Vì miếng đất làm mất tình thân...

Người anh tay xách theo chiếc cặp màu đen đựng đầy tài liệu đi lướt qua vợ chồng người em tiến nhanh vào bên trong phòng xét xử. Bên nào cũng xem bên còn lại là vô hình. Không biết từ bao giờ họ trở nên xa lạ, không biết từ khi nào tình cảm ruột thịt vì 'sân, si' mà hận thù chồng lấn lên nhau.

Căn phòng xét xử của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng trở nên ngột ngạt, bí bách. Ba con người chia làm hai... chiến tuyến. Người anh là bị đơn ngồi dãy ghế bên trái, bên phải là vợ chồng người em, nguyên đơn trong vụ án. Họ đều là những người chân chất, ăn mặc giản dị đến từ vùng núi tỉnh Đắk Lắk. Ngay từ lúc bước vào họ đã cố tình ngồi xoay lưng lại nhau. Nếu bắt buộc phải nhìn thì họ nhìn nhau bằng những cái nhìn sắc lạnh, ánh mắt chực muốn bóp chết đối phương...

Phiên tòa phúc thẩm về “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại” bắt đầu. Được phép trình bày, người em như được dịp để giải tỏa nỗi lòng. Bao nhiêu bực bội dồn nén nay được dịp để “bung” nên nói quên cả ngắt nghỉ. Thậm chí không ít lần dùng đến cả những lời lẽ khiếm nhã để chỉ trích lòng tham của người anh. HĐXX đã nhiều lần phải nhắc nhở người em, tuy nhiên, cứ như đang cơn sôi máu, vợ chồng người em thay nhau nói bằng hết những gì mình nghĩ. Chất giọng vùng miền khiến cho câu chuyện trở nên ì xèo, khó hiểu buộc HĐXX phải nhiều lần giải thích.

Người em tên Lê Công S. và vợ là Phạm Thị M. (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) trình bày: Ngày 3/2/1998, ông bà mua của bà Nguyễn Thị M. một lô đất rẫy có diện tích 1520m2 (hai bên viết tay với nhau “giấy bán rẫy”). Sau khi nhận chuyển nhượng diện tích đất trên của bà Nguyễn Thị M., vợ chồng ông S. quản lý, canh tác mà không có tranh chấp với ai, ông Lê Công T. (anh trai ông S.) cũng không có ý kiến gì. Đến năm 2015, khi tiến hành kê khai làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì mới biết diện tích đất trên đã được UBND huyện Ea H’Leo cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số R 402979, ngày 8/11/200 với thửa đất số 6, tờ bản đồ số 17, đứng tên ông Lê Công T.

Cho rằng ông T. đã tự ý kê khai đứng tên để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích đất này là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ chồng mình, vợ chồng ông S. đã khởi kiện yêu cầu TA giải quyết công nhận QSDĐ của vợ chồng ông đối với diện tích trên. Cũng với quan điểm rất kiên định của mình ông T. đưa ra hàng loạt chứng cứ khẳng định diện tích đất trên là của ông, cụ thể ông đã được cấp GCNQSDĐ. Cấp sơ thẩm bác đơn khởi kiện của vợ chồng người em, tuyên người anh thắng.

Vì miếng đất, anh em ruột thịt quay lưng

Sau phiên tòa hôm ấy, chút tình nghĩa sau cùng còn sót lại giữa anh em nhà họ cũng vỡ tan. Nói đến đối phương họ buông lời vô cảm. “Con người ta tham có giới hạn, đến miếng đất để em mưu sinh cũng dùng mưu hèn kế bẩn, lật lọng bằng hết để giành về. Nếu là đất của ông T. đường đường chính chính thì từ năm 1998 đến nay vợ chồng tôi cách tác, sản xuất sao ông ấy không có ý kiến, không khởi kiện đòi. Đến bây giờ vợ chồng tôi mới phát hiện thì ông T. đã âm thầm “biến” thành của mình, như vậy làm sao hỏi không bực được...”, ông S. nói.

Đến phiên tòa phúc thẩm, một lần nữa, ranh giới phân chia giữa hai anh em nhà họ là khoảng trống lối đi giữa phòng xử. Họ vẫn hằn học khi nhìn nhau. Vợ chồng người em có những nhân chứng, làm chứng cho việc vợ chồng họ đã mua và trồng trọt canh tác từ năm 1998 đến hiện tại. Người anh đưa ra bằng chứng, từ khi có giấy chứng nhận QSDĐ ông đã đem thế chấp ngân hàng vay tiền đến nay. Người anh lại hỏi người em “vì sao quá trình sản xuất không kê khai đến bây giờ lại nói là của mình. Cứ theo pháp luật buộc người em phải đền bù thiệt hại...”. Chẳng ai nhường ai, ai cũng đưa ra những lập luận riêng để bảo vệ chính kiến của mình, khiến không khí trở nên căng thẳng.

