé bỏng được phát hiện khi đã tím tái trong những chiếc túi bóng, bên thùng rác hay dưới lòng mương… luôn làm dâng trào lên nỗi xót xa thương cảm, cùng với niềm căm hận khôn tả đối với kẻ đã mang bé đến với cuộc đời, nhưng lại đang tâm dập tắt đi sự sống bé nhỏ ấy.

Và khi thủ phạm lộ diện trong một khuôn mặt bơ phờ, đầy nước mắt, những người làm án cùng chung tâm trạng với cộng đồng, cố tìm cho ra lời giải về nguồn cơn nào đã khiến người mẹ mang nặng đẻ đau lại làm điều phi nhân ấy?

Ám ảnh khôn nguôi

Buổi sáng mùa đông năm ấy, khi đoàn khám nghiệm tiến vào khu vực cách ly bên bờ mương nước, đập vào mắt chúng tôi là một hình ảnh hãi hùng: dưới dòng nước rét, một bé trai đang nằm như ngủ.

Khi bé được đưa lên nằm trên chiếc chiếu trải ở vệ cỏ, nằm thiêm thiếp như đang ngủ, bờ môi nhỏ vẫn chun chun lại như đòi sữa. Bất ngờ, từ trong làn áo mỏng một con đỉa trâu mầm mẫm hối hả bò ra để trở lại lòng mương. Tất cả thành viên hội đồng khám nghiệm cùng lặng người đi. Ánh mắt mọi người cùng dõi theo chiều chuyển động của con đỉa, cho đến khi nó rơi tõm xuống dòng nước.

Trào dâng trong chúng tôi khi ấy, là một cảm xúc đè nặng lồng ngực. Càng xót xa trước thân phận tội nghiệp của bé, sự nóng lòng muốn có ngay câu trả lời về tội ác ấy lại càng thiêu đốt tâm can lực lượng phá án.

Hiện trường vụ bỏ con đau lòng tại Hà Nội.

Hiện trường vụ bỏ con đau lòng tại Hà Nội.

Suốt những ngày sau, hoạt động truy xét tập trung vào gia đình cháu bé, dựng lên mọi vấn đề, mâu thuẫn, các mối quan hệ. Những giả thuyết điều tra khác nhau được đặt ra để đi tìm chứng cứ chứng minh. Khi chưa có căn cứ loại trừ khả năng nào thì mọi chuyện đều được đưa vào "tầm ngắm" để kiểm tra.

Để tìm ra thủ phạm trong thời gian sớm nhất, nhận định có thể kẻ thủ ác sau khi ra tay sát hại cháu bé bị lương tâm cắn dứt, sẽ đến phần mộ của cháu để tự vấn, ăn năn, có những đêm hàng chục trinh sát âm thầm nấp trong bụi cây dại, dõi mắt theo dõi nấm đất nhỏ có đặt ngọn đèn dầu trong khu nghĩa địa hoang vắng và nhiều rắn.

Sau hơn một tuần truy xét, loại trừ được các khả năng kẻ thủ ác là người bên ngoài, hướng điều tra tập trung vào N. - người mẹ của hài nhi xấu số ấy.

Vụ án xảy ra trong đêm, không nhân chứng, không thu được những dấu vết, chứng cứ vật chất… khiến công tác điều tra gặp khó khăn khi N bỗng hóa điên, nói lảm nhảm những câu không ai hiểu, có những cử chỉ, động tác bất thường. Hoạt động điều tra lâm vào "câu dầm bế tắc" khi N. được đưa vào phòng điều trị tâm thần để thăm khám, theo dõi.

Quá trình này mất vài tháng và N. vẫn cứ "ngu ngơ", như thoát khỏi thế giới thực. Hành trình đi tìm đáp án cho câu hỏi: "liệu người mẹ này có thể giết con không? và nếu cô ta là thủ phạm thì cơn cớ vì đâu?" thật gian nan. Nhiều cuộc giám định tâm thần được tổ chức sau đó, giới chuyên môn đưa ra những y văn, tài liệu mô tả về chứng trầm cảm, rối loạn hành vi sau sinh của phụ nữ… để thuyết minh cho khả năng thủ phạm vụ án chính là N..

