Vì môi trường phát triển các cụm công nghiệp ở Đông Hà – Đức Linh. Bài 2

Bài 2: Bên nhiệt tình khắc phục, bên đòi hỗ trợ

Với kết quả của 2 đợt giám sát, kiểm tra của tổ đã phân hóa rõ giữa những trang trại nhiệt tình khắc phục mùi hôi, với trang trại không chịu thay đổi gì, đòi hỗ trợ mới di dời, vin vào lý do quy hoạch chăn nuôi có trước quy hoạch phát triển công nghiệp.

Mùi hôi thêm chướng ngại

Sau chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải, huyện Đức Linh đã thành lập Tổ giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động chăn nuôi các trang trại gần Cụm công nghiệp, khu dân cư Nam Hà, xã Đông Hà vào cuối tháng 7/2023. Sau đó, tổ đã làm việc riêng với từng trang trại cũng như thống nhất giải pháp triển khai thực hiện để khắc phục mùi hôi phát tán. Tháng 8 trôi qua, không ai có ý kiến gì về mùi hôi. Nhưng sang đầu tháng 9/2023, tổ giám sát môi trường nhận được thông tin phản ảnh về việc xuất hiện mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi của các trang trại chăn nuôi gần Cụm công nghiệp và Khu dân cư Nam Hà, xã Đông Hà. Tổ Giám sát tiến hành kiểm tra thực tế tại 4 vị trí phản ảnh vào chiều ngày 6/9. Kết quả phát hiện mùi hôi phát tán rộng trong không gian, đi xa theo hướng gió, nhất là khu vực gần Cụm công nghiệp Nam Hà 2, chủ yếu từ trại heo Vissan. Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện hoạt động xả thải của trang trại nên không có cơ sở để xử phạt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải, kiểm tra môi trường tại Cụm công nghiệp Nam Hà, Đức Linh.

Sang cuối tháng 9, tổ giám sát lại nhận được tin báo và chiều 30/9 lại tiến hành kiểm tra, giám sát cũng ở các vị trí trên, có thêm vị trí chỗ Trại chăn nuôi heo Lam Chi. Kết quả, cũng tại vị trí sau hệ thống xử lý nước thải của trại heo Vissan theo cảm quan của tổ có phát tán mùi thối lan rộng, đi xa theo hướng gió. Cộng thêm mùi hôi từ Trại chăn nuôi heo Lam Chi, dù ở xa nhưng theo gió thổi tới cụm công nghiệp khiến các doanh nghiệp thêm lo lắng, nhất là đầu tháng 10/2023, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam bắt đầu tuyển lao động và đi vào sản xuất. Tuy nhiên, với kết quả của 2 đợt giám sát, kiểm tra trên đã phân hóa rõ giữa những trang trại nhiệt tình khắc phục mùi hôi, với trang trại không chịu thay đổi gì, đòi hỗ trợ mới di dời, vin vào lý do quy hoạch chăn nuôi có trước quy hoạch phát triển công nghiệp.

Một trang trại chăn nuôi gần Cụm công nghiệp Nam Hà

Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam tuyển lao động

Những trang trại ủng hộ công nghiệp phát triển

Trang trại đầu tiên cần ghi nhận là Trại gà TaFa Việt, vốn nằm tiếp giáp ranh đất khu dân cư (KDC) Nam Hà chỉ 150 m. Sau khoảng 3 tháng khắc phục, công ty đã làm nhiều việc và đã giảm mùi được 70%, tính đến đầu tháng 10. Cụ thể như rào kín xung quanh, trồng thêm cây xanh để tạo tuyến vành đai xanh hấp thụ mùi hôi và ngăn mùi hôi phát tán ra ngoài. Song song với đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, tăng chiết khấu để khách hàng mua phân gà nhiều hơn, giải phóng bớt kho bãi để di dời kho phân ra xa KDC Nam Hà rồi đầu tư công nghệ tháp cao của CHLB Đức để xử lý phân khép kín nên cũng khống chế được mùi. Bên cạnh còn áp dụng quy trình xử lý 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng) của Nhật mà trọng tâm của hệ thống này mang lại là đảm bảo mọi dụng cụ đều được đặt đúng chỗ, giữ cho nơi làm việc sạch sẽ. Vì vậy, theo kế hoạch sẽ bảo đảm không mùi hoàn toàn trước tháng 12/2023 như cam kết. Kế hoạch sau đó, công ty dịch chuyển dần ra trại nuôi ở Bắc Bình và chấm dứt hoạt động chăn nuôi, chuyển đổi công năng dự án.

