Vì đâu thần đồng toán học Harvard thành kẻ khủng bố khét tiếng lịch sử?

Chuỗi những hành vi khủng bố của Unabomber kéo dài 17 năm, kéo theo cuộc săn lùng lớn nhất trong lịch sử FBI. Cuối cùng, người ta ngỡ ngàng khi biết được rằng thủ phạm thực chất là một thần đồng toán học.

Những vụ đánh bom gây chấn động

Sáng 24/4/1995, ông Gilbert Murray - Giám đốc điều hành Hiệp hội Lâm nghiệp bang California, Mỹ - nhận được một gói đồ có kích thước và hình dạng như một hộp đựng giày, được bọc trong giấy màu nâu. Có điều, chiếc hộp rất nặng và đề tên người nhận là ông William Dennison – người tiền nhiệm của ông Murray. Khoảng 14h chiều cùng ngày, ông Murray quyết định mở chiếc hộp. Một vụ nổ lớn đã xé toạc tòa nhà văn phòng một tầng, khiến các cửa sổ vỡ tan.

Kẻ khủng bố khét tiếng trong nhà tù Mỹ năm 1999.

Ông Murray đã tử vong ngay tại hiện trường, trở thành nạn nhân thứ 3 thiệt mạng bởi Unabomber - đối tượng bị truy nã gắt gao nhất ở Mỹ thời điểm lúc bấy giờ. Trong suốt 17 năm từ 1978 đến 1996, đối tượng có biệt danh Unabomber đã khiến người Mỹ vô cùng hoang mang khi liên tục gửi những quả bom tự chế được đặt trong những bưu kiện tới các địa chỉ khác nhau trên khắp nước Mỹ.

Unabombẻ là ai, một người hay nhiều người, sống ở đâu, thậm chí cả giới tính của thủ phạm cũng không ai biết được. Tổng cộng, đến vụ tấn công nhằm vào ông Murray đã có 24 quả bom được gửi đi. Vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 25/5/1978, khi một hộp giấy được trả về cho giáo sư của trường Đại học Illinois (Chicago).

Do không phải mình gửi gói hàng đi nên vị giáo sư đã mang tới bộ phận an ninh của trường để kiểm tra. Tại đây, quả bom tự chế trong gói hàng đã phát nổ khiến một số nhân viên bảo vệ bị thương. Mỗi quả bom mà đối tượng gửi đi đều được chế tạo độc đáo.

Nhiều thiết bị được làm bằng gỗ hoặc có một phần bằng gỗ. Trong hầu hết các vụ việc, chất nổ được chế tạo từ bột súng, đầu diêm và các vật phẩm khác có sẵn. Ban đầu, những khối thuốc nổ được gửi đi được chế tạo khá đơn giản, không gây chết người. Song, qua thời gian, kẻ đánh bom đã chế tạo ra những thiết bị mạnh hơn, che giấu tốt hơn và nguy hiểm hơn so với trước.

Vì kẻ khủng bố thường nhắm tới các trường đại học và hãng hàng không nên FBI đã gọi vụ việc này là Unabom - từ viết tắt của University (đại học) và Airline bomb (bom hàng không), còn thủ phạm được đặt cho biệt danh Unabomber. Theo giới điều tra, thủ phạm trong các vụ việc này đã rất tỉ mỉ xóa đi tất cả dấu vân tay trên quả bom.

ôi khi, tên này cố tình gửi những gói hàng nhưng không điền đầy đủ thông tin của người nhận, khiến gói hàng sau đó bị trả lại cho người gửi được ghi trên bưu kiện - thực chất đây mới chính là mục tiêu của tên này. Các nạn nhân dường như ngẫu nhiên, ở khắp các bang của Mỹ như Chicago, California và New Jersey. 23 người đã bị thương tật, mất ngón tay, tay chân và mắt, 3 người khác đã thiệt mạng.

Điểm tương đồng duy nhất giữa các mục tiêu dường như là mối liên hệ với lĩnh vực công nghệ hoặc hủy hoại môi trường. Sau các vụ việc nói trên, các điều tra viên gần như không có được manh mối nào đáng kể. Trong khi đó, càng về sau, mức độ tinh vi và chết người của khối bom càng cao khiến dư luận không khỏi hoang mang...

Vạch trần hung thủ

Năm 1995, 2 tờ báo Washington Post và New York Times nhận được một bài luận dài 35.000 từ mang tên “Xã hội công nghiệp và Tương lai của nó”, văn bản còn được nhiều người gọi là Tuyên ngôn Unabomber bởi nó cho thấy rõ động cơ và quan điểm của kẻ khủng bố.

Trong bức thư gửi kèm bài viết, Unabomber tuyên bố sẽ từ bỏ những hành động khủng bố của hắn nếu báo chí Mỹ đăng tải bài viết này. Trong bài viết này, Unabomber nêu ra hàng loạt những luận điệu để chứng minh công nghệ trong xã hội hiện đại tác động tiêu cực đến con người, rằng cuộc cách mạng công nghiệp và hậu quả của nó là một thảm họa đối với loài người...