Nhưng đó cũng chỉ là nhận định. Để chứng minh tội phạm, cần phải có mọi thứ đã tường minh có thể đặt lên bàn xét xử. Bởi vậy, cuộc điều tra bế tắc vì người mẹ đã bị tâm thần vĩnh viễn sau cú sốc mất con. Bao năm qua, cái chết ấy chưa bao giờ được làm sáng tỏ, và câu hỏi còn lơ lửng, ám ảnh khôn nguôi với những người làm án năm xưa.

Tội ác đến từ đâu?

Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ không phải chuyện mới, nhưng mỗi khi sự việc được phát giác, thủ phạm lộ diện… đều gây bão dư luận. Mới đây nhất, vào sáng ngày 5-11-2019, sản phụ Lương Thị Hà M. (sinh năm 1999, quê Hưng Yên, là sinh viên năm 3 của một trường đại học ở Hà Nội) sau khi sinh con ra, đã cho con luôn vào túi nilon rồi ném vào thùng rác tại ngõ Văn Chương 2, phường Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội)…

Lương Thị Hà M. - người đã bỏ con vào thùng rác tại ngõ Văn Chương 2, phường Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội).

Trước đó, vào khoảng 15h ngày 28-6, trong lúc đi thu gom rác, một người đàn ông phát hiện một thi thể thai nhi còn nguyên dây rốn trong chiếc thùng tại đường Cây Me (phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Còn nhớ năm 2018, dư luận bàng hoàng trước vụ ném con mới sinh từ tầng 31 chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) xuống đất. Thủ phạm được xác định là V. (21 tuổi, là sinh viên năm 4 một trường đại học ở Hà Nội, quê ở Quảng Bình). Tại cơ quan điều tra, V. khai sau khi sinh con, thấy đứa bé đã qua đời nên mới ném qua cửa sổ nhà vệ sinh…

Trước những sinh linh tội nghiệp bị chính người mẹ đang tâm vất bỏ hay giết hại khi mới chào đời, dư luận đều dành cho họ những lời chì chiết cay nghiệt nhất. Cũng dễ hiểu, bởi người xưa có câu "hổ dữ không ăn thịt con". Đạo lý làm người, lòng nhân ái, tâm thức vì lớp người sau… không chấp nhận được những biện minh cho hành động phi nhân tính với chính núm ruột của mình.

Tuy nhiên, họ - những người mẹ tước đoạt mạng sống của con mình, liệu có phẩm chất "máu lạnh" như dư luận đã gắn cho họ hay không? Theo Trung tá Lê Minh Hải (Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội) thì việc phân tích, làm rõ nguồn cơn sâu xa của tội ác tạo cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp ngăn ngừa hiện tượng nguy hiểm này.

Ông cho biết: "Từ thực tiễn điều tra các vụ trọng án, chúng tôi thấy động cơ thúc đẩy người mẹ hành xử độc ác với đứa con dứt ruột đẻ ra của mình, có thể là để thoát ly trách nhiệm, hoặc do hội chứng trầm cảm sau sinh dẫn đến rối loạn nhận thức và hành vi. Cũng có nhiều trường hợp do những áp lực tâm lý nặng nề, không thể vượt qua, khiến người mẹ trong thời điểm nào đó có những suy nghĩ không thấu đáo dẫn đến hành động dại dột là giết hoặc vứt bỏ đứa con của mình".

Vẫn theo ông Hải, qua những vụ án giết hoặc vất bỏ trẻ sơ sinh xảy ra mới đây, có thể thấy thủ phạm đều là nữ sinh, đang học tập tại các nhà trường, phải làm mẹ bất đắc dĩ - nghĩa là việc họ mang thai và sinh con nằm ngoài ý muốn. Cảm xúc lo lắng việc bị gia đình, nhà trường, bạn bè biết sự thật "không chồng mà chửa", sợ làm ô danh gia đình, nhục nhã xấu hổ với mọi người xung quanh, sợ ảnh hưởng tới công việc học tập, tương lai của mình sau này… đè nặng, gây ra khủng hoảng tâm lý, dễ dẫn đến hội chứng trầm cảm sau sinh.

Khi mắc hội chứng này, người mẹ có thể bị rối loạn về nhận thức, hành vi và nhân cách. Biểu hiện trên thực tế rất đa dạng, có người muốn tìm đến cái chết để giải thoát, có người muốn giết con… Vì vậy khi thực hiện tội phạm, có thể người mẹ không ý thức được hết tính chất nguy hiểm của hành vi.

