Vị Hoàng giáp có chí 'nâng đất chống trời'

Trần Danh Án (1754 - 1794) người Bảo Triện, tổng Đại Lai, huyện An Định, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Phương Triện, xã Đại Lai, Gia Bình - Bắc Ninh).

Nhà thờ họ Trần Danh tại thôn Phương Triện, xã Đại Lai, Gia Bình - Bắc Ninh.

Có chí phục hưng nhà Lê nhưng vận thời đã đến hồi suy tàn, chính nghĩa lại không đạt nên vị Hoàng giáp tiết nghĩa dù có lòng son 'nâng đất chống trời' mà lòng không thỏa.

Trần Danh Án (1754 - 1794) người Bảo Triện, tổng Đại Lai, huyện An Định, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Phương Triện, xã Đại Lai, Gia Bình - Bắc Ninh). Ông xuất thân trong gia đình thi thư.

Ông nội là Tiến sĩ Trần Phụ Dực, làm quan đến chức Tư huấn Quốc Tử Giám, tham gia biên soạn “Đại Việt sử ký tục biên”. Bác ruột ông là Tiến sĩ Trần Danh Ninh và cha ông là Tiến sĩ Trần Danh Lâm - làm quan đồng triều và đều trải đến chức Thượng thư.

Nhà khoa bảng thời loạn

Họa phẩm chân dung Tiến sĩ Trần Danh Án.

Tương truyền thuở nhỏ, Trần Danh Án đã rất thông minh. Năm 1786 triều vua Lê Hiển Tông, ông thi Hương đỗ Giải nguyên. Năm 1787, ông thi đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi, được bổ làm Hàn lâm viện Hiệu lý.

Bấy giờ, vua Lê dựa vào thế lực Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp tan tàn dư thế lực của chúa Trịnh, nhân cơ hội anh em Tây Sơn bất hòa, mưu đồ tái lập thế lực ở Bắc Hà, thoát ly áp lực ở phía Nam. Trần Danh Án được xét công phò vua, được phong tước Định Nhạc bá.

Phía Tây Sơn biết được, cử tướng Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc diệt trừ Nguyễn Hữu Chỉnh. Tháng 12 năm 1788, quân Tây Sơn đến Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh thu gom tàn quân, hộ tống vua Lê Chiêu Thống chạy lên Kinh Bắc.

Trần Danh Án cùng một số ít triều thần theo vua. Vua Lê cố gắng chiêu tập quân cần vương đánh lại quân Tây Sơn nhưng thất bại.

Vũ Văn Nhậm sau khi đánh bại quân nhà Lê lại tỏ ra chuyên quyền ở Bắc Hà. Nguyễn Huệ bất bình với Vũ Văn Nhậm nên tháng 4 năm 1788 đã kéo quân ra Bắc, bắt giết Vũ Văn Nhậm.

Tuy nhiên vì chưa tìm được vua Lê nên Nguyễn Huệ tôn Hoàng thân Lê Duy Cẩn làm Giám quốc, giữ việc thờ cúng, giao Đại tư mã Ngô Văn Sở nắm giữ quyền hành.

Trước thế lực hùng mạnh của Tây Sơn, Thái hậu Nguyễn thị cùng nguyên tử đến Cao Bằng, được Đốc đồng Nguyễn Huy Túc và các quan phiên trấn hộ tống qua cửa ải sang Long Châu gặp Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị. Vua Càn Long theo lời tấu, cho Tôn Sĩ Nghị điều động quân lính mượn danh cứu viện sang xâm lược.

Vua Lê Chiêu Thống sai Trần Danh Án, bấy giờ được phong là Tham tri chính sự, cùng với hoàng thân Lê Duy Đản mang theo tờ bẩm, đi đường tắt lên đón quân Thanh. Vua Lê tiễn hai người đến vùng núi Bảo Lộc và dặn rằng: “Đối đáp ở đất nước người là chức trách của sứ thần.

Chuyến đi này quan hệ đến sự mất, còn của nước nhà và sự thành, bại của công việc. Các ngươi nên tùy cơ ứng biến, đem cái tài học chất chứa lúc bình sinh mà thi thố ra việc làm. Tài kinh luân ở ba tấc lưỡi, việc từ lệnh ấy không thể thiếu được. Các ngươi nên cố gắng, cho xứng đáng với tấm lòng trông chờ của trẫm”.

