Ví, giặm lay động lòng người...

Trong sinh quyển được tạo nên từ tâm hồn, nhịp sống của đất và người xứ Nghệ, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh càng khẳng định sức sống bền bỉ trong sự phát triển của đời sống văn hóa; ngày càng xuất hiện nhiều trên các sân khấu, sự kiện lớn, tạo nên những giá trị mới.

Tiết mục diễn xướng ví phường vải tại lễ kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón bằng UNESCO công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Có thể xem 2023 là một năm có nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ với 4 cột mốc chính: Lễ kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu” (tháng 6/2023); lễ kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 55 năm ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng TNXP (tháng 7/2023); lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (tháng 10/2023) và Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi (NCT) khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra tại Hà Tĩnh (tháng 10/2023).

Tại các sự kiện, các chương trình nghệ thuật sử dụng làn điệu ví, giặm và những bài hát mới mang âm hưởng ví, giặm đã thực sự lay động lòng người, tái hiện hiệu quả không gian lịch sử, văn hóa một thời, làm nổi bật tài năng, tâm huyết, sự cống hiến to lớn của các danh nhân, tinh thần chiến đấu quả cảm hy sinh của người dân Hà Tĩnh, các lực lượng đã chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc anh hùng.

Đó là các trích đoạn ca kịch dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: “Rạng ngời đất học Trường Lưu” (Nghệ sĩ Ưu tú An Ninh viết lời), “Phường vải đêm trăng” (Quốc Dũng biên soạn làn điệu cổ)... Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm” đã gây xúc động mạnh mẽ tới hàng vạn khán giả, nhất là trích đoạn kịch hát dân ca: “Một thời và mãi mãi” (kịch bản: Nguyễn Sĩ Đại; chuyển thể dân ca, lồng điệu và đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú An Ninh).

Lần đầu tiên, hình ảnh ông Trần Quang Đạt - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh, người lãnh đạo tận tâm, trách nhiệm, sâu sát và có nhiều sáng kiến trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 được tái hiện. Cuộc hội ngộ giữa các nhân chứng lịch sử trên sân khấu, người còn người mất: Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn, ông Trần Quang Đạt, Anh hùng Uông Xuân Lý và câu chuyện của 55 năm về trước ở Đồng Lộc và Tiến Lộc, lời nhắn gửi tới mai sau thông qua làn điệu ví, giặm đã làm không ít khán giả rơi nước mắt, thêm tự hào về những người con Hà Tĩnh.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật “Kẻ sĩ đất La Sơn” tại lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (tháng 10/2023).

Những ngày tháng 10/2023, người dân Hà Tĩnh lại có thêm cơ hội được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Kẻ sĩ đất La Sơn” (kịch bản: Nghệ sĩ Ưu tú An Ninh) tại lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Ngoài phần mở đầu do ca sỹ Đăng Thuật hát có sử dụng làn điệu ca trù, còn lại toàn vở ca kịch sử dụng làn điệu ví, giặm, tái hiện cuộc đời của Nguyễn Thiếp, đức tài, nhân cách cùng sự đóng góp to lớn của ông cho nền văn hóa, giáo dục nước nhà và trong vai trò quân sư của vua Quang Trung.

Những chương trình nói trên đều do các nghệ sỹ chuyên nghiệp như: Đăng Thuật, Thu Hà, Tiến Hưng, Quỳnh Anh, Thanh Tài, Thanh Quý... và các diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh thể hiện. Nhờ đổi mới về đội ngũ ê-kíp sáng tạo cũng như công tác hòa âm phối khí, phong cách biểu diễn, đầu tư kịch bản, viết lời cho các trích đoạn dân ca ví, giặm, biên đạo múa... Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, chuyển tải nội dung các chương trình nghệ thuật một cách đậm nét. Các ca sĩ: Hữu Thể, Quang Hưng, Thanh Nguyên, Công Mạnh... không chỉ hát hay mà còn nhập vai các nhân vật lịch sử rất đạt. Đội ngũ diễn viên múa được “trẻ hóa”, đáp ứng số lượng, chất lượng, làm cho không gian nghệ thuật sống động, gợi cảm, mang màu sắc truyền thống rõ nét.