Dưới góc độ chuyên môn, Bác sĩ sản khoa Đào Vũ Cẩm Anh cũng chia sẻ nhận định trên. Theo bà, khi mắc chứng trầm cảm sau sinh, người bệnh thường có những biểu hiện tâm sinh lý khác thường như cảm giác buồn và lo lắng, cáu kỉnh, bồn chồn, không thể tìm thấy niềm vui hoặc sự thích thú trong cuộc sống, cảm thấy kiệt sức hoặc không có động lực để làm việc, mất ngủ, cảm thấy tuyệt vọng, tội lỗi hoặc vô giá trị, có rất ít sự quan tâm tới em bé mới sinh.

Do đó, xét ở khía cạnh sâu xa nào đó, những bà mẹ giết hay vứt bỏ con không hẳn đã là người độc ác, "máu lạnh" như người bên ngoài nghĩ về họ, mà có thể họ đang bị rối loạn về tâm lý, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi.

Hiểu để phòng ngừa

Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng hầu hết những trường hợp giết hoặc vất bỏ con mới đẻ đều là do có thai ngoài ý muốn, không có sự có mặt của người cha. Xuất phát từ hoàn cảnh éo le, người mẹ không thể suy nghĩ được nhiều hơn, ngoài việc bỏ con để kết thúc trách nhiệm.

Những hành động này xuất phát từ sự thiếu giáo dục và thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm của gia đình. Rõ ràng, đối với những việc này thì vai trò của giáo dục trong gia đình là rất quan trọng.

Nếu như người nhà biết để ý quan tâm với con cái, những cô gái này sẽ không phải mang thai trong âm thầm. Nếu được giáo dục các kỹ năng sống, giáo dục giới tính và sinh sản từ sớm, biết bảo vệ bản thân, biết kiềm chế bản năng tình dục, biết cách phòng ngừa thai... thì những người này đã không để xảy ra những chuyện mang thai ngoài ý muốn. "Vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn là để hươu chạy nhầm đường".

Người dân lo thể tất cho sinh linh xấu số.

Tiến sĩ Đào Ngọc Ánh (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá hành vi giết hay vất bỏ con mới đẻ chủ yếu đến từ những bà mẹ chưa có sự chuẩn bị về tinh thần, tài chính, hay chưa có một hoàn cảnh để thích hợp cho việc chào đón và nuôi nấng một đứa trẻ. Hành động này thể hiện sự bồng bột, non dại, thiếu hiểu biết, sự sợ hãi.

Sâu xa ở vấn đề này là do cách nhìn của xã hội đối với họ. Việc sợ hãi gia đình, xã hội đã làm các bạn trẻ quên mất đi sự kết nối máu thịt giữa người mẹ và đứa con. Cái giá mà họ phải trả không chỉ là pháp luật mà còn là sự ăn năn về tinh thần trong quãng đời còn lại.

Người mẹ sinh con ra rồi lại giết con nên rất khó để tha thứ, nhưng sự giáo dục của gia đình, đồng thời áp lực từ xã hội cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai trái này. Bà Ánh mong rằng cộng đồng xã hội có thể bao dung hơn, không tạo áp lực tinh thần quá lớn lên các bạn trẻ trót sa ngã, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Đối với những bà mẹ "bất đắc dĩ", theo bà Ánh cũng không thiếu gì cách để "xử lý tình huống".

Có rất nhiều cách giải quyết vấn đề, trong trường hợp không thể can thiệp y tế, buộc phải sinh con nhưng không thể nuôi, người mẹ có thể cho người khác làm con nuôi, hoặc nhờ các cơ sở tôn giáo như nhà chùa, nhà thờ, các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ, nuôi nấng cháu bé.

Nếu khi sinh ra, đứa bé không sống được, thì người mẹ cũng nên đưa tiễn con mình sao cho đúng phong tục tập quán, thể hiện đạo làm người, tình mẫu tử thiêng liêng. Chứ việc gói con vào túi ném vào thùng rác, hay cống rãnh bẩn thỉu thì không thể chấp nhận được.

Xã hội có thể lượng thứ cho việc lầm lỡ "trót dại", nhưng không thể bỏ qua những hành vi xúc phạm những sinh linh tội nghiệp đó.

Đào Trung Hiếu

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/vi-dau-me-no-vut-con-570368/