Vì lợi ích cộng đồng

'Quy trình xử lý nước thải sử dụng vật liệu nano kim loại hóa trị 0 trên nền vật liệu nano sắt' đạt giải Nhì giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2017 là công trình vừa được tuyển chọn và công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2018 do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức.

Đứng đầu nhóm nghiên cứu, Đại tá Thiều Quốc Hân Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng đã chia sẻ về công trình khoa học này.

Đại tá Thiều Quốc Hân (bên phải) kiểm tra quá trình xử lý nước thải bằng công nghệ nano tại Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín, Hà Nội.

Theo ông Hân, nhận thấy công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu ở nước ta hiện nay là một vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, bằng thế mạnh của mình, những năm qua, Viện KH-CN Quân sự đã tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…

Nhằm xử lý nước thải gây ô nhiêm môi trường, Đại tá Thiều Quốc Hân cùng nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do ông đứng đầu đã nghiên cứu chế tạo thành công nano sắt và đang triển khai ứng dụng rất hiệu quả để xử lý nước thải trên quy mô công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu đã dành sự quan tâm tới việc nghiên cứu trạng thái hóa trị 0 của hạt nano sắt. Đây là một chất khử mạnh, có thể tham gia vào nhiều phản ứng oxy hóa - khử khi nhường điện tử cho những chất oxy hóa. Vật liệu này đã được nghiên cứu sử dụng là chất khử có hiệu quả trong công nghệ xử lý môi trường ô nhiễm đất, nước ngầm tại nhiều nước trên thế giới. Với kích thước nano vật liệu bọt sắt đã tạo cho hạt khả năng phản ứng cao gấp 10 – 1.000 lần (ở cấp độ từ 1 - 3), so với các hạt có kích thước thông thường.

Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2003, đến năm 2007 nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công tổ hợp nano sắt từ 100% nguồn nguyên liệu trong nước và đến năm 2012 đã triển khai dây chuyền xử lý nước thải ứng dụng công nghệ nano đầu tiên.

Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín, TP Hà Nội)-một trong những cơ sở đang ứng dụng nano sắt để xử lý nước thải. Tại đây, dây chuyền công nghệ xử lý nước thải của Trạm Xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Quất Động được giới chuyên môn đánh giá có thiết kế rất gọn, tiết kiệm diện tích đất, vận hành đơn giản, chỉ cần 1 thợ vận hành/ca vì tự động hóa gần như 100% và hầu như không có mùi hôi trong khu vực xử lý. Bên cạnh những ưu điểm có thể nhìn thấy ngay như trên, công nghệ nano được ứng dụng trong dây chuyền còn có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các công nghệ xử lý nước thải truyền thống khác.

Ngoài Trạm xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Quất Động, công nghệ xử lý nước thải bằng nano sắt hiện đã được nhóm nghiên cứu triển khai hiệu quả tại một số khu, cụm công nghiệp như: Nhà máy Xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai (huyện Thạch Thất), Trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp Liên Phương (huyện Thường Tín), Cụm công nghiệp Bình Phú (huyện Thạch Thất) của TP Hà Nội, đang triển khai tại Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà (Hòa Bình)... Thực tế cho thấy, các loại nước thải nhiễm nhiều hóa chất độc hại, kim loại nặng... từ các dây chuyền của nhà máy cán thép, chế biến thực phẩm, điện tử điện lạnh... đều được xử lý triệt để.

Chia sẻ về việc công trình xử lý nước thải bằng công nghệ nano sẽ được triển khai rộng rãi, Đại tá Thiều Quốc Hân cho biết, từ nghiên cứu lý thuyết đến triển khai trong thực tế, trên quy mô công nghiệp đòi hỏi sự đầu tư tương xứng cả về trí tuệ và kinh phí thực hiện, nếu không đề tài chỉ nằm trong tủ kính. Quan trọng hơn, khi thành công thì công trình khoa học cần phải triển khai ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn vì lợi ích chung của cộng đồng.

Hải Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/vi-loi-ich-cong-dong-tintuc415706