Vì một nền tài chính đủ mạnh

Bên cạnh những thành tựu to lớn sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn do hệ lụy từ những tác động của dịch Covid-19, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Vì vậy, cần có những chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững.

Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp; an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu gặp nhiều thách thức.

Ảnh minh họa.

Ở trong nước, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão, lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong khi các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước.

Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững”, ông Cao Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp điều chỉnh chính sách về tài chính - ngân sách Nhà nước linh hoạt, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và vĩ mô khác để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Các giải pháp chính sách tài chính - ngân sách Nhà nước trong thời gian qua khá toàn diện, kịp thời, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

Lạm phát được kiểm soát ở mức 3 - 3,8% trong năm 2023 và có thể tăng lên 4,71% trong năm 2024. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao; sự sụt giảm cầu nhập khẩu từ các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra; nợ công tăng cao và hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp.

Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 ở mức 4,5 - 5,8% và tăng lên mức 5,5 - 6,5% trong năm 2024.

Ông Jochen Schmittmann - đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, hơn một năm qua, thiệt hại do Covid-19 là rất lớn. Dự báo tăng trưởng kinh tế 2024 rất nhiều yếu tố phát sinh. Việt Nam cũng như các quốc gia châu Á mặc dù có hồi phục nhưng cũng rất chậm, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường trong thời gian tới. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao trong top đầu thế giới.

Theo ông Jochen Schmittmann, về tổng thể, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện hạ tầng, thu hút vốn FDI, cải cách thủ tục hành chính, để kéo các dự án chuyển hướng đầu tư từ nhiều vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Khi tăng trưởng thấp cần cải cách chính sách mạnh hơn nữa, chi đầu tư công nhiều hơn để tăng cường hiệu suất chi, tăng cường quản lý đầu tư công bảo đảm bền vững.

Vừa qua Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi thuế để phục hồi kinh tế, tuy nhiên ông Jochen Schmittmann cho rằng, ưu đãi thuế chỉ là vấn đề thứ cấp trong thu hút đầu tư. Việt Nam cần thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để giúp xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý, không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá.

Nếu triển khai chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư lớn, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào Việt Nam và các ưu đãi thuế không phải là lý do chính để thu hút FDI vào Việt Nam. Yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam chính là từ môi trường chính trị, sự chăm chỉ của người lao động...

Tuy nhiên, một số quan ngại trong thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng; quy trình phê duyệt, xử lý tín dụng, cấp tín dụng, môi trường kinh doanh có vai trò hơn so với các ưu đãi thuế. Việt Nam nên dành một phần tiền thu từ thuế tối thiểu toàn cầu để đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp hệ thống điện.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Do đó, để phát triển ổn định nền kinh tế, Việt Nam cần bám sát xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết Trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng, đổi mới mô hình tăng trưởng. Các chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-mot-nen-tai-chinh-du-manh-163557.html