Ai đúng ai sai chưa nói đến nhưng khi chứng kiến cảnh “nồi da xáo thịt”, “gà cùng một mẹ” mà đấu đá nhau thật đau lòng. Từ một miếng đất, tình anh em đã không còn. Đáng nói, “cuộc chiến” này không hẳn đã dừng lại ở phiên tòa phúc thẩm này mà dám chắc mối bất hòa, hiềm khích còn kéo dài đến đời con, đời cháu. Người em quả quyết: “Ông ấy là con người ma mãnh, lừa gạt nhiều người, đến em út trong nhà cũng không tha. Ông am hiểu pháp luật, biết vợ chồng tôi ít hiểu biết nên lật lọng. Liệu ông có dám vào rẫy ấy để tranh giành, tôi quyết sống chết với ông ấy...”. Hai bên nhìn nhau với đôi mắt đầy tia máu đỏ và họ nói về nhau cạn tình hết nghĩa, tình cảm chẳng bằng những người dưng (!?).

Cấp phúc thẩm một lần nữa bác đơn khởi kiện của vợ chồng người em, tuyên người anh thắng. Vợ chồng người em thêm một lần phản kháng, họ gào lên ngay tại tòa vì tức. Trong giây lát ấy người anh lạnh lùng ném thẳng về phía vợ chồng người em nụ cười tự đắc. Đôi vợ chồng “thất trận” nhanh chóng bị đẩy ra, người vợ uất quá không đứng vững, cứ thế liêu xiêu ngồi phịch xuống dãy ghế nơi hành lang, miệng vẫn không ngừng hò hét. Nhiều người muốn lên tiếng để khuyên người em nhưng có một cỗ cảm giác áp bách khiến họ ngập ngừng, yên lặng. Người anh lại lạnh lùng, nhếch miệng cười khẩy khi lướt qua em mình.

Thấy tình cảnh “già néo đứt dây” một người em bên đằng vợ ông S. khuyên: kiểu gì ông ấy (ông T.) cũng là anh trai ông, ổng không nhịn thì mình nhịn ông ấy vậy. Ông có thể dùng “trăm phương ngàn kế” để thắng kiện nhưng ông ấy có thấy lương tâm thanh thản hay không? Đêm ông ấy có yên giấc hay không, cuộc sống về già của ông có an yên hay không? Hay thôi mình nhún nhường mua lại đặng có đất canh tác làm ăn. Thua anh mình chứ thua ai đâu mà sợ... Tuy nhiên ông S. gạt đi, giải thích: “Ông T. là con người mưu mô xưa nay có thừa ai cũng rõ. Ông ấy đã có ý định chiếm đoạt tài sản rồi còn nói gì đến lương tâm. Nếu ông ấy biết suy nghĩ, hay biết nghĩ đến tình anh em thì đã không có ngày chúng tôi phải đứng trước tòa để làm cái chuyện người đời cười chê như thế...”. Sau lời giải thích, người em quả quyết, có chết, có hy sinh tính mạng cũng không để mất đất “ông ấy muốn vào đó lấy đất phải bước qua xác tôi”.

Vì tranh chấp tài sản, lửa giận trong đáy mắt người em một lúc một lớn. Thực sự mà nói trong vụ việc này, giá như một bên nào đó biết hy sinh thì chắc chắn sẽ không có sự tổn thương cho nhau. Tự anh em trong nhà tạo nên sự hận thù không đáng có mà không nghĩ rằng một khi hận thù cứ như vòng tròn không có điểm dừng thì đau khổ cũng chỉ những người trong cuộc chuốc lấy.

Hai vợ chồng người em rầu rĩ tất tưởi, dắt díu nhau bắt xe quay về quê cho kịp chuyến trưa. Sự khắc khổ hắt lên từ tấm áo, gương mặt và cả dáng đi. Rồi đây họ sẽ phải tiếp tục sống với sự uất hận mà khó lòng giải tỏa. Dẫu sự việc có kết thúc ra sao thì sự thật vẫn không thể khác đó là tình cảm giữa anh em nhà họ đã mất mát, đã không còn vẹn nguyên sau “cuộc chiến” giành đất...

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/vi-mieng-dat-lam-mat-tinh-than-28110.html