Công ty TNHH giày Nam Hà Việt Nam tại Cụm công nghiệp Nam Hà

Công ty TNHH giày Nam Hà Việt Nam tại Cụm công nghiệp Nam Hà. Ảnh: N.Lân

Ông Tuấn cho biết thêm, tất cả các hoạt động khắc phục mùi hôi trên đều liên quan đến kinh phí rất nhiều của công ty qua việc tăng chi phí về điện, về nhân công, về vật tư… Tuy nhiên, đứng trước tình hình phát triển công nghiệp nhiều triển vọng của địa phương, công ty thấy việc phát huy trách nhiệm hơn nữa trong bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau để phát triển kinh tế địa phương là cần thiết, không nên tính toán nhiều.

Tiếp đó là Trại gà Đức Phát, vào cuối tháng 9/2023, chủ trại đã dừng nuôi gà và cũng cam kết với lãnh đạo huyện là trong năm nay không ký hợp đồng với các đối tác để chăn nuôi nữa với kế hoạch là chuyển đổi công năng dự án. Còn Trại chăn nuôi heo hộ gia đình của ông Lê Văn Thành (giáp khu dân cư Nam Hà) đã hoàn tất việc di dời toàn bộ heo thịt về Tây Ninh; 30 heo nái còn lại sẽ tiếp tục di dời về Tây Ninh theo cam kết trước 31/12/2023 và đất của trang trại cũng đã chuyển nhượng gần hết.

Trang trại chăn nuôi sát khu dân cư Nam Hà

Trại heo Vissan đòi hỗ trợ

Nếu 3 trại chăn nuôi trên có những thay đổi để phát huy trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng là góp sức cho sự phát triển kinh tế chung của huyện thì trại heo Vissan không đồng ý thực hiện theo lộ trình di dời của UBND tỉnh đến 31/12/2023. Đồng thời trại heo Vissan yêu cầu huyện Đức Linh hỗ trợ xây dựng hạ tầng ở nơi mà huyện đã bố trí cho trại chuyển đến rồi cũng yêu cầu các chủ đầu tư các cụm công nghiệp phải thỏa thuận với trại heo để hỗ trợ việc di dời. Đó là nội dung Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy chia sẻ, khi báo chí đặt câu hỏi vì sao đã thành lập, đã kích hoạt tổ giám sát môi trường mà mùi hôi vẫn chưa dứt.

Trang trại chăn nuôi gần Cụm công nghiệp Nam Hà

Thực tế, trại heo Vissan nằm ở vùng lõi, ở vị trí trung tâm của các cụm công nghiệp lẫn các khu dân cư. Vì thế, dù 3 trại chăn nuôi kia đã khắc phục nhưng trại heo Vissan không khắc phục thì mùi hôi ở đây cũng không thay đổi là bao. Việc di dời trại heo Vissan không phải đến giờ khi các cụm công nghiệp, khu dân cư đang trỗi dậy mới tính mà từ năm 2019, UBND tỉnh đã có yêu cầu, khi trại heo này gây ô nhiễm môi trường, dân phản ánh. Qua kiểm tra lúc ấy, UBND tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung trong Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; nước thải sau xử lý phải được tuần hoàn tái sử dụng triệt để cho chăn nuôi, không được xả ra môi trường…

“Vấn đề ở chỗ là mùi hôi phát tán ra không gian cỡ ấy cho thấy công ty này không tuân thủ các quy định theo ĐTM đã duyệt, có thể chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nên mới gây ảnh hưởng môi trường sống xung quanh như vậy. Và cũng đừng nói mùi hôi gây nhức đầu như thế là mùi đặc trưng trong chăn nuôi nên được thải ra môi trường và mọi người đương nhiên phải hít thở với mùi đặc trưng ấy. Ra trại heo đến mấy chục ngàn con ở huyện Hàm Thuận Bắc xem có mùi đặc trưng như vậy không. Làm sao để người dân xung quanh còn sinh sống và sản xuất kinh doanh nữa, chứ chúng tôi đâu quan tâm chuyện ở hay di dời của trại heo Vissan” – chủ đầu tư 1 cụm công nghiệp ở xã Đông Hà nói. Vì vậy, việc trại heo Vissan muốn các doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp ở đây hỗ trợ di dời là chuyện khó xảy ra. Còn huyện Đức Linh thì như lúc ban đầu đã khuyến khích các trang trại chăn nuôi là huyện sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý trong quy hoạch để di dời đến nơi khác trên địa bàn huyện, chuyển đổi công năng dự án sang đất thương mại dịch vụ... “Còn chuyện đòi huyện làm hạ tầng nơi trại heo sẽ chuyển tới là đang làm khó huyện” – Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy nhấn mạnh.

Ở diễn biến khác, ngày 6/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông báo về kết quả kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Trang trại Song Hà của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (trại heo Vissan), trong đó yêu cầu công ty này phải thực hiện 10 yêu cầu.

Bài 1: Kinh tế xanh đã trỗi dậy, mùi hôi vẫn còn

Bài 3: Mùi đặc trưng và việc tuân thủ pháp luật

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/vi-moi-truong-phat-trien-cac-cum-cong-nghiep-o-dong-ha-duc-linh-bai-2-113797.html