Sau khi cân nhắc, 2 tờ báo trên đã đăng tải bài viết của Unabomber. Động thái này không chỉ nhằm làm xoa dịu kẻ tấn công quái dị mà còn vì FBI hy vọng việc đăng tải bài viết này có thể giúp họ tìm được manh mối liên quan đến kẻ khủng bố đầy bí ẩn.

Quả thực, chỉ ít lâu sau đó, giới chức Mỹ nhận được tin báo từ một luật sư trẻ, cho hay anh ta nghi ngờ kẻ đánh bom chính là anh trai của mình. Theo lời khai của người này, bài luận của tên Unabomber được đăng tải trên báo có cách hành văn, những quan điểm và luận điệu giống hệt với anh trai của mình tên là Theodore Kaczynski.

Ngay sau khi nhận được tin báo, các điều tra viên người Mỹ đã khẩn trương điều tra, xác minh thông tin và thu thập bằng chứng. Ngày 3/4/1996, các điệp viên Mỹ đã tiến hành bắt giữ tên Kaczynski sau khi có được lệnh bắt tên này. Khám xét trong ngôi nhà tạm của người này, họ tìm thấy các vật liệu chế tạo bom, một quả bom đã sẵn sàng để gửi đi, bản thảo gốc bài luận dài 35.000 trang và 40.000 trang tài liệu ghi lại cuộc sống hàng ngày của tên này, về chiến dịch đánh bom cũng như sự tức giận của hắn ta.

Từ thiên tài thành tội phạm

Kaczynski sinh năm 1942 ở Chicago, bang Illinois, là thế hệ người Ba Lan nhập cư thứ 2. Khi còn nhỏ, là một cậu bé nhút nhát, nhạy cảm và hay xấu hổ nhưng Kaczynski trở nên nổi bật khi có chỉ số IQ tới 167, cao hơn cả chỉ số IQ của Stephen Hawking và Albert Einstein. Khi Kaczynski tốt nghiệp trung học sớm vào năm 15 tuổi thì đã nộp hồ sơ vào trường Harvard và được nhận.

Năm 16 tuổi, người này bắt đầu theo học tại khoa Toán của trường Harvard. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, Kaczynski tiếp tục theo học tại trường Đại học Michigan và lấy được bằng Tiến sĩ Toán học. Sau đó, y đến Đại học Carlifornia và trở thành trợ lý Giáo sư trẻ tuổi nhất trong lịch sử của trường vào năm 25 tuổi.

Tuy nhiên, cũng chính trong những năm này, người này đã tỏ ra có những vấn đề được xem là không bình thường so với số đông. Ví dụ, khi học đại học, y chỉ loanh quanh ở trường và phòng ngủ, không mấy khi kết thân với người khác.

Tình hình ngày càng xấu đi, đến khi gia nhập trường Đại học Carlifornia, y trở nên ghét bỏ tất cả các đồng nghiệp và sinh viên xung quanh. Trong phòng ngủ, hắn luôn nghe thấy hàng xóm thì thầm về mình. Một lần, trong lúc cuồng loạn vì thất vọng về tình dục, hắn đã quyết định đi chuyển giới nhưng sau đó đã hủy lịch hẹn tư vấn xác định lại giới tính.

Ngay từ khi này, ý nghĩ giết người đã thường xuyên xuất hiện trong tâm trí hắn. Đến năm 1971, Kaczynski quyết định từ chức, hắn bỏ tới sống trong một căn nhà dựng tạm không điện nước ở Lincoln (Montana). Tại đây, hắn sống bằng cách thu lượm cây cỏ và các con thú xung quanh. Ngày 22/5/1978, y đã tiến hành vụ đánh bom thư đầu tiên.

Tại phiên tòa diễn ra năm 1997, các công tố viên đã phá thỏa thuận với người cung cấp thông tin David Kaczynski (em trai của thủ phạm) và đề nghị mức án tử hình. Trong khi mẹ và em trai ra sức thuyết phục tòa giảm án với lý do thần kinh của hắn có vấn đề nhưng Kaczynski lại phản bác điều này, khẳng định hắn hoàn toàn bình thường, động cơ phạm tội của hắn là kết quả của việc suy nghĩ cẩn thận.

Cũng có một số ý kiến cho rằng Kaczynski thực chất trở thành tội phạm vì đã tham gia vào dự án MKUltra (dự án tuyệt mật của CIA), trong đó cơ quan này đã tiến hành hàng trăm thử nghiệm để đánh giá về khả năng sử dụng thuốc gây ảo giác mạnh LSD (Lysergic Acid Diethylamide) cùng nhiều loại thuốc khác trong việc kiểm soát tư tưởng con người.

Theo những nguồn tin này, Kaczynski đã đồng ý để Giáo sư tâm lý học Henry Murray của trường Harvard tiến hành thí nghiệm trong những năm học tại trường này. Có điều, bất luận nguyên nhân là gì, sau cùng, Kaczynski đã phải nhận mức án tù chung thân vì những hành vi phạm tội của hắn.

Bảo Hân

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vi-dau-than-dong-toan-hoc-harvard-thanh-ke-khung-bo-khet-tieng-lich-su-d104514.html