'Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây…'

Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có những dòng đi trước thời đại về ý thức bảo vệ thiên nhiên môi trường. Những việc mà ngày nay thế giới mới hô hào thì từ hơn nửa thế kỷ trước, Người đã bắt tay vào thực hiện. Song, đáng tiếc hiện nay, việc bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ cây, bảo vệ rừng theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được như mong đợi.

Tư duy đi trước thời đại

Hơn 50 năm trước, ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày "Tết trồng cây". Người dạy: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Bác phân tích: Tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài cây và chăm sóc cho tốt. Miền Bắc ta có độ 14 triệu người, trong số đó có 3 triệu trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến năm 1965, chúng ta sẽ có thêm 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây là cột nhà. Người tin tưởng trong mười năm, phong cảnh đất nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Bác, tuổi trẻ phường Phú Lương, quận Hà Đông tích cực tham gia trồng cây bảo vệ môi trường. Ảnh: Bá Hoạt

Thực hiện lời dạy của Bác, tuổi trẻ phường Phú Lương, quận Hà Đông tích cực tham gia trồng cây bảo vệ môi trường. Ảnh: Bá Hoạt

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói nước ta có "rừng vàng, biển bạc". Nhưng, Người cũng căn dặn: "Nếu rừng kiệt sẽ không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lũ lụt và hạn hán" và "chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta". Người coi nạn phá rừng là hành vi "đổ vàng xuống biển".

Trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Từ khi còn ở chiến khu đến lúc về Thủ đô Hà Nội, lúc nào Bác cũng sống chan hòa và thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết. Về tại Thủ đô, đường đường là nguyên thủ một nước, nhưng Bác chọn cách sống giản dị trong ngôi nhà sàn. Xung quanh Bác trồng cây, thả cá. Người cũng không cho phép ai xua đuổi, săn bắn chim trong vườn. Nhà sàn nơi Bác ở giờ trở thành một khuôn viên đẹp đẽ tràn ngập cây xanh và tiếng chim hót, là điểm đến an lành của hàng triệu người dân cả nước. Trước khi về cõi vĩnh hằng, nghĩ về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhắn nhủ toàn dân phải quan tâm trồng cây, chăm lo cho môi trường sống. Người viết: "... Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc chăm sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão". Bác còn nhắn gửi những điều mà tới hôm nay, chúng ta mới thấy hết tầm nhìn: "Tôi mong rằng cách "hỏa táng" sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất ruộng. Khi ta có điện, thì "điện táng" càng tốt hơn".

Đầu xuân năm nay, tham gia "Tết trồng cây", hồi tưởng lại những lời dạy của Bác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: "… những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ tài nguyên, môi trường đã vượt trước thời đại khi Người còn sống. Khi thế giới còn chưa có những lời khuyến cáo khẩn thiết về bảo vệ rừng như hiện nay, phong trào Tết trồng cây do Bác phát động đã dần trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta, mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế và môi trường".

Lo lắng nhiều hơn yên tâm

Lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác đã được toàn dân ta nhiệt liệt hưởng ứng, đem lại những kết quả to lớn về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, bảo vệ môi trường, sinh thái. Hơn nửa thế kỷ qua, lời phát động Tết trồng cây của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị, trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Mỗi năm, chỉ riêng tại Hà Nội, hàng triệu cây xanh mới đã được trồng tại các công viên, vườn hoa, khu vực công cộng, đất trống…

Thực hiện Di chúc của Người, Việt Nam đã tham gia khoảng 20 công ước, thỏa ước, cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định "Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của mọi công dân". Trong quá trình đó, các cấp, ngành phải kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển "năng lượng sạch", "sản xuất sạch" và "tiêu dùng sạch". Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật và lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ môi trường. Lực lượng Cảnh sát môi trường được thành lập và đi vào hoạt động là một trong những minh chứng cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế ở nước ta cho thấy, ô nhiễm môi trường vẫn đang không ngừng gia tăng về quy mô và tính chất. Hệ thống pháp luật về môi trường còn rất hạn chế. Nhiều điều khoản quy định của Luật Bảo vệ môi trường không được thực thi. Đơn cử như tình trạng nhiều khu, cụm công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Vì lợi nhuận, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định, xả thải trái phép, đổ trộm phế thải. Trong khi đó, chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Tại Hà Nội và các đô thị lớn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng gia tăng.

Đáng lo ngại nhất là nạn chặt phá rừng, hủy hoại môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 13,1 triệu héc ta rừng. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên chiếm chủ yếu, với hơn 10 triệu héc ta thì có đến hơn một nửa là rừng nghèo, rừng tái sinh. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, diện tích rừng bị tàn phá đã lên đến 1.700ha. Đây mới chỉ là những con số thống kê của lực lượng kiểm lâm. Con số thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều. Tại Hà Nội, từ đầu năm nay có 31ha rừng đã bị tàn phá bởi hỏa hoạn. Rừng bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân như cháy, chặt phá, làm thủy điện… Đáng lo hơn nữa, ngay cả lực lượng bảo vệ rừng chủ yếu là kiểm lâm vẫn chưa đủ mạnh, chưa kể còn không ít cán bộ cấu kết với lâm tặc phá rừng.

Tàn phá rừng, tàn phá môi trường sinh thái đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Việt Nam nằm trong top 5 nước chịu tác động mạnh nhất về biến đổi khí hậu toàn cầu. Những năm gần đây, nước ta phải chịu ngày càng nhiều hơn những cơn bão mạnh, những trận lũ lớn, lũ quét, lũ ống gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản… Hơn bất cứ lúc nào, mỗi người cần nhìn lại, suy ngẫm về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường để cùng thực hiện trách nhiệm, làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn.

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/725756/vi-loi-ich-muoi-nam-thi-phai-trong-cay%E2%80%A6