Vị giáo sư tâm huyết với ngành giao thông vận tải

Những thập kỷ gần đây, ngành xây dựng cầu GTVT Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thành tựu KHCN trên có sự đóng góp to lớn của các cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật ngành GTVT bao gồm GS.TS Nguyễn Phúc Trí, nguyên công trình sư Viện Thiết kế giao thông; Viện trưởng Viện Thiết kế GTVT; Trưởng ban nghiên cứu thiết kế cầu Thăng Long kiêm Phó TGĐ xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long; nguyên ủy viên BCH TW Hội, UV HĐKH Hội KHKT Cầu đường Việt Nam nhiều khóa.

Có thể hình dung là trong sự nghiệp phát triển vừa qua, các cầu lớn và rất lớn với các khẩu độ nhịp tương đối dài đã là mục tiêu trọng tâm của sự phấn đấu và Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định. Từ khoảng một chục năm trước đây, một vài ý kiến đã được đề xuất trong một số Hội nghị kỹ thuật về áp dụng kiểu cầu có tên gọi là “Cầu toàn khối”, mà mục tiêu là nhằm xây dựng những cầu khẩu độ vừa và nhỏ, với chiều dài cầu dưới 200m.

Đề xuất do một số chuyên gia cầu nêu ra như GS.TS Nguyễn Phúc Trí, GS Nguyễn Trâm. Có thể là ý kiến đó ít được ai để ý vì nó còn mới mẻ. Tên gọi của cầu bằng tiếng Việt là “Cầu toàn khối”, dịch chưa khéo lắm từ chữ “integral bridge”, dễ làm cho người ta nhầm lẫn với khái niệm bê tông toàn khối, đúc tại chỗ khác với bê tông lắp ghép mà mọi cán bộ cầu Việt Nam đã rất quen thuộc, vì thế cũng làm cho mọi người ít để ý. Trong khi đó chưa có những tài liệu giới thiệu sâu hơn về bản chất loại cầu này và những lợi ích mà chúng mang lại.

GS. TS Nguyễn Phúc Trí (thứ 2 từ phải sang) tặng cuốn sách “Một số vấn đề cơ bản về công trình cầu và cầu toàn khối” cho đại diện Hội khoa học cầu đường Việt Nam. Ảnh: T.Liên

GS. TS Nguyễn Phúc Trí (thứ 2 từ phải sang) tặng cuốn sách “Một số vấn đề cơ bản về công trình cầu và cầu toàn khối” cho đại diện Hội khoa học cầu đường Việt Nam. Ảnh: T.Liên

Có thể nói trên thế giới, từ những năm đầu của thế kỷ XX, Cầu toàn khối đã được nghiên cứu, áp dụng trong nhiều công trình xây dựng, bởi những ưu điểm nổi trội về các mặt chịu lực, giảm chi phí duy tu, cải thiện điều kiện khai thác, đem lại sự thuận lợi cho lái xe, đặc biệt tiết kiệm chi phí trong xây dựng. Từ ngày đó, với lòng yêu nghề và sự say mê nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Phúc Trí bắt đầu từ tuổi 80 tới nay ở tuổi 90, đã từng bước hoàn thành các khâu: đăng ký đề tài; nghiên cứu ứng dụng về lý luận thiết kế đến triển khai thiết kế và thi công hoàn chỉnh một cầu cụ thể tại tỉnh Yên Bái, đã được đưa vào sử dụng; xây dựng bản chỉ dẫn kĩ thuật và cuối cùng là gửi đến nhà xuất bản cuốn sách: “Một số vấn đề cơ bản về công trình cầu và cầu toàn khối” nhằm giới thiệu công trình ứng dụng.

