Vì một châu lục không tiếng súng

Những vụ tiến công liên tiếp khiến hàng chục người chết xảy ra mới đây tại châu Phi lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh tại 'lục địa đen', vốn vẫn đối mặt bất ổn và nghèo đói.

Tình nguyện viên giúp đỡ trẻ em ở Buốc-ki-na Pha-xô. Ảnh TEIGNMOUTH-TODAY.CO.UK

Trong bối cảnh xung đột chưa được kiểm soát, hàng triệu trẻ em không thể đến trường, người dân đói khổ, ly tán, Liên hợp quốc (LHQ) liên tục hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp hành động, vì một châu Phi không tiếng súng.

Cuộc tiến công mới nhất của các phần tử vũ trang tại khu vực Mu-xan-dê của Ru-an-đa làm chết tám người và hàng chục người bị thương. Địa điểm xảy ra vụ việc có thắng cảnh nổi tiếng của Ru-an-đa và được nhiều du khách ghé thăm, đó là Công viên quốc gia Núi lửa và các dãy núi là nơi sinh sống của loài khỉ đột. Trong một vụ tiến công khác, khoảng 20 người chết, chủ yếu là công nhân đãi vàng, khi các phần tử vũ trang tiến công nhằm vào một khu khai thác vàng ở xã A-bin-đa, tỉnh Xum, miền bắc Buốc-ki-na Pha-xô. Gần khu vực này, những kẻ bị nghi là các tay súng thánh chiến đã phá hủy một phần cây cầu, được coi là con đường huyết mạch nối Gi-bô và Đô-ri, hai thành phố lớn của Buốc-ki-na Pha-xô.

Đó chỉ là những thí dụ trong rất nhiều vụ tiến công xảy ra gần đây tại “lục địa đen”. Đáng chú ý, các tay súng thánh chiến ngày càng nhắm tới những địa điểm tập trung đông người, như khu du lịch, trường học…

Các cơ sở giáo dục bị đốt phá hoặc trở thành nơi đồn trú để các phần tử vũ trang tiếp tục tiến công những mục tiêu lân cận. Chúng còn tiến công học sinh và giáo viên trên đường đến trường, thậm chí ngay trong lớp học.

Theo Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), hơn hai triệu trẻ em tại khu vực Tây và Trung Phi đã không thể tựu trường trong năm học 2019-2020 do xung đột và bất ổn trong khu vực. Hơn 9.000 trường học phải đóng cửa và 44 nghìn giáo viên vì thế cũng không thể đứng lớp. Riêng tại Buốc-ki-na Pha-xô, xung đột và bạo lực đã khiến hơn 2.000 trường học phải đóng cửa. Tại các quốc gia lân cận, như Ca-mơ-run, CH Trung Phi, CH Sát, Ma-li, Ni-giê và Ni-giê-ri-a, tình hình cũng tương tự.

Theo Save the Children, việc bỏ học giữa chừng sẽ khiến các em phải đối mặt một loạt nguy cơ, như bị cưỡng ép đi lính, trở thành mục tiêu của các hành vi bạo lực, lao động cưỡng bức hay lạm dục tình dục, nhất là đối với trẻ em gái. Xung đột cũng khiến các tổ chức nhân đạo gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và cung cấp nhu yếu phẩm cho trẻ em. Save the Children kêu gọi các tổ chức quốc tế và chính phủ có những biện pháp hữu hiệu, trong đó có hỗ trợ tài chính, nhằm bảo đảm an toàn, cũng như quyền được học tập của trẻ em, tại cả những khu vực xảy ra xung đột.

Tại phiên họp với chủ đề “Hòa bình và an ninh cho châu Phi: Tầm quan trọng của giải pháp và phòng ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa” vừa diễn ra ở Niu Oóc (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét nhấn mạnh sự cấp thiết về phối hợp của Hội đồng Bảo an LHQ với các nước thành viên LHQ, các tổ chức đối tác, nhằm ngăn ngừa xung đột ở châu Phi. Tổng Thư ký LHQ khẳng định, các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ năm 2030, gồm xóa nghèo và bất bình đẳng, củng cố các cơ quan chính phủ, đấu tranh vì quyền con người và nhiều mục tiêu khác, là hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh phát triển châu lục từ nay tới năm 2063.

Khủng bố vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng trên toàn “lục địa đen”. Các mạng lưới khủng bố vẫn mọc lên ở biên giới các nước châu Phi. Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp ngăn ngừa xung đột, đồng thời hối thúc người dân và các doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm khí thải và rác thải, nhằm ngăn chặn các hệ quả thảm họa, vì sự phát triển bền vững và an ninh trên toàn châu Phi.

Thái Hòa

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/42060202-vi-mot-chau-luc-khong-tieng-sung.html