Vì một nền văn học-nghệ thuật tiến bộ, lành mạnh

Nền văn học-nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đang ở trong giai đoạn khá sôi động. Tính từ sau đổi mới (1986), cùng với tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa, nền VHNT của chúng ta đã có những bước tiến đa dạng, phong phú, gần hơn với xu hướng chung của VHNT thế giới.

Những câu hỏi đã được đặt ra: Hệ thống lý luận văn nghệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Các khuynh hướng vận động chính của nền VHNT những năm gần đây? Đánh giá về thành tựu của nền văn học đổi mới như thế nào? Vấn đề tự do trong sáng tạo? VHNT dưới tác động của cơ chế thị trường? Để có một nền văn học gắn với số phận của nhân dân và vận mệnh đất nước? Định hướng sự phát triển của lý luận văn nghệ Việt Nam? Thực trạng của vấn đề xã hội hóa các hoạt động VHNT?... Đó quả thực là những câu hỏi lớn, mang tính bao quát, đặt giới nghiên cứu vào những thảo luận quan trọng, hướng đến nhận diện một nền văn nghệ Việt Nam đổi mới, hội nhập.

Trước các vấn đề quan trọng đang được nêu lên, công trình Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học (NXB Văn học, 2019) của PGS, TS Phan Trọng Thưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đã ra đời. Đây là kết quả của hoạt động chuyên môn phục vụ cho yêu cầu tư vấn, xây dựng định hướng phát triển lý luận, phê bình VHNT của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT mà tác giả đã nhiều năm tham gia. Trong tiểu luận đầu tiên Nhận diện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tác giả đã phân tích một cách khá kỹ lưỡng, hệ thống về sự hình thành, vận động của hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam từ xưa tới nay. Tác giả đưa ra cách hiểu khái niệm lý luận văn nghệ, bao gồm cả “văn” và “nghệ”, được xem như là cách gọi tắt của hệ thống lý luận văn học và lý luận của các loại hình nghệ thuật khác. Hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam được hình thành trên cơ sở các yếu tố hợp thành như: Lý luận văn nghệ truyền thống; lý luận văn nghệ mác-xít; hệ thống quan điểm văn nghệ của Đảng; lý luận văn nghệ tiếp thu từ nước ngoài. Về căn bản, đến nay, đây vẫn là những thành tố cơ bản của lý luận văn nghệ Việt Nam. Các thành tố này có quá trình phát triển lâu dài, trải qua các giai đoạn: Từ thế kỷ 10 đến giữa thế kỷ 19; giữa thế kỷ 19 đến hết năm 1945; từ năm 1945 đến 1985; từ năm 1986 đến nay. Mỗi giai đoạn có đặc thù riêng, nhưng theo phân tích của tác giả, các yếu tố tác động tới quá trình vận động của lý luận văn nghệ Việt Nam bao gồm: Truyền thống tư tưởng; thực tiễn lịch sử xã hội và nghệ thuật; tư tưởng chính trị, ý thức hệ và đường lối quan điểm văn nghệ; lý thuyết văn học nước ngoài; hệ thống giáo dục-đào tạo; sự chuyển dịch hệ giá trị VHNT. Có thể nói, việc nhận diện hệ thống lý luận văn nghệ cùng các giai đoạn, các thành tố, các yếu tố ảnh hưởng, chi phối sự vận động đã đem lại cái nhìn khá bao quát, căn bản diện mạo lý luận văn nghệ Việt Nam từ khởi thủy đến hiện tại.

Nằm trong chuỗi những quan tâm có tính khái quát, tiểu luận Nhận diện các khuynh hướng vận động và phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam những năm gần đây đã vạch ra các yếu tố tác động đến sự hình thành khuynh hướng của văn nghệ Việt Nam (quan điểm chính trị, hệ thống lý thuyết, khoa học và công nghệ, cơ chế chính sách). Từ những yếu tố này, trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, nền văn nghệ Việt Nam vận hành một cách đa dạng. Để phân định các khuynh hướng, người ta có thể căn cứ vào: Phương thức hoạt động; đề tài-chủ đề; phong cách nghệ thuật; mục đích-động cơ sáng tác. Theo đó, có khuynh hướng thị trường, khuynh hướng vụ lợi, khuynh hướng thương mại (phương thức hoạt động); khuynh hướng khai thác lịch sử, khuynh hướng thế sự đời tư (chủ đề-đề tài); hiện đại, hậu hiện đại, sử thi, lãng mạn, cách tân (phong cách)... Đây là những vấn đề phức tạp, đang vận động, chưa hoàn kết nên những định hình và định danh mang tính tương đối, thời đoạn. Tuy nhiên, cách hình dung của tác giả đã đem lại những gợi ý khá thú vị.

Nền VHNT Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới (1986), đi qua chặng đường dài hơn 30 năm với nhiều biến động. Việc nhận diện và lý giải thành tựu của hơn 30 năm đó cũng là việc làm cần thiết đến thời điểm hiện tại. Rất đáng chú ý trong tiểu luận này là việc nhấn mạnh “Đổi mới như một quy luật vận động nội tại, một yêu cầu sống còn, một sự tự ý thức của văn học” (tr.74); đổi mới là quá trình văn học khách quan với nhiều yếu tố tác động (hệ thống tư tưởng chính trị, cơ chế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế, hệ thống lý thuyết, báo chí truyền thông, đời sống văn hóa…). Tiểu luận cũng có những nhận định về thành tựu, hạn chế của nền VHNT cùng những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới của VHNT.

Là một nhà nghiên cứu uy tín, trong suốt quá trình công tác, nghiên cứu của mình, PGS, TS Phan Trọng Thưởng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho các vấn đề có tính chất móng nền của VHNT Việt Nam. Trong công trình biên soạn lần này, ông bàn khá kỹ về Bản chất của văn học, Nhìn lại vấn đề tự do trong sáng tạo nghệ thuật, Vai trò của lý luận văn học nghệ thuật trong sự nghiệp giáo dục nhân cách và lối sống của con người, Tinh thần dân chủ lý luận-thành tựu và kinh nghiệm, Để có thêm những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, Bàn thêm về chức năng dự báo của văn học, Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, Định hướng phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam-quan điểm và phương pháp tiếp cận… Có thể nói, mỗi tiểu luận là một công trình nghiên cứu với góc nhìn linh hoạt, với một tinh thần khoa học, khách quan, cởi mở, vì sự phát triển của VHNT.

Trong bối cảnh nở rộ của các hiện tượng văn học, sự du nhập của nhiều lý thuyết, phương pháp như hiện nay, công trình Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học của PGS, TS Phan Trọng Thưởng là một khái quát có tính vĩ mô, từ đó tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

LÊ PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/vi-mot-nen-van-hoc-nghe-thuat-tien-bo-lanh-manh-606790