Hai người lạy tạ rồi đi. Lê Duy Đản nói riêng với Trần Danh Án rằng: “Bọn ta tiếng là bồi thần, thật ra chẳng khác gì kẻ vong mạng, ra đi lúi xùi chẳng có ai đưa đón, trên đường thì nhiều sự cách trở, lại phải trèo leo vất vả trong chốn núi rừng.

Nếu chưa đến đất Trung Hoa mà đã bị quân giặc đuổi bắt, thì đó chính là sự dở dang rất đáng lo ngại. Còn như đã tới được gần doanh của đốc bộ Lưỡng Quảng thì ta không còn lo gì nữa”.

Trần Danh Án nói: “Nếu như lòng trời còn giúp xã tắc, chắc sẽ không có việc ấy, cần gì mà phải lo xa? Có điều, từ khi nước ta có nước đến nay, trong việc đi lại với Trung Hoa tuy rằng các đời sáng nghiệp và trung hưng cũng đã từng gặp cảnh gieo neo không biết là bao nhiêu phen, nhưng mà kẻ bồi thần đi sứ, chưa có ai như chúng ta ngày nay”.

Nhân thế, Trần Danh Án làm bài thơ, trong có hai câu rằng: “Thiên cổ do truyền kỳ tuyệt sự/Tệ soa tàn lạp sứ thần trang”. Nghĩa là: “Ngàn thuở còn truyền câu chuyện lạ/Sứ thần áo rách, nón mê tàn”.

Vào cuối thời Lê, họ Trần ở Bảo Triện có tới 71 người đỗ đạt cao. (ảnh nhà thờ họ Trần Danh được công nhận di tích).

Sứ thần “áo rách” thà chết chẳng thẹn

Sợ bị quân Tây Sơn phát hiện, hai ông chỉ mang theo vài thân tín, đội nón cũ, mặc áo rách như thường dân theo đường tắt trong núi qua cửa ải Lạng Sơn. Hai ông sang đến Nam Ninh hội kiến Tôn Sĩ Nghị.

Quân Thanh rầm rộ tiến sang Đại Việt, nhanh chóng bức quân Tây Sơn lùi về Tam Điệp phòng thủ, tái chiếm được Thăng Long. Vua Chiêu Thống giành lại được ngai vàng, phong cho Trần Danh Án là Tĩnh nạn công thần, tước Định Nhạc hầu, thăng chức Phó đô ngự sử.

Tuy nhiên đến mùa Xuân năm 1789, Quang Trung lên ngôi chỉ huy quân Tây Sơn đại phá quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống phải chạy sang Trung Quốc. Còn hai sứ thần “áo rách” thì không kịp theo vua, phải sống ẩn dật tại quê nhà, Lê Duy Đản về ở tại xã Hương La, huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Khi nhà Nguyễn thành lập, biết ông thời Lê từng làm quan Hàn lâm viện Thừa chỉ, Tham chính Thanh Hoa, lại là người trung nghĩa nên vua Gia Long đã cho vời ông ra làm quan Hiệp trấn Lạng Sơn, nhiều lần cử tham gia coi thi trường Sơn Nam, trường Kinh Bắc, Sơn Tây, Hoài Đức...

Về Trần Danh Án, vua Quang Trung biết ông là người có tài, có nghĩa nên sai bạn cũ của ông là Ngô Thì Nhậm viết thư mời ra cộng tác với triều Tây Sơn nhưng ông nhất quyết cự tuyệt.

Trần Danh Án có thơ, rằng: Gặp bác đời nay dễ mấy lần/Dung nhan phảng phất mộng luôn gần/Vì ai nước ấy thôi đành kệ/Nương trọ đời nay chỉ biết thân/Song bắc giấu mình còn nhớ Tấn/Biển đông thà chết chẳng thẹn Tần/Người sau bên mộ giơ tay trỏ/Tiến sĩ đời Lê cũ, họ Trần.

Một số nguồn sử liệu cho biết, sau ông bị bắt giam lỏng ở Thăng Long nhưng vẫn không đổi chí, hàng ngày làm thơ thóa mạ Tây Sơn: “Thử sinh tuy nhuận sài lang vẫn, Túng tử nan vị cẩu trệ tâm”.

Sách “Lê quý dật sử” chép: Tây Sơn vời Trần Án (tức Trần Danh Án), Tiến sĩ nhà Lê vào chầu. Án làm thơ cố ý cáo bệnh từ chối không đến. Vua Tây Sơn (Nguyễn Huệ) phê bằng son đỏ rằng: Cho được làm theo chí hướng cao thượng.