Diễn xướng “Hội phường ví giặm nhà nông” do CLB Dân ca xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh) biểu diễn tại Liên hoan dân ca ví, giặm toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023.

Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Cẩm - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh chia sẻ: “Với chức năng bảo tồn và phát huy các di sản nghệ thuật truyền thống, chúng tôi rất chú trọng phần kịch bản, âm nhạc và chuyển thể lồng điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, các trích đoạn. Nghệ sĩ Ưu tú An Ninh là người viết lời dân ca ví, giặm rất đằm thắm, ngọt ngào, đi vào lòng người nên luôn được chúng tôi tin tưởng gửi gắm. Nhà hát cũng đang hướng tới một phong cách nghệ thuật mới, đưa hơi thở dân gian vào nhịp sống đương đại để tạo nên sự đa dạng và phong phú cho kịch bản, vừa tươi trẻ vừa giàu bản sắc để nâng giá trị các tác phẩm, làm thỏa mãn thị hiếu của khán giả”.

Cũng trong tháng 10, Liên hoan Tiếng hát NCT Hà Tĩnh năm 2023 và liên hoan cấp khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc được tổ chức. Một không khí hào hứng, sôi nổi diễn ra, thu hút không chỉ NCT khắp các miền quê mà còn lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, dõi theo.

Làn điệu ví, giặm lại được cất lên, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, truyền thống NCT. Qua các vòng thi, đoàn Hà Tĩnh đã lựa chọn được một chương trình nghệ thuật mang tên: “NCT đất Hồng Lam vâng lời Bác dạy” tham dự liên hoan khu vực phía Bắc và liên hoan toàn quốc. Trọng tâm của chương trình vẫn là tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh do Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Bá Ngọc viết lời với sự diễn xuất của các ca sĩ: Thái Bảo, Trọng Tuấn, Thu Hường, Mai Nguyệt, Hữu Vỵ, Văn Hạnh... và tốp múa. Giữa lời ca tiếng hát muôn phương với những sắc màu khác nhau, dân ca ví, giặm gây xúc động, mến thương trong lòng người. Màn chào giã bạn tại hội thi cấp tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc của đoàn Hà Tĩnh đã nhận được không ít tràng pháo tay và lời khen ngợi.

Nhạc sĩ Vũ Huy đến từ tỉnh Hà Nam nhận xét: “Ví, giặm Nghệ Tĩnh càng nghe càng da diết, nhớ thương, tình cảm, khiến ai cũng muốn xích lại gần hơn...”.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thế Nhuần và nghệ nhân Hoài Thu (CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) với những màn hát đối đáp dí dỏm qua tiết mục lời cổ “Ô lục soạn”.

Lợi thế của dân ca ví, giặm lời mới là có thể viết được đa dạng nhiều đề tài khác nhau, không gian khác nhau bởi có nhiều làn điệu, có thể xen phần kịch vào (ca cảnh, ca kịch) để chuyển tải nội dung. Sân khấu ví, giặm cũng có thể dàn dựng được thêm nhiều khung cảnh, đạo cụ. Cùng với đó là các điệu múa dân gian, múa hiện đại, trang phục... làm cho không gian nghệ thuật trở nên hấp dẫn, đậm đà bản sắc.

Những giá trị của dân ca ví, giặm đang ngày càng phát huy mạnh mẽ trong đời sống văn hóa Hà Tĩnh. Tình yêu với câu hát ông cha thấm vào máu thịt là mạch nguồn, là động lực để các nghệ nhân, diễn viên mang đến cho khán thính giả những giây phút đắm say, hào hứng. Dân ca ví, giặm hiện diện trong đời sống người dân xứ Nghệ như món ăn tinh thần không thể thiếu. Từ các sàn diễn nghệ thuật quần chúng đến các sân khấu lớn, chuyên nghiệp; từ các lễ hội đến các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, ví, giặm vang lên khiến những người sinh ra trên miền đất hát Nghệ Tĩnh thêm yêu cuộc sống, yêu lao động, thêm yêu quê hương, đất nước...

Bùi Minh Huệ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/vi-giam-lay-dong-long-nguoi/261091.htm