Vì một ASEAN hòa bình, trung lập và ổn định

Một khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định sẽ là điều tốt không chỉ đối với các nước trong khu vực mà còn đối với tất cả các nước trên trên giới. Đó là chủ trương chung của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, được thể hiện công khai và nhất quán tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53).

Nằm ở vị trí then chốt trong hệ thống giao thương toàn cầu, ASEAN luôn thu hút sự quan tâm của các nước, đặc biệt là những nước lớn. Trong bối cảnh thế giới đa cực, xu hướng lôi kéo các nước trong khu vực để củng cố, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các nước lớn là không tránh khỏi. Bởi vậy, làm thế nào để có thể làm ăn thuận lợi trong quan hệ kinh tế quốc tế đồng thời vẫn giữ được vị thế một quốc gia độc lập, tự chủ thật sự là bài toán khó, là thách thức to lớn đối với mỗi quốc gia thành viên ASEAN.

Ở góc nhìn vĩ mô, xây dựng một ASEAN được hình dung như một khối thống nhất về chinh trị, kinh tế, ngoại giao, đủ sức giữ vai trò đối trọng trong quan hệ với các nước lớn, với các thế lực chính trị, kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu, là giải pháp tốt nhất cho bài toán nói trên.

Thời gian qua có một số quốc gia thuộc khu vực, do không đủ nguồn nội lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nói chung để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, đã vay vốn của nước ngoài để triển khai các dự án kinh tế lớn. Đến khi nợ công tăng quá cao so với khả năng chi trả, quốc gia phải đàm phán về các điều kiện trả nợ trên thế yếu và có thể đi đến chỗ dễ dàng chấp nhận những cam kết có tác dụng dần dần đưa đất nước vào thế chịu sự lệ thuộc. Nếu để tình trạng này tiếp tục kéo dài, việc kiến tạo một ASEAN đoàn kết, thống nhất và vững mạnh là điều không khả thi.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ASEAN thống nhất trong hoàn cảnh hiện tại, cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc thiết lập cơ chế hỗ trợ nội khối. Trước mắt, các nước có trình độ phát triển cao hơn phải giúp đỡ các nước có trình độ phát triển thấp hơn trong việc tái cấu trúc nợ công cũng như trong việc tạo nguồn trả nợ bằng các công cụ tài chính, tín dụng như mua lại trái phiếu chính phủ, cho vay với lại suất ưu đãi.

Trong dài hạn, các nước giàu hơn quan tâm đầu tư vào các nước nghèo hơn để dịch chuyển vốn và chuyển giao công nghệ nhắm thúc đẩy việc hiện đại hóa nền kinh tế của nước tiếp nhận. Các nước thành viên ASEAN có chính sách ưu tiên sử dụng lao động xuất xứ từ quốc gia thuộc nội khối trong các dự án đầu tư công; có chế độ ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động xuất xứ từ quốc gia thuộc nội khối; có khung pháp lý thuận lợi cho sự di chuyển lao động và lưu thông hàng hóa trong nội khối.

Về phương diện bang giao quốc tế, các nước ASEAN cần có tiếng nói chung trong đối thoại, đàm phán với các nước khác về những vấn đề liên quan đến khu vực, như vấn đề tự do hàng hải, tự do hàng không và khai thác nguồn lợi thiên nhiên trên thềm lục địa ở Biển Đông; vấn đề quản lý nguồn nước sông Mê Kông;...

Một chủ trương, quan điểm nhất quán của các quốc gia thành viên được khẳng định sẽ có tác dụng tạo ra tiếng nói mạnh mẽ đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi những toan tính áp đặt luật chơi kiểu bá quyền, nước lớn của các thế lực bên ngoài, đồng thời nâng cao vị thế của ASEAN trên các diễn đàn quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/vi-mot-asean-hoa-binh-trung-lap-va-on-dinh_99598.html