Vị giáo sư gắn cuộc đời với nghề lưu trữ

Nhiều năm công tác với các cương vị Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước, rồi Chủ tịch Hội Lưu trữ Việt Nam, PGS.TS Dương Văn Khảm đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu xây dựng Hệ thông tin tự động tài liệu phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Sinh ra ở một vùng quê nghèo chiêm trũng của huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, Dương Văn Khảm sớm rèn luyện cho bản thân ý chí vươn lên trong học tập để thoát khỏi cảnh quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông về công tác ở Ban Khoa giáo Trung ương. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được Ban Khoa giáo cử sang CHDC Đức học ngành Lưu trữ học ở trường ĐH Tổng hợp Humbold, rồi tiếp tục làm nghiên cứu sinh (1983-1985). Trong quá trình học, ông luôn nhớ đến câu ngạn ngữ của người Đức: Vận động là nguồn gốc của sự sống, bởi vận động luôn ở nhiều trạng thái khác nhau, đặc biệt là sự vận động trí não.

Đối với ông, cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa nếu ngừng vận động, suy nghĩ. Khi về nước, ông được giao nhiều trọng trách như Cục Phó Cục Lưu trữ (1988-1994), rồi Cục trưởng (1995-2005). Mặc dù vậy, ông vẫn thường viết bài (với hơn 50 bài đăng các tạp chí khác nhau) và tham gia đề tài khoa học như: “Xây dựng Hệ thông tin tự động Lưu trữ quốc gia” (giai đoạn 1987-1992), đề tài cấp Nhà nước; “Cơ sở khoa học để xây dựng Luật lưu trữ” (giai đoạn 2000-2003), đề tài cấp Bộ... Và khi tuổi đã bát thập, PGS.TS Dương Văn Khảm vẫn chưa nghỉ ngơi, vẫn tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh và duyệt bài cho Tạp chí Văn thư – Lưu trữ Việt Nam. Có lẽ, ông muốn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong mỗi công việc này.

PGS.TS. Dương Văn Khảm - nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước chia sẻ về những vấn đề cần nghiên cứu trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: T.Liên

Theo PGS.TS Dương Văn Khảm thì công tác tổ chức lưu trữ dựa trên nguyên tắc xuất xứ có cơ sở thực tiễn là dựa trên hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước với từng cấp độ riêng đã sản sinh ra tài liệu: cấp Trung ương, cấp địa phương. Riêng cấp địa phương lại phân ra các đơn vị hành chính: cấp tỉnh, cấp huyện. Nguồn tài liệu của từng cấp được tổ chức theo khu vực thẩm quyền lưu trữ của các Lưu trữ lịch sử để quy định việc thu thập tài liệu. Ví dụ ở Trung ương, Trung tâm Lưu trữ quốc gia có thẩm quyền thu thập tài liệu lưu trữ của các cơ quan Trung ương, bao gồm tài liệu của các cơ quan quyền lực Nhà nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các công trình trọng điểm Nhà nước… Trung tâm Lưu trữ cấp tỉnh, có thẩm quyền thu thập tài liệu của các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh. Các cơ quan, tổ chức của từng cấp là nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử lại được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định bằng một quyết định Danh mục nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử của từng cấp.

Qua đó, công tác tổ chức lưu trữ quy định “Khu vực thẩm quyền lưu trữ” để xác định rõ quyền thu tài liệu của từng Lưu trữ lịch sử khác nhau trong một phạm vi không gian “Hành chính- lãnh thổ”. Công tác tổ chức lưu trữ theo khu vực thẩm quyền lưu trữ loại trừ được hiện tượng tranh chấp nhau thu tài liệu có giá trị, hoặc hiện tượng bỏ “của vô thừa nhận” đối với tài liệu có giá trị khác không có ai thu. Một chứng minh cụ thể như, trên địa bàn TP Hà Nội có 3 Lưu trữ lịch sử lớn: Trung tâm Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Trung tâm Lưu trữ TP Hà Nội. Nếu công tác tổ chức lưu trữ không đi trước một bước, quy định rõ thẩm quyền thu tài liệu của 1 trong 3 Lưu trữ lịch sử này, thì công việc thu thập tài liệu đến hạn nộp lưu vào từng Lưu trữ lịch sử không thể tiến hành được. Giá trị lớn nhất của công tác tổ chức lưu trữ theo Nguyên tắc xuất xứ là định rõ giá trị vốn có của tài liệu về nguồn gốc của chúng. Tài liệu được thu thập về các kho của Lưu trữ lịch sử đều được thể hiện rõ lý lịch của mình, xuất xứ từ đâu, vì theo lý thuyết lưu trữ học, tài liệu dù có nội dung hay đến mấy, nhưng không biết nguồn gốc của nó, đều không được công nhận là tài liệu lưu trữ.

Gắn cuộc đời với công tác lưu trữ PGS.TS Dương Văn Khảm cho rằng, các nguyên tắc quản lí tài liệu lưu trữ tạo ra một nền tảng cho lưu trữ học và các qui định của pháp luật lưu trữ. Khoa học lưu trữ, hay các khoa học khác, trong hệ thống lý luận của nó, có nhiều nguyên tắc. Thông qua tổng kết kinh nghiệm, các nguyên tắc dần dần được hình thành và trở thành chế độ phổ biến, mang tính chất bắt buộc thông qua hệ thống pháp luật về lưu trữ. Vào thời kỳ khai sinh ra lý thuyết của lưu trữ học, được mở đầu bằng yêu cầu xem xét, đánh giá lại các kho văn tự ở châu Âu, khi chúng được sử dụng cho yêu cầu nghiên cứu lịch sử như nguồn sử liệu quan trọng nhất. Khi các nhà nghiên cứu áp dụng việc đánh giá và phê phán các nguồn sử liệu này, đã phát hiện có nhiều văn tự không có độ tin cậy, thậm chí có cả các văn tự giả.

Nếu nguồn sử liệu nghiên cứu như vậy, sẽ đem lại nguy cơ cho việc nghiên cứu lịch sử và đưa lại một kết quả giả tạo. Vì vậy, bên cạnh bộ môn tư liệu học và sử học, có một khoa học bổ trợ là khoa học “Phê phán nguồn sử liệu”. Bộ môn khoa học này đưa ra được các giải pháp để xác định độ tin cậy của các nguồn sử liệu, mà một trong các giải pháp đó là áp dụng là nguyên tắc xác định rõ nguồn gốc của tài liệu. Vì vậy, nguyên tắc xuất xứ được coi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các quy trình quản lý nghiệp vụ lưu trữ, mà hiện nay, hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đều áp dụng để quản lý tài liệu lưu trữ của mình. Nguyên tắc này đòi hỏi, đối với công tác lưu trữ, việc quản lý, đánh giá, lựa chọn tài liệu để bổ sung lưu trữ, phải thực hiện trước hết là xác định nguồn và đánh giá nguồn sản sinh ra tài liệu. Đó là một yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, một tài liệu với nội dung cụ thể, phản ánh một hoạt động xã hội, mà không biết tài liệu đó là của ai, do do cơ quan nào tạo ra, thì không thể đủ độ tin cậy để trở thành nguồn sử liệu phục vụ nghiên cứu. Nếu nhà nghiên cứu sử dụng các tư liệu không rõ nguồn gốc, thì kết quả nghiên cứu thường bị coi là tự biện.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-giao-su-gan-cuoc-doi-voi-nghe-luu-tru-174850.html