Nhớ lại năm 2003, lúc đó ông Nguyễn Phúc Trí dù đã 77 tuổi, vẫn hăng hái bắt tay nghiên cứu sâu về công nghệ Cầu toàn khối và có bài viết “Cầu toàn khối, một kiểu cầu cần được nghiên cứu ứng dụng” được đăng trên Tạp chí Thông tin Khảo sát thiết kế số 1 cùng năm. Trong hội nghị Xây dựng bền vững công trình đường bộ do Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam tổ chức tại Sầm Sơn vào tháng 7-2003, ông và đồng nghiệp Nguyễn Trâm tiếp tục trình bày hai báo cáo liên quan đến Cầu toàn khối. Trong một thời gian dài tiếp theo, vì nhiều lý do khác nhau việc ứng dụng loại kết cấu Cầu toàn khối mới chỉ dừng ở đề xuất. Theo GS Nguyễn Phúc Trí, mảng cầu vừa và nhỏ ít được quan tâm cải tiến về mặt kỹ thuật như các cầu lớn nên khi thiết kế vẫn dùng những kết cấu cũ, nặng nề, tốn kém. Trong khi, trên thực tế, cầu vừa và nhỏ lại chiếm tới 80% hệ thống cầu trên toàn quốc về cả số lượng và chiều dài. Với tất cả nhiệt huyết, ông Nguyễn Phúc Trí kiên trì thuyết phục các nhà đầu tư, đơn vị thiết kế áp dụng phương án Cầu toàn khối.

Không chùn bước trước khó khăn, năm 2004, trong văn bản dự đấu thầu tư vấn Dự án cầu yếu, GS Nguyễn Phúc Trí (vai trò kỹ sư cầu chính) - đại diện cho đơn vi dự thầu là Cty tư vấn quốc tế Katahira & Engineers của Nhật Bản, đã phân tích và đề xuất ứng dụng loại kết cấu Cầu toàn khối cho các cầu vừa và nhỏ. Tuy trúng thầu nhưng khi thực thi dự án, Cty tư vấn quốc tế Katahira & Engineers không được áp dụng theo đề xuất trên với lý do các cầu trong dự án đã được thiết kế theo kiểu truyền thống nên không có kinh phí cho việc thiết kế lại. Năm 2008, trong văn bản nghiên cứu khả thi của Dự án Đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (qua hai tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ), Cty Kospi Hàn Quốc có đề xuất ứng dụng loại cầu này nhưng kết quả cũng không như mong đợi.

Đến năm 2009, GS Nguyễn Phúc Trí đăng ký đề tài Nghiên cứu Cầu toàn khối và được Bộ GTVT phê duyệt với mã số DT 094035. Bộ quyết định giao cho Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường phối hợp với Tổng cục Đường bộ thực hiện và ông Trí làm Chủ nhiệm đề tài này. Các nội dung nghiên cứu của Đề tài bao gồm: Tổng luận về mức độ phổ biến của Cầu toàn khối trên thế giới; Các vấn đề kỹ thuật và công nghệ liên quan; Những vấn đề thuộc đặc thù của điều kiện Việt Nam và Dự thảo bản hướng dẫn kỹ thuật thiết kế và thi công. Tháng 9-2010, kết quả đề tài được nghiệm thu và được Bộ thông qua, đồng thời có công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ chọn địa điểm công trình làm thí điểm.

Năm 2012, hai đơn vị thực hiện đề tài DT 094035 đã thống nhất chọn Cầu Dài thuộc QL 37 tỉnh Yên Bái làm hạng mục xây dựng Cầu toàn khối thí điểm. Trong quá trình xây dựng thí điểm Cầu Dài, Tổng cục Đường bộ yêu cầu có số liệu so sánh phương án Cầu toàn khối với phương án truyền thống để kiểm chứng hiệu quả kinh tế, kỹ thuật. Trong quá trình làm việc, nhóm thiết kế, thi công gặp phải nhiều vấn đề cản trở. Nhưng nhờ sự cố gắng của các bên tham gia, công trình thí điểm đã được hoàn thành vào quý 2-2016. Kết quả dự toán công trình cho thấy, áp dụng kết cấu Cầu toàn khối giúp giảm 40% kinh phí xây dựng, chưa kể các khoản tiết kiệm do thi công đơn giản; duy tu bảo trì ít tốn kém hơn và khai thác hiệu quả hơn.

Từ đó, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường phối hợp với Tổng cục Đường bộ để chuyển giao công nghệ Cầu toàn khối trong xây dựng cầu vừa, nhỏ. Tháng 9-2017, Bộ GTVT cũng đã có chỉ đạo về việc áp dụng Cầu toàn khối vào các dự án xây dựng công trình giao thông theo quyết định số 10087/BGTVT-KHCN. Những kinh nghiệm từ công trình thí điểm trên giúp ích và hỗ trợ nhiều cho việc ứng dụng Cầu toàn khối cho các công trình sau.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-giao-su-tam-huyet-voi-nganh-giao-thong-van-tai-175880.html