Vì một Hà Nội văn minh, thanh lịch

Hà Nội đang không ngừng phát triển, khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhịp sống đô thị gấp gáp, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ làm cho Hà Nội phải đối diện với nguy cơ mất đi nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống văn minh, thanh lịch vốn có.

Tạo đột phá về văn hóa ứng xử

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An ”, từ lâu văn hóa văn minh, thanh lịch là niềm tự hào của người Hà Nội, thậm chí được coi là di sản văn hóa nhân văn cần được gìn giữ bởi đây chính là đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa người Trang An xưa và Hội Nội hiện nay. Tuy nhiên, do Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều người dân từ các tỉnh, thành, vùng miền trong cả nước văn hóa và trình độ dân trí không đồng đều; cùng với đó là xu thế hội nhập, giao thoa văn hóa được mở rộng với nhiều quốc gia nên việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như xây dựng nếp sống người Hà Nội văn minh, thanh lịch trở nên khó khăn và đầy thách thức.

Hà Nội đang nỗ lực để các quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống

Nhằm khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, đồng thời tạo những bước đột phá để xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch Hà Nội đã ban hành nhiều chế tài, quy tắc ứng xử nơi công sở, công cộng áp dụng trên địa bàn. Trong đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 04-Ctr/TU ngày 26/4/2016 về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, theo nội dung định hướng của Chương trình này, năm 2017 Hà Nội ban hành thêm Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan và Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các bộ Qua tắc ứng xử hướng tới mục tiêu từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng; xây dựng thành phố văn minh, hiện đại; hình thành những chuẩn mực văn hóa, gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.

Trên cả nước, Hà Nội là thành phố tiên phong xây dựng, ban hành hai bộ Quy tắc ứng xử. Vì vậy, sự ra đời hai Bộ Quy tắc ứng xử này được các cơ quan ban ngành, nhân dân Thủ đô ủng hộ và đánh giá cao. Ngay sau khi ban hành hai Bộ Quy tắc trên các cơ quan trực thuộc Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, các sở, ngành, quận, huyện, tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn Thành phố đã đồng loạt tổ chức phổ biến tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức. Trong đó, phương châm đề ra là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải đi tiên phong để làm gương không chỉ trong văn hóa ứng xử nơi công sở mà còn ở nơi công cộng để tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nhân dân.

Đến nay, việc triển khai hai Bộ Quy tắc bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo được hiệu ứng và chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau một năm thực hiện, cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố luôn chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc của nhà nước, của cơ quan, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, không sử dụng đồ uống có cồn, nấu nướng trong giờ làm việc, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng, thực hiện chấm công bằng vân tay… Tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã chấp hành quy định hướng dẫn tại nơi thờ tự, tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn vệ sinh chung... Một số đơn vị sự nghiệp công lập triển khai tốt Quy tắc ứng xử, nhất là các bệnh viện đa khoa tuyến huyện…

Cán bộ cần gương mẫu, đi đầu

Để đưa quy tắc ứng xử vào cuộc sống, trước hết phải nhờ vào sự nỗ lực của ngành văn hóa và các cấp, các ngành của thành phố, người dân Thủ đô, trong đó không thể thiếu sự đi đầu của đảng viên, công chức, cán bộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các Bộ Quy tắc ứng xử một số sở, ngành, đoàn thể, các quận, huyện của Hà Nội vẫn chưa có nhiều cách làm hay để tạo ra chuyển biến mang tính đột phá. Vì vậy, Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đã cho triển khai mô hình từ cơ sở, đó là thí điểm tại hai quận Cầu Giấy, Tây Hồ và các huyện Mỹ Đức, Sóc Sơn và thực hiện trong từng tổ dân phố, đơn vị thông qua đó sẽ rút kinh nghiệm để triển khai ra toàn thành phố.

Cán bộ cần là người đi đầu trong thực hiên các quy tắc ứng xử

Theo đó, Ban chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU chỉ đạo thành phố không làm tràn lan như trước mà ưu tiên một số đối tượng gồm: Cán bộ, công chức và học sinh, sinh viên. Qua đó, Ban Chỉ đạo chương trình 04-CTr/TU sẽ có hình thức tuyên truyền riêng phù hợp từng đối tượng, đồng thời giao cơ quan quản lý thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, với cán bộ, công chức, viên chức được nhấn mạnh là đối tượng cần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện; thành phố sẽ kiên trì tuyên truyền, vận động để họ nghiêm túc chấp hành, tự giác thực hiện, trở thành nếp sống văn hóa văn minh nơi công sở. Còn tại nơi công cộng, thành phố xác định khu vực trọng điểm cần được ưu tiên tuyên truyền quy tắc ứng xử như: Chợ, trung tâm thương mại, bến xe, khu vực giao thông công cộng... bởi nơi này thường xảy ra những bất cập trong ứng xử văn minh.

Thực tế, theo trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Ngô Văn Nam, hiện nhận thức của những người quản lý ở địa phương, xã phường, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố về quy tắc ứng xử còn hạn chế nên việc triển khai vẫn còn hình thức, chưa có chiều sâu. Do vậy, để việc triển khai bộ quy tắc ứng xử hiệu quả trong thời gian tới cần phải có sự tâm huyết của những người quản lý, đứng đầu các cơ quan đơn vị. “Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương chi tiết về việc niêm yết đồng bộ các Bộ Quy tắc ứng xử tại nơi công cộng, cách thức triển khai và việc kiểm tra sau khi thực hiện. Đồng thời, nhắc nhở thường xuyên đối với từng địa bàn, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan đơn vị để tiếp tục tháo gỡ”- ông Nam nhấn mạnh.

Việc triển khai các Bộ Quy tắc ứng xử là công việc thường xuyên, lâu dài, không thể ngày một ngày hai. Vì vậy, Hà Nội đang nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để đưa các bộ Quy tắc ứng xử thực sự đi vào cuộc sống.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-mot-ha-noi-van-minh-thanh-lich-112562.html