Vi phạm 2 quy chế, Chứng khoán Tiên Phong bị phạt 250 triệu đồng

CTCP Chứng khoán Tiên Phong vừa bị xử phạt hành chính số tiền 250 triệu đồng với 2 vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là cho vay margin vượt sức mua, vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn.

Chứng khoán TPS bị xử phạt do vi phạm quy định tư vấn trái phiếu và cấp margin vượt hạn mức (Ảnh minh họa)

Chứng khoán TPS bị xử phạt do vi phạm quy định tư vấn trái phiếu và cấp margin vượt hạn mức (Ảnh minh họa)

Ngày 19/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 691/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Theo đó, Chứng khoán Tiên Phong bị phạt tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn.

Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số công ty cổ phần chưa đại chúng năm 2022, nội dung hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa công ty và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu.

"Như vậy, công ty chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định", Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết luận.

Trước đó ngày 16/9, UBCKNN cũng ra quyết định phạt chứng khoán Tiên Phong số tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Công ty cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

Tổng số tiền Chứng khoán Tiên Phong phải nộp phạt cho hai vi phạm trên là 250 triệu đồng.

Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2022, TPS báo lỗ trước thuế 161,2 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên TPS báo lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết năm 2019.

Theo báo cáo tài chính, mặc dù doanh thu của TPS tăng 125,8%, đạt gần 662 tỷ đồng, song chi phí tăng đột biến 251,99%, lên 823 tỷ đồng, dẫn tới lỗ sau thuế tới 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 53,7 tỷ đồng.

Giải trình từ phía TPS cho thấy, nguyên nhân chi phí tăng cao chủ yếu là do hoạt động tự doanh bị ảnh hưởng từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng 488%, lên gần 528 tỷ đồng.

TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu niêm yết với giá trị hơn 87 tỷ đồng, trong đó cắt lỗ SSI với giá trị hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra, cắt lỗ trái phiếu chưa niêm yết hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong kỳ hơn 367 tỷ đồng.

Lũy kế 2 quý đầu năm 2022, TPS ghi nhận 1.472,6 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 172%. Lãi trước thuế 118,5 tỷ đồng, giảm 32,5%. Lãi sau thuế 92,4 tỷ đồng, giảm 38,6%.

Trong tháng 7/2022, TPS đã có sự xáo trộn nhân sự cấp cao khi ông Trần Sơn Hải đã có đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc TPS vì lý do cá nhân. Ngay sau đó, TPS đã có Quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty đối với ông Hải.

Sau đó bà Bùi Thị Thanh Trà đã được bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty. Bà Trà gia nhập và đồng hành cùng TPS ngay từ những ngày đầu tái cơ cấu (tháng 3/2019) với vai trò là Giám đốc Khối Vận hành. Đến thời điểm được bổ nhiệm là Tổng giám đốc của TPS, bà Trà đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách chung hoạt động của TPS.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, TPS đặt kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu nhưng mới chỉ đạt 24% chỉ tiêu lợi nhuận.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vi-pham-2-quy-che-chung-khoan-tien-phong-bi-phat-250-trieu-dong-post11554.html