Danh lợi, uy vũ đều không làm cho Trần Danh Án sợ hãi hay thoái chí. Nhưng rồi người ta cũng nể ông là bậc sĩ phu, có tiết tháo nên để cho ông sống cuộc đời nhàn tản, không ai phiền lụy đến.

Tác phẩm 'Liễu Am thi tập' của Hoàng giáp Trần Danh Án.

Có công sưu tập ca dao, tục ngữ

Tương truyền, thời gian này Trần Danh Án gặp Nguyễn Gia Thiều - một cựu thần nhà Lê cũng cự tuyệt làm quan với Tây Sơn. Hai vị cựu thần cùng chí khí, cùng niềm yêu mến văn chương trở thành tri kỷ.

Một lần, Nguyễn Gia Thiều đọc cho bạn nghe bài “Khóc Thị Bằng” mới sáng tác xong, có câu: “Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng/Khép manh áo lại để riêng hơi”.

Trần Danh Án thán phục thơ quốc âm, liền diễn giải ra Hán văn để so sánh: “Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh/Trùng phong, khâm tử hộ dư hương”. Mọi người có mặt đều khen ông diễn giải hay. Nhân câu chuyện đương vui, có người đọc một câu dân gian để hai nhà thơ dịch ra thể thơ Đường: “Muôn nghìn chớ lấy Kẻ La/Cái tương thì thối, cái cà thì thâm”.

Cả hai danh sĩ đều kêu khó, nhưng sau Trần Danh Án dựa theo Kinh Thi mà dịch: “Vạn thiên tư niên/Vật thử bỉ La/Ngôn xú kỳ tương/Ngôn hắc kỳ cà”. Mọi người ngỡ ngàng, câu nói cửa miệng trong dân gian mà dịch sang Hán văn mà không thua kém Kinh Thi. Từ đó, Trần Danh Án tiếp tục sưu tập ca dao và dịch sang Hán văn. Công việc này được ghi chép khá thận trọng và tỉ mỉ.

Việc sưu tập ca dao và dịch sang Hán văn về sau lại được Ngô Đình Thái tiếp tục. Sau đó là cử nhân Trần Doãn Giác, cháu gọi Trần Danh Án bằng ông chú hoàn thành đặt tên sách là “Nam Phong giải trào” và dâng lên vua Tự Đức, được sách “Đại Nam nhất thống chí” đánh giá: “Những câu ca dao nơi xóm làng có quan hệ với phong hóa có thể gần với các câu của Kinh Thi”.

Hội thảo 'Truyền thống khoa bảng dòng họ Trần Danh và danh nhân Trần Danh Án' diễn ra tại Bắc Ninh vào ngày 19/9/2023.

Trần Danh Án còn để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ như: Bảo Triện Trần Hoàng giáp thi văn tập, Lịch đại chính yếu luận, Nam phong nữ ngạn thi - chép ca dao, tục ngữ Việt Nam ghi bằng chữ Nôm, một phần dịch sang chữ Hán. Tác phẩm để đời của ông là “Liễu Am thi tập”, được sáng tác khoảng từ 1788 cho đến trước khi mất. Tác phẩm có 141 bài thơ gồm đề vịnh, cảm tác, đi sứ, thù tặng, họa đáp...

Năm Quý Sửu (1793) vua Lê Chiêu Thống qua đời ở Bắc Kinh, nghe tin đó Trần Danh Án hướng về phương Bắc bái vọng, nhịn ăn mà khóc cho đến chết. Thời nhà Nguyễn, ông được truy phong là Tĩnh nạn công thần, xếp hàng đầu văn ban thờ ở Cố Lê tiết nghĩa từ.

Văn tế Trần Danh Án do người bạn của ông là Vũ Trinh - Tham tri Chính sự triều Lê soạn, có đoạn viết về ý chí của Trần Danh Án: “Thần có lòng son nâng đất chống trời, mệnh thần không còn, với thần thế là hết/Thần có máu nóng để đo gươm giáo, chí thần không toại, đời chẳng còn gì”.

Với những công lao mà Hoàng giáp Trần Danh Án đã đóng góp cho đất nước, ngày 19/9, Hội thảo khoa học “Truyền thống khoa bảng dòng họ Trần Danh và danh nhân Trần Danh Án” đã diễn ra tại Bắc Ninh nhằm làm rõ tư tưởng của vị Hoàng giáp đối với thế sự thời cuộc. Đồng thời nêu cao quan điểm của các nhà khoa bảng dòng họ Trần Danh đối với sự nghiệp giáo dục.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-hoang-giap-co-chi-nang-dat-chong-troi-post655662.html